Kosa là một lớp vỏ bọc bằng kim loại, thường là vàng hoặc bạc, dùng để bao bọc phần trên cùng của ngẫu tượng linga (hiện thân của thần Siva) thờ trong các tháp Chăm. Vào những dịp lễ trọng, người Chăm sẽ mở kosa để tiến hành nghi lễ tẩy rửa linga. Nghi thức này bắt nguồn từ các nghi lễ của phái Saivite, một hệ phái của Ấn Độ giáo tôn thờ thần Siva, vị thần Hủy diệt và Tái tạo.
Linga-kosa với linga bằng bạc; đầu Siva bằng hợp |
Khi Ấn Độ giáo du nhập vào Champa, thần Siva được người Chăm suy tôn là “thần của các vị thần”, là “chúa tể của muôn loài”. Vào thế kỷ thứ 4, vua Bhadresvara 1 của Champa đã cho lập thánh địa Mỹ Sơn để thờ thần Siva. Văn bia bằng chữ Phạn trong thánh địa Mỹ Sơn đã tôn thần Siva là “cội rễ của nước Champa”; “đáng kính trọng hơn Brahma, Vishnu, Indra, Surya, Asura, hơn những vị Bà La Môn và hơn những Rsi, các vua chúa”.
Một văn bia khác còn cho biết: “Vua (Bhadresvara 1) sau khi đã làm một kosa-isanesvara (cho thần Siva), còn làm một mukuta cho Bhadresvara và cặp kosa-mukuta này có thể sánh với hai trụ chiến thắng tồn tại trơ trơ trên thế gian này như mặt trời và mặt trăng”. Nguồn tư liệu thành văn và những hiện vật được phát hiện từ trước đến nay liên quan đến lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Champa chứng tỏ rằng chỉ duy nhất tượng thần Siva được làm bằng vàng; chưa thấy tượng các vị thần khác được làm bằng chất liệu quý như thế. Thậm chí, trong cuốn Lịch sử Đông Nam Á của G.D. Hall còn ghi chép sự kiện thủy quân Java tấn công Champa và cướp đi một pho tượng Siva bằng vàng có kích thước lớn hơn người thật trong một ngôi đền ở Panduranga (Phan Rang).
Ngoài các bi ký, những thông điệp bằng tiếng Phạn được khắc trên một số linga-kosa thể hiện đây là những món quà quan trọng nhất, quý giá nhất mà các vị vua Champa dâng lên thần Siva; đồng thời, đây còn là vật biểu thị sự kết hợp giữa thần quyền và vương quyền. Hoàng gia Champa tin tưởng rằng việc tạo nên những linga-kosa quý giá bao bọc cho các linga, thường làm bằng sa thạch, sẽ thúc đẩy khả năng bảo vệ vương quốc và hoàng gia khỏi mọi điều bất trắc.
Còn theo Uttara-kanda trong sử thi Ramayana thì việc thờ phụng các linga bằng vàng sẽ bảo đảm sự thịnh vượng cho vương quốc, cũng như khả năng mở rộng lãnh thổ. John Guy suy đoán có thể người Chăm đã vận dụng tư tưởng này trong sử thi Ramayana để tạo nên những linga-kosa và dâng cúng cho thần linh; coi đó là công cụ ma thuật khiến thần Siva quan tâm hơn về khả năng mở mang bờ cõi của Champa.
Linga-kosa bằng bạc. Thế kỷ 8. Cao 14cm. Hiện vật của Bảo tàng Guimet. |
|
Tuy nhiên, theo các thông tin mà tôi có được thì hiện ở Việt Nam chỉ còn giữ được 2 đầu tượng Siva bằng vàng (hoặc hợp kim vàng) có gốc gác từ những linga-kosa của Champa. Đầu tượng Siva thứ nhất được phát hiện từ đầu thế kỷ 20 tại Hương Đình (Phan Thiết, Bình Thuận), hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội. Đầu tượng Siva thứ hai do anh Nguyễn Văn Nông phát hiện tại Phú Long (Đại Lộc, Quảng Nam) vào năm 1997, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam ở Tam Kỳ.
Trong khi đó, thông tin (kèm hình ảnh) từ các khảo cứu của những học giả ngoại quốc, từ các cuốn guide book về các bảo tàng nước ngoài và từ catalogue của các hãng đấu giá cổ vật ở châu Âu và châu Mỹ… cho biết hiện có ít nhất 9 linga-kosa (đa số chỉ còn phần đầu tượng Siva) đang “lưu lạc” ở hải ngoại.
Đầu tượng Siva của linga-kosa. Hợp kim vàng và |
Hai tai tượng thần Siva có đeo hoa tai bằng vàng; trên cổ có một dải trang sức bằng vàng lá, chạm trổ công phu. Linga-kosa thứ hai làm bằng bạc, trong đó, bao kosa đã bị sứt vỡ một phần ở đỉnh, và đầu tượng Siva bị vỡ mất phần trán. Theo lời TS. Piere Baptiste, quản thủ sưu tập Đông Nam Á của Bảo tàng Guimet: “Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng đây là linga-kosa duy nhất làm hoàn toàn bằng bạc, cả kosa lẫn đầu tượng Champa. Niên đại cũng rất sớm, từ thế kỷ 8. Vì thế, nó được Bảo tàng Guimet coi như bảo vật”.
Quả như lời Piere Baptiste, nhiều bảo vật của Việt Nam đang thuộc về các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, bảo vật đã ít, lại còn cất kỹ trong kho, như trường hợp của đầu tượng Siva Hương Đình và đầu tượng Siva Phú Long, nên con dân đất Việt hiếm khi được dịp mục sở thị quốc gia chi bảo. Thực đáng buồn thay!
Trần Đức Anh Sơn