.

Những mùa Trung thu bình dị

.

Không khí Tết Trung thu đã len lỏi vào từng khu phố. Đám con nít bắt đầu trông chờ vào những đoàn lân-sư-rồng múa mua vui trong những đêm trước và sau rằm Trung thu. Bên cạnh những đứa trẻ được đón một mùa Trung thu đủ đầy với các loại lồng đèn bên đĩa bánh thơm lành, thì cũng không ít em nhỏ không có cơ hội được phá cỗ Trung thu nhưng vẫn có được một mùa Trung thu ý nghĩa.

Bánh Trung thu là chuyện… xa xỉ

Đèn lồng, bánh Trung thu là những chuyện xa xỉ với những đứa trẻ làng chài Mân Thái nếu không được tài trợ từ các nhà hảo tâm. (Ảnh ĐNK)

Những ngày này, người dân tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú lại có dịp cười ngặt nghẽo trước hình ảnh những đứa trẻ trong xóm đón Tết Trung thu bằng cái đầu lân được làm từ can nhựa hay những thùng nhôm mà thường ngày người ta dùng để đựng nước mưa. Trống là những chiếc nắp soong, nồi còn dính nhọ. Những can nhựa thủng được các em rạch một đầu, sau đó trang trí thành đầu lân. Phần đuôi được làm bằng vải mùng hoặc giấy báo. Từ những vật dụng bỏ đi này đã tạo nên nét hồn nhiên pha lẫn chút hóm hỉnh, chút tủi thân trong cách đón Trung thu của những đứa trẻ nghèo.

Với Nguyễn Bi, thành viên trong đội lân nhí này, đây là cách mà các em vui đón một mùa Trung thu vui không kém gì “dưới phố”. Bi tâm sự: “Tụi em ít khi được ăn bánh Trung thu, cứ nghĩ mua một cái bánh Trung thu có chút xíu mà phải bỏ ra đến 30.000 đồng thì đứa nào cũng lắc đầu, lè lưỡi”.

Trước Tết Trung thu khoảng 5 ngày, ngày nào nhóm Bi cũng đi múa lân quanh xóm. Nhà nào khá khá thì cho 5.000 đồng, có nhà múa mãi mà chẳng thấy “lì-xì” cho ông Địa. Với những đứa trẻ miền quê, múa lân chủ yếu vui là chính, tiền thu được, ngay tối đó được đem ra “xử” với những kẹo, bánh rẻ tiền. Theo suy nghĩ của Bi, mua bánh, kẹo rẻ tiền là để dễ chia nhau!

Giống như thôn Phú Túc, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại những làng chài thuộc phường Mân Thái, Thọ Quang ít khi được nếm một miếng bánh ngày Trung thu. Trong cuộc sống của những người dân vùng này, mua bánh Trung thu tựa như một câu chuyện xa xỉ. Với bà Nguyễn Thị Dĩnh (56 tuổi), tổ 1 Tân Thuận, phường Mân Thái, từ trước đến nay bà chưa bao giờ mua bánh Trung thu cho con cháu. Bà nói:
 
“Nhà nghèo, chạy ăn từng bữa với thu nhập chủ yếu từ người con trai đi làm thuê ngoài biển, lấy tiền đâu mà mua bánh với đèn lồng. Nghĩ cũng thương nhưng tụi nhỏ ở đây hiểu hết nên cũng không đòi hỏi”. Ở góc nhà, bé Nguyễn Văn Trúc (6 tuổi), cháu nội bà Dĩnh đang cặm cụi sửa lại cái đầu lân làm bằng khung tre, xung quanh được dán giấy báo vừa bị hỏng vì cơn mưa bất ngờ ào xuống.

Chia sẻ niềm vui

Một góc Trung thu dành cho trẻ em ở tổ 6, phường Hòa Cường Bắc năm 2008.

 

Trước đó, tối ngày 27-6, chương trình Trung thu làng biển được tổ chức tại phường Mân Thái dưới sự tài trợ của nhóm ACE Thiện Văn Đà Nẵng và một số cá nhân, đơn vị giàu lòng nhân ái trong và ngoài nước.

Chương trình đã trao những phần quà gồm đèn lồng, bánh Trung thu cho 165 em học sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Tại đây, những em bé được tổ chức rước đèn ông sao, thi múa lân, vui chơi tập thể và giao lưu chào đón Trung thu.
 
Đặc biệt, chương trình đã trao 40 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó thuộc Trường tiểu học Quang Trung và Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, trị giá mỗi suất là 200.000 đồng. Nhờ sự chung tay góp sức này mà mùa Trung thu năm nay, những đứa trẻ ở phường Mân Thái được ăn bánh Trung thu, được chơi trò rước đèn lồng và hát múa tập thể.

Khảo sát trên tuyến đường Hùng Vương những ngày này, chúng tôi nhận thấy có hơn 50 hàng quán trưng bày bánh Trung thu, đầu lân, đèn ông sao, đèn lồng giấy, điện với nhiều mẫu mã, giá cả khác nhau. Đầu lân với nhiều kích cỡ có giá từ 30.000 đồng đến 500.000 đồng. Trống cơm từ 15.000 đồng đến 200.000 đồng. Đèn lồng điện có giá từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng. Đèn lồng giấy nhiều mẫu mã đồng giá 10.000 đồng.
 
Đèn ông sao có giá rẻ nhất, chỉ 5.000 đồng. Ở nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu Kinh Đô, Đồng Khánh…, với sự phong phú về nguyên liệu, mẫu mã, kích cỡ có giá trung bình từ 30.000 đồng đến 150.000 đồng/cái. Riêng ở dãy cửa hàng Minh Quang, Ngọc Lan, Mỹ Ngọc, tại địa chỉ 43-45-47 Hùng Vương, chúng tôi nhận thấy không khí mua quà Trung thu khá nhộn nhịp.

Cầm chiếc lồng đèn điện hình con ngựa, màu sắc sặc sỡ được làm bằng nhựa, trên cán cầm có gắn thiết bị lắp pin, anh Nguyễn Huy Hoàng, phường Hòa Cường Nam cho biết: “Vợ chồng tôi cũng muốn mua đèn ông sao cho 2 đứa con ở nhà nhưng tụi trẻ cứ đòi mua đèn lồng điện, vì mẫu mã đẹp và không sợ tắt…”.

Những lý do của con trẻ đưa ra người lớn đành chịu, dù biết rằng cái hồn của Tết Trung thu cổ truyền là đèn lồng ông sao được làm bằng giấy gương, có hình ngôi sao, ở giữa được gắn một cây đèn sáp tỏa ra ánh sáng ấm áp giữa đêm rằm. Cây đèn có thể tắt bất cứ lúc nào do gió, do sự di chuyển. Để giữ lửa, những đứa trẻ vừa rước đèn, vừa chụm tay che gió sợ đèn tắt. Bước đi chầm chậm, thành từng đoàn, tạo nên nét đẹp rất riêng của đêm rằm Trung thu, giờ không còn phổ biến nữa. Phần lớn trẻ con thành phố ngày nay cầm đèn lồng điện chạy khắp nơi, không sợ tắt, không sợ hỏng, chỉ sợ… hết pin.

Nói về sự khác biệt này, chị Trần Thị Thu Ba, cán bộ Gia đình và trẻ em phường Mân Thái cho biết, hiện phường có khoảng 25% gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thu nhập bấp bênh nên việc các em được đón Trung thu có đầy đủ kẹo bánh, đèn lồng, đầu lân là điều không thể. Thương con lắm thì các bà mẹ cũng chỉ mua được cho con chiếc đèn lồng ông sao, loại rẻ tiền giá 5.000 đồng để con chung vui với những đứa trẻ khác trong xóm.

Với gia đình anh Mai Văn Quý, tổ 4, thôn Túy Loan, Hòa Phong, mùa Trung thu là dịp để gia đình anh có thêm thu nhập từ nghề làm đầu lân. Ngoài việc đặt cho các mối quen, anh Quý còn làm những đầu lân nhỏ có giá chỉ từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng để phục vụ cho những em trong thôn vui đón Trung thu. Theo anh Quý, không cầu kỳ, không phô trương, những đứa trẻ ở các vùng quê nghèo vẫn có thể đón một mùa Trung thu khá ý nghĩa nếu biết tận hưởng hương vị của ngày Tết Trung thu bằng tấm lòng trong sáng và hồn nhiên.

TIỂU YẾN

 

;
.
.
.
.
.