.

Mỹ tiếp nhận tù nhân Guantanamo

.

Thượng viện Mỹ vừa “bật đèn xanh” cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama chuyển các nghi phạm khủng bố người nước ngoài bị giam giữ ở nhà tù tại Vịnh Guantanamo (Cuba) về xét xử ở Mỹ. Quyết định này là một cú hích cho những nỗ lực của ông Obama nhằm đóng cửa nhà tù trên.

Theo kế hoạch, nhà tù Guantanamo sẽ đóng cửa vào tháng 1-2010.(Ảnh: AP/Reuters)

Với 79 phiếu thuận và 19 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã tháo gỡ một trong những tảng đá mà chính phủ của Tổng thống Barack Obama phải đối mặt trong khi nỗ lực xóa bỏ các nhà tù quốc tế vốn được thiết lập dưới thời chính quyền G.W.Bush sau vụ khủng bố 11-9-2001. Việc phê chuẩn của Thượng viện diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hạ viện cũng có động thái tương tự với 301 phiếu thuận và 114 phiếu chống.

Dự luật được Thượng viện phê chuẩn là một phần của gói dự chi trị giá 42,8 tỷ USD cấp cho Bộ An ninh Nội địa trong năm 2010. Dự luật này cấm trả tự do cho những nghi can bị giam giữ tại căn cứ hải quân Mỹ ở Guantanamo vào lãnh thổ Mỹ - bao gồm cả các vùng lãnh thổ Guam và Puerto Rico, đồng thời yêu cầu đưa ra đánh giá về các nguy cơ an ninh tiềm ẩn trong vòng 45 ngày trước khi những đối tượng này được đưa ra xét xử tại Mỹ.

“Nhà tù Guantanamo phải bị đóng cửa vì nó trở thành một công cụ chiêu mộ thành viên cho Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác”. (Nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Dick Durbin)

Luật cũng quy định những nghi phạm bị giam giữ không được đưa tới bất cứ quốc gia nào khác nếu không được phép của tổng thống và Quốc hội. Đây được coi là biện pháp nhằm ngăn chặn những phần tử khủng bố có “phương tiện hợp pháp” để tiến hành các vụ tấn công trên đất Mỹ. Theo đó, Lầu Năm Góc cũng sẽ được phép ngăn cản việc công bố các bức ảnh lạm dụng tù nhân, từng bị các nhóm nhân quyền, Liên Hợp Quốc và nhiều nước khác chỉ trích gay gắt. Trong số 220 người bị giam giữ tại nhà tù ở Guantanamo có khoảng 80 đối tượng đang trong thời gian chờ được trả tự do và 60 người khác sẽ được đưa ra xét xử.

Manfred Nowak, một quan chức của Liên Hợp Quốc, nói rằng các quốc gia châu Âu sẽ hỗ trợ Mỹ trong việc tiếp nhận các tù nhân. Trước đó, các nhà chức trách đã dẫn độ tù nhân tên là Ahmed Khalfan Ghailani, quốc tịch Tanzania, đến New York để đối mặt với phiên tòa xét xử vì có liên quan đến các vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Tanzania và Kenya năm 1998 khiến 224 người thiệt mạng.

 

 

Việc Ghailani có mặt trên đất Mỹ diễn ra sau những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhà chức trách về cách đối xử với 220 tù nhân ở Guantanamo khi đóng cửa trung tâm. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan này dự kiến sẽ quyết định xem những tù nhân nào sẽ phải ra tòa và họ sẽ phải đối mặt với tòa án nào vào giữa tháng 11 tới.

Nhiều người thuộc đảng Cộng hòa đã phản đối kế hoạch đưa các nghi phạm khủng bố về các nhà tù ở Mỹ và bày tỏ lo lắng rằng điều này có thể làm gia tăng thêm các cuộc tấn công khủng bố. Không những thế, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cũng không ủng hộ kế hoạch này. Kirk Lippold, cựu chỉ huy con tàu USS Cole cho hay, việc đưa tù nhân vào đất Mỹ sẽ làm đất nước này kém an toàn hơn. Kirk Lippold là chỉ huy tàu USS Cole bị đánh bom tại Vịnh Aden khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng vào năm 2002.

Ngay trong ngày thứ hai lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã ra lệnh đóng cửa các trại giam giữ tù nhân trước ngày 22-1-2010, nhưng các quan chức trong Chính phủ của ông không đồng tình và vạch ra nhiều “chướng ngại” về luật pháp, chính trị và ngoại giao.

60 người trong số 220 tù nhân tại Guantanamo sẽ được đưa ra xét xử. (Ảnh: AFP)

Cuối tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ của ông Obama chính thức thừa nhận khó có thể đóng cửa nhà tù Guantanamo đúng thời hạn, bởi những khó khăn trong quá trình xem xét hồ sơ của các nghi can và những vấn đề thuộc khuôn khổ pháp lý và hậu cần, chẳng hạn như việc tìm kiếm các nước tiếp nhận tù nhân.

Điều này buộc người đứng đầu Nhà Trắng phải thay đổi một số bước đi trong chính sách để lôi kéo sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Nhưng giờ đây, khi Thượng viện phê chuẩn dự luật, Tổng thống Obama đã giành thắng lợi lớn trong việc thực hiện những cam kết. Dự luật chỉ còn chờ đợi chữ ký của ông Obama thì sẽ chính thức có hiệu lực.

GIA AN

 

 

;
.
.
.
.
.