.

Ngoại ô chiều

.

Tôi đã có một ngày ngoại ô với những rối bời bờ bãi. Một chiều ngoại ô không phải chỉ để ngắm nhìn những gì mình thấy, mà là để lắng nghe nhịp đập của cuộc sống đang gượng dậy sau cơn lũ quét. Ở quanh đây cỏ cây hoa lá đang đan chen để cố ngoi lên khỏi mặt bùn non đang bám đầy đồng, bãi. Những dấu chân người in đầy mặt đất, đường làng, ngõ xóm… chỗ nào có bùn non là có dấu chân người. Chợt nhớ đôi câu thơ văn xuôi của nhà thơ Bùi Xuân “Anh chắt chiu từng giọt bùn sau mùa lụt để bồi đắp cho cánh đồng eo sèo thóc lép của mình.
 

.

Anh chưng cất niềm vui, nỗi buồn, sự nếm trải, tìm trong đó chút tinh chất và anh ngẫm ra một điều, mọi chớp bể mưa nguồn rồi sẽ qua, cái còn lại, đọng lại là bùn non và tất cả đều có thể trở thành lớp phù sa màu mỡ”. Vậy mà sao trong tôi vẫn đẫm nỗi buồn, đẫm điều phiến dụ, đẫm cả những câu hỏi ngu ngơ không dễ trả lời. Niềm hạnh phúc được vực trong bùn non của tôi ngày xưa chợt bị khựng lại bởi một nỗi nhói đau.
 
Bùn non có phải là phù sa của thượng nguồn bồi về cho đồng bằng hay đó chính là nỗi đau của người dân ngày ngày vẫn bám ruộng, bám đồng? Có phải sông mỗi độ mùa lũ quét lại phải quặn lòng thương những sinh linh đã vì mình mà quên sinh trong dòng nước xiết. Sông có đau như cơn đau của người mẹ khi trở dạ sinh những đứa con mình? Sông có biết bao người đang chờ đợi cái bình yên như tâm khảm để rồi sông có thể là dải lụa hiền hòa mà chở che cho bao số phận con người? Tôi đứng bên dòng Trường Định, cái gió sau bão, cái gió sau mưa, cái gió sau lũ bây giờ chỉ đủ làm mấy sợi tóc mai của tôi lây phây trong nắng chiều với đầy những điều mong manh trong miền mơ tưởng.

Gượng dậy. Phải gượng dậy thôi hỡi những nỗi buồn, những mất mát, cả những đa đoan và nước mắt. Sinh tử vẫn đồng hành khăng khít bao đời bao kiếp. Những nén nhang thắp vội trong chiều trên những bến sông, nhà ai đó đang cầu mong sự an bình về với bến đỗ. Ai đó đang chở những khúc trầm tư của sóng trên những con thuyền không neo - Những con thuyền bị sóng đánh vụn nát. Những mái nhà giờ chỉ còn trơ trọi mấy viên gạch lem nhem bùn đất.

Miền trung du, những nỗi buồn cứ dày lên, nỗi đau lại ứ lại. Ngày ngoại ô, những mái nhà tạm bằng những tấm bạt cũ kỹ được dựng lên, che đỡ cái nắng của trời để những ánh mắt người già lại nao núng khi nhìn con cháu dầm mình trong lũ quét. Nhà ai đó đã tắt đèn. Có tiếng khóc của trẻ con bị lạc lõng bên sự ầm ào bão lũ. Nhưng cuộc sống phải bình yên trở lại, con người phải vá lành những nỗi buồn, những mất mát tang thương sau bão lũ để lại cười với đời, để đủ sức chiến đấu với sự tàn khốc ngày một lớn của thiên nhiên.

Chiều ngoại ô thênh thang bước chân về. Tôi nghĩ mông lung về những chuyến tàu và sự biến thiên của tạo vật. Như những chiếc thuyền lá đang trôi lênh đênh trên sông, cuộc đời con người cũng thế. Ngắn dài cũng chỉ là một sự nương nhờ vào tạo vật.

Trẻ con vẫn hồn nhiên hát đồng dao cho người lớn

Người lớn vẫn bắc tay lên trán ngẫm nghĩ về cuộc sinh tồn

Tất cả cheo neo!

Vậy mà tôi vẫn cứ tưởng trên cuộc đời này không có niềm đau nào ngọt ngào hơn niềm đau chia cắt. Sự bó buộc trong một khuôn khổ nhất định, thế mới thấy được người ta sống chủ yếu để yêu thương. Mà người ta cũng nên sống để yêu thương hơn là thù hận. Lẽ thường tình, sống thì phải chịu sự ban ơn của một ai đó, một cái gì đó, một vật gì đó. Nhưng đó đâu phải là cái đích cuối cùng mà người hướng tới. Đó là sự rủi may vốn có mà con người được thượng đế ban tặng…

Gió ngày ngoại ô chênh chao, cái nắng mang đượm oi nồng trộn lẫn với nhiều mùi vị khác nhau. Gắt gỏng. Nhẹ nhàng. Quyến rũ. Đam mê. Và cả sự chết. Đó là quy luật. Tôi ngồi thu mình vào một góc quán mới dựng lại sau bão. Ly cà-phê tan trong đá, nhạt thếch. Những giọt nước mắt bắt đầu ẩm mục. Rơi. Sống mũi cay vì đồng dao người lớn!

Nơi cơn bão đi qua, nơi trận lũ vừa thả những bước chân dài của mình xô ngã và cuốn trôi mọi thứ. Tôi nhặt được những tiếng thở dài. Lúc gần. Lúc xa. Lúc ai oán, lúc dồn dập. Những tiếng thở như muốn phá vỡ sự cố hữu, phá vỡ bức tường rào vô hình đang ngăn cách. Sau bão trời bao giờ cũng quang nắng, cái mới lại tái sinh trong cái cũ vừa mới bị thiên nhiên chia mất sự đủ đầy. Con người hiến tạo nên đời sống những khoảng lặng, thiên nhiên lại đổi màu gương mặt mình để sinh tồn. Mọi thứ đều hợp quy luật.

Ngày ngoại ô tôi cũng nhặt được những lời chỉ trích, những bàn tán xôn xao vì những sự kiện xảy ra sau bão, lũ. Con người bắt đầu đối thoại bàn tròn để cân đo trách nhiệm. Nhưng thiên nhiên vốn vô cùng. Cả sự hiền hòa của biển cả cũng có lúc phải gồng lên nhấn chìm mọi thứ. Nhưng chiều nay ngoại ô những đứa trẻ đã phơi khô những cuốn sách, cuốn vở bị nước lũ tắm ướt. Rồi cuộc sống lại trở về nhịp thở đầu tiên, nhưng sẽ không có gì là toàn bích hoặc vĩnh viễn. Ánh chiều đã tắt phía ngọn Hải Vân. Biển đã có lác đác vài ánh đèn phát ra từ những chiếc thuyền câu mực của ngư dân. Có cơn gió vừa vờn qua tóc tôi, thả vội vài điều bỏ ngỏ…

Tản văn của Nguyễn Thị Anh Đào

;
.
.
.
.
.