Trong Thiên tân ca của Hội hoa đàm, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã buông những dòng pháp hỷ như sau:
Có con rùa nhỏ ngoài khe,
Từ lâu đợi suối trở về, nằm đây.
Ẩn mình dưới chiếc mai dày,
Ngó bờ rêu lục tưởng ngày xa xưa…
Nhà thơ Phạm Thiên Thư (bên phải) tại quán café Hoa Vàng. |
Vào non soi nguyệt tầm rùa
Đọc trên mai nhỏ xanh tờ lạc thư
Thả rùa lại đứng ưu tư
Muốn qua hang động sống như nguyệt rùa
Những ai đã từng nghe danh tác “Đưa em tìm động hoa vàng” của nhạc sĩ Phạm Duy sẽ chẳng ngờ rằng người làm nên ca từ bản nhạc này lại giống như một lão nông ngồi bên tường rào một quán cà- phê nhỏ. Nhưng Phạm Thiên Thư là vậy, ông như một hiền sĩ ngồi bên lề của đời sống ta bà, lặng yên thi hóa mọi thứ, kinh Phật và tình trai gái, sự hài hước và châm ngôn… Cười tít mắt, móm mém với hàm răng vàng vì khói thuốc, đôi chân ống cao ống thấp, ông nói về trường sinh học, nhân điện, rồi nói về điều tương đồng của ông với Nguyễn Du là có số lượng vợ ngang nhau?! Tôi nắm tay ông và thấy ngạc nhiên khi lòng bàn tay mềm ấm, nhưng lưng bàn tay thì rất cứng cáp như lão nông. Hiểu ý, ông cười và giải thích: Bố tớ là võ sĩ, tớ học võ từ nhỏ nên tay chân sần sùi như vậy đây. Tới đây, lòngchợt nhớ những câu thơ ngày xưa của ông:
Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn
Ông có những câu thơ thật khó quên:
Đâu em có hay
Buổi chiều hôm nay
Ta châm điếu thuốc
Nhớ dài ngón tay
Tôi là người quan tâm đến văn giới miền Nam trước 1975 nên hay hỏi ông nhiều lần, nhưng ông nói: Tớ có biết ai đâu. Lúc ấy tớ ở trong chùa… mà! Hèn chi vậy nên ông cứ thủng thẳng lập một cõi thi ca riêng: trong vắt, trữ tình, đậm chất Thiền ca giữa một thời mịt mùng đạn bom và văn hóa hippy…
Vào hang núi nhập niết bàn
Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe
Mai sau thí chủ nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh
“Bè mây xanh” của ông là một bè thơ đồ sộ mà người đời nếu có cơ duyên chắc sẽ ngộ ra nhiều điều để sống thanh thản, vô ưu… Bởi lẽ ở đấy, vẻ đẹp thanh tân và trong sáng chiếm hữu không gian thơ ông. Song không phải thơ ông không có những câu thơ bạo liệt:
Con tàu than hú ga đêm
Cây cao bóng lẻ buồn trên hồ cầm
Anh còn bạo động thâm tâm
Sương trên vai tượng buồn câm nín chiều
… Anh ngồi qua một đêm nay
Đêm trên hầm rượu với cây kèn đồng
Thế nhưng đó chỉ là một vùng tiểu khí hậu nhỏ nhoi, thất thường, hiếm hoi.Tràn lên trong thơ ông vẫn là khí hậu dịu dàng, trang nhã, tình cảm mà vẫn đậm chất Phật ca.
Có con cá mại cờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Nửa dòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi
Người đời nói khá nhiều về thơ tình của ông, song đọc kỹ mới thấy ông mượn tình yêu để nói về vẻ đẹp tại thế, về nỗi buồn quán trọ trần gian, về nỗi luyến ái và dứt bỏ thế gian để soi lại bản ngã chân
tâm của mình:
Cánh rừng xanh những kiếp mơ
Hồn anh hóa bướm vật vờ bay lên
Nghe trong tiếng suối dịu huyền
Con tim chín úa như viền trăng thu
Anh ca chúc tụng sương mù
Quyện theo hương tóc bay vào ngàn năm
Mượn em tơ khói tơ tằm
Đem về dệt lại võng nằm tịch nhiên
Bởi vậy tôi cứ thấy “người yêu” trong thơ của ông dường như là một sinh mệnh mà duyên cớ nhân gian cho ông gặp để ông trải nghiệm mà nhận ra những “chính yếu” của lẽ đời. Hình tượng thơ “người yêu” trong thơ ông đẹp một cách lạ lùng, có khả năng sinh hóa được nhân tâm khổ lụy.
Dáng em lau gầy
Vươn từ khổ đế
Mỉm cười thơ ngây
Trang nghiêm cõi này
Ông làm thơ theo cách của một cánh chim ngẫu nhiên bay giữa cõi nhân gian, rồi ngẫu nhiên nhặt nhạnh những vàng hoa mật ngọt để dâng tặng cho đời:
Lên non kiếm hạt tơ hồng
Đập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay
Thế mà, vài năm gần đây, ông lại hay xuất hiện trên mặt báo theo kiểu phỏng vấn, với cơ man lời lẽ tung hô, kỷ lục… Tôi đọc mà cứ ngờ ngợ không biết hư thực ra sao… Vì cái cách nói đầy vẻ phô trương, nhiều nét “hàn lâm viện sĩ”, những điều hoàn toàn khác với một Phạm Thiên Thư ăn nói dân dã, ngăn ngắn, không đầu không đũa thường ngày mà tôi được biết. Cầm lòng chẳng đặng, tôi hỏi ông có biết và có đọc mấy bài báo về ông không? Ông nói:
Tớ thấy mấy anh chị ký giả đưa tới, tớ có đọc… Tôi hỏi thêm: Thầy thấy họ viết có đúng với Thầy trả lời khi họ phỏng vấn không ? Ông cười tít mắt: Họ thương tớ thì thêm bớt bóng bẩy cho vui mà, tớ có nói gì đâu mà họ viết cũng nhiều ra phết đấy ?! Rồi ông lại cười tít mắt.Mỗi khi cảm thấy lòng bất định, tôi tới nhìn ông, và trò chuyện.
Và theo bóng nắng, có khi ngồi bên này vệ đường, có khi qua bên kia mặt đường Hồng Lĩnh ở lưng khu Cư xá Bắc Hải để ngồi chơi. Nhiều lần ông nói với tôi bằng giọng Nam Định quê ông: Tớ với cậu có thể “thông quan” được đấy, khi nào nằm ngủ, cứ kêu tớ, tớ truyền điện cho !Trong cái ao ta bà Sài Gòn huyên náo, tôi ít khi có được nhiều phút giây để làm điều ông dặn. Đôi khi nhớ thì cũng lầm rầm “gọi” ông như ông đã dặn dò.
Nhưng lúc ấy lại chỉ nhớ những câu thơ trong Kinh Hiền Ngu, Kinh Ngọc, Kinh Thơ… mà ông đã thi hóa, lòng lại thấy nhẹ nhõm chút ít. Lúc ấy không biết là do điện năng sinh học của ông truyền cho hay không, song chắc chắn rằng: chính năng lượng thi ca của ông đã mang đến cho tôi cảm giác thanh thản vô niệm ấy! Không gì khác ngoài thi ca Phạm Thiên Thư!
Lê Quang Đức