.

Mượn văn chương làm duyên ứng nghĩa

.

Câu chuyện được góp nhặt từ lời kể của các bậc cao niên ở xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) và xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức) hơn mười năm trước. Nhiều người giờ hẳn đã không còn nữa, nhưng những giai thoại xưa từ họ vẫn còn được truyền khẩu qua các thế hệ, thấm đẫm lòng tự hào về đất nước và con người một vùng đất.

Lăng mộ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tại Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: V.T.L)

Khách đến ngã ba Phú Bình, giao điểm của các con đường dẫn về các huyện Thăng Bình, Quế Sơn và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, còn nghe câu hát ru: Bồng em mà bỏ vô nôi

Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Đông Phú, mua trầu Đồng Tranh.

Đông Phú là thị trấn của huyện Quế Sơn. Đồng Tranh là tên một làng ngày trước thuộc xã Phú Bình, tổng An Mỹ, huyện Tiên Phước, phủ Thăng Bình. Nhờ vị trí giao thông thuận lợi nên nơi đây đã từng có chợ Đồng Tranh nổi tiếng trù phú một thời, được chép vào sách Đại Nam nhất thống chí. Thương khách các nơi đổ về buôn bán rất đông, có cả những người Hoa đến từ Hội An.

Học trò trong làng nhiều người đỗ đạt. Khi làm đình, làng muốn thể hiện một cái gì đó để lưu dấu truyền thống hiếu học của con dân mình. Một vị cử nhân trình làng câu đối:

Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ đồng tranh long hổ bảng (1).

(Học trò văn Đồng Tranh, học trò võ Đồng Tranh, học trò văn võ cùng tranh nhau thi đỗ).

Giới khoa bảng trong làng tấm tắc khen tài cụ Cử. Đồng Tranh vừa là tên làng, vừa có nghĩa cùng tranh nhau, thật chẳng chê vào đâu được. Song, vắt óc mãi mà cụ Cử cũng chẳng tài nào tiếp được vế thứ hai, bởi vế đầu quá hiểm hóc. Cuối cùng, làng quyết định ghi vế đối của cụ Cử trước cổng đình để thách thức giới khoa bảng gần xa. Nhiều năm trôi qua, không ít người ghé qua đình Đồng Tranh, nhưng tất cả đều lắc đầu thè lưỡi…

Ngày nọ, có một tay bán chiếu dạo muốn gặp làng để xin đối. Hương kiểm trong làng cứ cho là giỡn mặt, đòi đánh. May đâu cụ Cử tạt qua, thấy mặt mũi anh chàng bán chiếu coi bộ cũng được, bèn cho anh ta vào. Thấy chuyện lạ, người trong làng kéo tới mỗi lúc một đông. Giấy bút được bày ra, anh ta vung những nét rồng bay phượng múa:

Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần gia hội phụng hoàng trì (2).

(Vua làng Gia Hội, tôi làng Gia Hội, vua tôi tham gia vào hội vui).

Mọi người trố mắt ngạc nhiên. Thật là tuyệt tác! Gia Hội vừa là tên một làng ở kinh đô Huế, vừa có nghĩa là thêm vào hội. Chữ nghĩa câu trên câu dưới đối nhau nghe chan chát. Làng vui mừng bày tiệc rượu thưởng công anh bán chiếu. Anh cho biết mình chỉ là học trò thất vận thôi, không đáng được làng đối đãi trọng vọng đến vậy. Quyết không thể thế được, các vị khoa bảng hẳn hoi mà còn bó tay, huống gì…

Cuối cùng, mọi người mới hay tay “học trò thất vận” đi bán chiếu dạo kia chính là ngài Hường Hiệu , vừa mới từ quan về ngao du sơn thủy. Để tránh tai mắt nhà đương cục, ông phải cải trang để dễ dàng đi khắp nơi kêu gọi mọi người tham gia phong trào Nghĩa hội. Nhờ chút duyên văn chương ban đầu như thế mà về sau Hường Hiệu đã được đông đảo sĩ phu quanh vùng nhiệt liệt ứng nghĩa, góp phần xây dựng lực lượng Nghĩa hội ngày càng vững mạnh.

Làng Đồng Tranh bây giờ thuộc xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây còn nhiều di tích của Nghĩa hội: Ai lên Bằng Võ, Gò Đồn/ Mà xem Nghĩa hội lập đồn đánh Tây.

Câu chuyện trên đã được góp nhặt từ lời kể của các bậc cao niên Lê Thanh Diêu, Lê Văn Khi, Đinh Thanh Vân ở xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) và Võ Văn Trọng, Nguyễn Quang Pháo xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức) hơn mười năm trước. Nhiều người giờ hẳn đã không còn nữa, nhưng những giai thoại xưa từ họ vẫn còn được truyền khẩu qua các thế hệ, thấm đẫm lòng tự hào về đất nước và con người một vùng đất.

Ở xã Điện Dương, nơi Cử nhân Lê Tấn Toán ngày trước mở trường Hà Lộc dạy học, vẫn còn lưu lại một chiếc cầu được người đời sau đặt tên là cầu Ông Tú – gọi theo học vị một người học trò cũng là cháu cụ Cử. Tương truyền, trong thời gian theo học thầy Cử Lê ở Hà Lộc, Nguyễn Duy Hiệu (tức ngài Hương Hiệu) từng tha thẩn trên cầu, vừa nhìn nước tuôn dưới cầu, vừa trầm ngâm nghĩ đến nợ văn chương và nợ nước.

Viên Phúc Quân

---------

(1). Ngày trước, long bảng ghi tên học trò đỗ kỳ thi văn, hổ bảng – kỳ thi võ.

(2). Phượng hoàng trì: ao hồ trong cung vua.

 

;
.
.
.
.
.