.

Người nghèo “ngoài sổ sách”

.

Ở đời, thật khó học được chữ... nghèo. Đang bình yên vô sự thì đùng một cái, các tai họa từ trên trời rớt xuống như mất việc, thiên tai, hoạn nạn, bệnh tật... khiến cho không ít gia đình bỗng dưng rơi vào cảnh nghèo. Trong lúc chờ được cơ quan chức năng công nhận hộ nghèo để được hưởng một số chính sách ưu đãi theo quy định, những người nghèo “ngoài sổ sách” này đã phải bươn chải như thế nào trong cuộc sống?

Bỗng dưng trở thành... nghèo

Niềm vui của một bà mẹ Cơtu xã Hòa Bắc sau khi nhận quà cứu trợ của Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung sau bão số 9.Ảnh: V.T.L

Bước qua tuổi 18, anh Dương Văn Hồng ở thôn Bồ Bản 2 không còn được hưởng trợ cấp xã hội theo diện trẻ mồ côi. Cha mẹ mất sớm, ở với người dì, việc ra đời tìm một nghề kiếm sống đối với Hồng là cả một sự thử thách. Cuối cùng, anh cũng tạm ổn khi làm công nhân cho một hãng sản xuất găng tay thể thao ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Tháng 11-2008, sau khi kết hôn cùng một nữ công nhân đồng nghiệp, anh đã bị chủ doanh nghiệp nước ngoài này sa thải với lý do “hai vợ chồng làm một chỗ thì phải nghỉ một người”(!). Vợ anh, khi chủ hãng biết chị có thai, cũng bị cho nghỉ việc.

Về quê, Hồng đi làm nghề phụ hồ. Hai vợ chồng dành dụm được gần 8 triệu đồng làm xong cái nhà tranh tre thì bão số 9 đã đánh sập, nước lũ ngập gần 3m cuốn trôi hết, chỉ thu lại được mấy tấm tôn cong queo như bánh tráng nướng. Vừa rồi, được các đoàn cứu trợ tặng 2,6 triệu đồng tiền mặt theo diện nhà bị sập do bão, anh được bà con hàng xóm giúp dựng tạm lại cái nhà trên nền cũ. 25 tuổi, mất việc, sập nhà, Hồng bỗng dưng trở thành người nghèo “ngoài sổ sách”.

Chị Trần Thị Duẫn, cán bộ chuyên trách Xóa đói giảm nghèo xã Hòa Phong, giọng đầy thương cảm: “Hòa Phong có mấy hộ nghèo bị sập nhà nhưng còn có cha mẹ để nương tựa. Chứ vợ chồng cái cậu Hồng ni không phải hộ nghèo mà còn khổ hơn mấy hộ nghèo nữa, chẳng biết nhờ ai, mẹ vợ ở tuốt trên Hòa Phú, nghèo quá nên cũng chẳng giúp được chi”.

Khi được hỏi vì sao vợ chồng anh Hồng chưa được công nhận hộ nghèo, chị Duẫn giải thích: Hồng mới tách hộ (trước ở chung với dì) ra riêng với vợ hồi tháng 4-2009, trong khi đó đợt điều tra các hộ thu nhập thấp để xác định chuẩn nghèo toàn thành phố đã diễn ra cuối năm 2008. Cũng theo chị Duẫn, hiện Hòa Phong còn vài chục hộ mới phát sinh nghèo từ đầu năm đến nay mà chưa được công nhận nghèo. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Cẩm Toại Tây, ông này chết hồi tháng 5-2009 vì cưa bom, để lại gánh nặng 4 đứa con cho vợ.

Chưa được công nhận nghèo vì... quá thiệt thà

Được bà con hàng xóm giúp đỡ, vợ chồng anh Dương Văn Hồng đã dựng lại cái nhà sập sau bão.

 

Từ khi sinh bé út đến nay, chị Lê Thị Liên ở tổ 7, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, bị yếu gân, đi lại rất khó khăn, chỉ quanh quẩn làm việc nhà. Chồng chị bị bệnh gan, làm công nhân đường sắt; hai đứa con học lớp 4 và lớp 7. Thế nhưng, đợt điều tra xét duyệt hộ nghèo cuối năm 2008 vừa qua, gia đình chị đã không được công nhận là hộ nghèo. Anh Ngô Kim Quang, tổ trưởng dân phố số 7, nói vì chị quá thật thà!

Rất khó để xác định tổng thu nhập của người nghèo, vì công việc của họ quá bấp bênh, không ổn định. Vì thế, rất nhiều trường hợp phải căn cứ tổng số tiền chi ra trong năm (được liệt kê trong phiếu điều tra) để tính bình quân thu nhập cho các hộ này, theo cách mà cán bộ đi khảo sát lý giải, được anh Quang nhắc lại: “Nếu không thu nhập được chừng đó tiền thì lấy đâu ra mà chi tiêu các khoản trong năm?”. Năm ngoái, chị Liên thật thà kê khai tất tần tật các khoản chi tiêu, “nặng” nhất là tiền học phí, áo quần, sách vở cho con, tiền thuốc men chữa bệnh cho cả vợ chồng chị… Kết quả, theo cách tính máy móc đó, gia đình chị “thu nhập” bình quân trên 500 nghìn đồng/người/tháng và đành “nghèo ngoài sổ sách”!

Vừa rồi, khi địa phương tiến hành điều tra bổ sung hộ nghèo phát sinh, chị Liên đã “rút kinh nghiệm” lần trước để có tên trong danh sách trên 60 hộ toàn phường sẽ được xét duyệt công nhận hộ nghèo cuối năm nay.

Được công nhận hộ nghèo: không đơn giản

Chị Liên mong sớm được cấp thẻ BHYT để không
chạy vạy tiền bạc mỗi khi đau ốm.

Anh Dương Văn Hồng, vợ sắp sinh mà nhà cửa tuềnh toàng, công việc bấp bênh. Anh không biết nương tựa vào đâu, ngoài chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước. Nhà chị Lê Thị Liên bị bão tốc mái hoàn toàn, anh Quang cùng bà con hàng xóm tìm giùm, lôi về được mấy miếng tôn nhàu nát. Chị mượn tạm mấy cô dưới chùa Kim Quang gần đó 4 triệu đồng về nhờ người lợp lại cái nhà. Chị tha thiết mong được cấp miễn phí cái thẻ bảo hiểm y tế để đỡ tốn tiền đi chữa bệnh.

Nguyện vọng chính đáng của những người nghèo “ngoài sổ sách” ấy có lẽ cũng không đáp ứng ngay được. Bởi, không đơn giản khi muốn được xác nhận và cấp sổ hộ nghèo, mà phải tiến hành các bước theo Thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28-2-2007 của Bộ LĐ-TB-XH. Đã được các hộ dân tại địa phương bình chọn công khai, dân chủ với sự tham gia của các cơ quan Đảng, đoàn thể tại cơ sở rồi, họ còn phải chờ UBND xã/phường lập danh sách hộ nghèo (căn cứ biên bản buổi họp bình xét hợp lệ) và trình UBND cấp quận/huyện phê duyệt. Tuy nhiên, đây là đợt bổ sung danh sách hộ nghèo phát sinh trong năm nên các thủ tục có thể sẽ “chạy” nhanh hơn.

Thực tế cho thấy, trong điều tra hộ nghèo, cách xác định thu nhập căn cứ vào mức chi như hiện nay đã bộc lộ ít nhiều bất cập. Một cán bộ gần dân nhất như anh Quang cũng thấy “quy định như thế là chưa sát, nhiều người mượn tiền đi chữa bệnh, nộp học phí cho con, mà nói họ không phải nghèo thì tội họ quá”. Thêm vào đó, nếu cơ quan chức năng tiến hành khảo sát bổ sung danh sách hộ nghèo vào mỗi 6 tháng thì những người nghèo ấy sẽ đỡ cơ cực hơn vì nghèo!

Những nhiệm vụ cụ thể được đặt ra để phấn đấu trong năm giảm hộ nghèo trên địa bàn thành phố theo chuẩn mới là 4,46% (tương đương 7.600 hộ), đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo còn lại 14,8% so với tổng số hộ (tương đương 25.196 hộ):

Giải quyết cho 100% số hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho con em hộ nghèo, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông-lâm-ngư và chuyển giao kỹ thuật cho vùng nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục và được trợ giúp pháp lý.

Thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho con hộ nghèo và hộ thoát nghèo trong thời hạn 2 năm; hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí cho 100% số hộ nghèo có nhu cầu. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đối với hộ mới thoát nghèo trong thời hạn 2 năm, người bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn: www.ldtbxh.danang.gov.vn


Viên phúc quân

;
.
.
.
.
.