.

Nhà thơ dân gian làng Trà Đỏa

.

Thôn Trà Đỏa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, là vùng đất lừng danh với món ăn dân dã, thơm ngon nức tiếng của Quảng Nam: khoai lang Trà Đỏa. Đây cũng là địa phương có nhiều người mê hò khoan, thích hát hò khoan, giỏi văn thơ. Trong đó, có một nhân vật khá nổi bật mà đến nay trong dân gian còn lưu truyền lại một số chuyện kể lý thú, hấp dẫn. Nhân vật đó là ông Hồ Tấn Hoành.

Đình làng Trà Đỏa.   (Ảnh minh họa của Đ.Đ)

Ông Hồ Tấn Hoành còn có tên là ông giáo Hoằng - gọi theo tên con trai đầu của ông. Lúc sinh thời, ông làm giáo viên tiểu học. Nghề “gõ đầu trẻ” tuy thú vị nhưng cũng chẳng có chuyện gì đáng nói nếu ông không... giỏi văn thơ và để lại đôi bài thơ được nhiều người ca tụng. Trong đó, bài dí dỏm nhất, được nhiều người thuộc nhất của ông lại là bài thơ vịnh một chị bán cá. Số là hồi ấy, Trà Đỏa chưa có cầu máng. Người dân muốn đi qua chợ cũ phải đi đò, xuống bến ở sát nhà ông. Đi đò, khổ nhất là đi không kịp chuyến, chờ đợi rất lâu. Nhất là các chị làm nghề bán cá, tâm lý chị nào cũng muốn đi sớm, bán sớm và về... sớm. Nhưng, ở đời, lỡ một chuyến đò, theo nghĩa đen, mấy ai không từng gặp?

Hôm đó, có một chị gánh cá chạy một mạch đến bến nhưng đò đã đi. Có lẽ do mắc tiểu đến độ không thể nhịn thêm, nên chị không kịp ngó trước ngó sau, cứ tự nhiên tụt quần ngay trước cửa nhà ông Hoành mà “xổ”. Không ngờ, ông Hoành ở trong nhà tình cờ phát hiện. Ổng thấy chướng mắt quá. Đàn bà gì chẳng thèm ý tứ chút nào. Ông bèn làm một bài thơ, rằng:“Con nhà ai lạ quá kỳ đa/ Ngồi chưa đến đất đã xì ra/ Kiến tưởng mưa rào tha trứng chạy/ Ếch đề lụt lớn cõng con ra”. Quá tuyệt! Nó vừa diễn tả tư thế ngồi của chị bán cá, vừa diễn tả hành động khi chị có thể giải tỏa được sự “ức chế”. Ở hai câu kết “Kiến tưởng mưa rào tha trứng chạy/ Ếch đề lụt lớn cõng con ra”, ông đã dùng hình tượng thật đắt để diễn tả hành động được cho là “lạ quá kỳ đa” của chị.

Có lần ông đi làm ruộng. Mùa mưa, đường ra ruộng nhiều chỗ trơn trượt, trước khi đi, ông dặn kỹ con khi đem đồ ăn nửa buổi phải đi đường này, tránh đi đường kia. Khổ thay, ở cạnh nhà ông có thằng Nắm muốn chơi khăm ông một vố. Khi con gái ông sắp sửa ra ruộng, nó ra đón, hỏi: “Trời, răng chừ chị mới đi. Trễ mất rồi. Chị mà ra đến nơi, thầy la chết. Thôi, tui bày chị, chị đi đường kia, gần hơn. Đường ni xa lắm”. Con gái ông tưởng thật, quên cả lời cha dặn, cứ xăm xăm mà đi. Gần đến nơi, chị vấp té, mọi thứ đổ hết xuống ruộng. Ông hỏi ra, biết thằng Nắm chơi xỏ mình. Ông tức nhưng làm sao nói nó được? Ông bèn nói mấy câu thơ, rằng: “Nghe lời ba thì không trầy da đổ mắm/ Nghe lời thằng Nắm thì đổ mắm trầy da”.

Hồi ông dạy tiểu học, cuối năm, quỹ của lớp còn sáu trăm đồng. Ông muốn xin số tiền này nên mới làm một bài thơ, bảo học trò về thưa lại với cha mẹ rằng: “Các em về thưa lại với phụ huynh/ Quỹ của lớp mình còn lại sáu trăm/ Chi tiêu hay để đến sang năm/ Hay cho thầy mua thuốc khỏi thăm phụng hành/ Chi tiêu sổ sách đành rành/ Thầy đây không lạm dụng của học sanh chút nào”. Dĩ nhiên, học sinh về nói lại. Thầy đã nói vậy, phụ huynh nào mà không đồng ý!

Thâm thúy nhất là chuyện xảy ra sau Hiệp định Genève 1954, khi Ngô Đình Diệm lên chấp chính ở miền Nam. Bấy giờ, chính quyền Sài Gòn chủ trương xịt muỗi bằng thuốc DDT để phòng bệnh sốt rét. Không chỉ xịt ngoài vườn, chuồng heo mà trong nhà, các nhân viên xịt muỗi càng xịt kỹ hơn. Bởi, trong đám nhân viên này cũng có không ít tên mật vụ trà trộn vào để xem nhà nào khả nghi, có hầm bí mật, có Việt Cộng ẩn núp để về báo cáo lên cấp trên. Biết rõ âm mưu này, ông Hoành đả kích phong trào xịt muỗi của địch bằng bài thơ: “Xịt muỗi năm nay chẳng ích gì/ Muỗi ruồi dán rệp vẫn còn y/ Tại thuốc dở, hay người pha phách?/ Nhân dân dư luận nói li bì”.

Bài thơ được học trò ông phổ biến khắp nơi. Hồi đó, Hoàng Hữu Tâm là người làm đại diện ở đây. Hắn cho người đi bắt ông về tội tuyên truyền nói xấu chế độ, đả kích chính nghĩa quốc gia, hỏi sao ông dám làm bài thơ đó. Ông chối phăng: “Tui mô có làm như rứa. Đó là do bọn học sinh truyền tai nhau đọc. Rồi ai đó nghe được sửa lại. Tui làm khác kia”. Hoàng Hữu Tâm không tin, bèn bắt ông đọc lại nguyên văn bài thơ ông làm. Ông đọc liền: “Xịt muỗi năm nay đã đến rồi/ Mọi người sung sướng quá đi thôi/ Muỗi ruồi dán rệp không còn nữa./ Cộng hòa dân chủ sướng vui thôi”.

Đến nước này, Hoàng Hữu Tâm cũng đành chịu thua trí ông. Rõ ràng, bài thơ có ý ca ngợi việc xịt muỗi DDT, lấy cớ gì bắt ông được?

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

 

;
.
.
.
.
.