Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần hai tháng phát động đã được dư luận quan tâm hưởng ứng ngày một rộng rãi. Sau những hô hào, động viên bề nổi, người ta bắt đầu nghe ngày một nhiều hơn những tiếng nói “nhìn thẳng vào sự thật” có căn cứ khoa học và thực tiễn của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những tiếng nói này đã mạnh dạn chỉ ra nhiều điều phải nghĩ, nhiều việc phải làm nếu muốn cuộc vận động không đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi, ồn ào tốn kém nhưng hiệu quả thấp.
Hóa ra, muốn cho cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thành công, cần sự chuyển biến toàn diện, tận gốc, ở cả phía Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là sự thử thách năng lực định hướng điều hành nền kinh tế của Nhà nước, đổi mới hoạt động doanh nghiệp cũng như thay đổi nhiều mặt trong thói quen tiêu dùng của xã hội, không chỉ dừng lại ở kêu gọi về mặt tình cảm và đạo đức.
Về phía Nhà nước, phải có chính sách cụ thể, hướng các doanh nghiệp vào sản xuất hàng phục vụ nội địa bằng vốn ưu đãi, bằng thuế, bằng hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ, bằng chống buôn lậu, bằng cung cấp thông tin và khuyến khích du nhập công nghệ hiện đại, v.v… Kinh nghiệm của việc chống khủng hoảng kinh tế vừa qua, Nhà nước có thể can thiệp vào nền kinh tế mà vẫn không vi phạm những quy ước của WTO cũng như không can thiệp thô bạo vào nền kinh tế thị trường.
Nhà nước cũng có thể bắt buộc nhiều chi tiêu công phải mua hàng Việt Nam, hạn chế công chức dùng hàng nước ngoài ở công sở. Khi đã hình thành cơ chế các cơ quan Nhà nước và hàng triệu đảng viên, công chức gương mẫu dùng hàng Việt Nam sẽ mở ra “đầu ra” khổng lồ giúp các doanh nghiệp có đà để thay đổi mẫu mã, mặt hàng, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, cần có chuyển biến thực sự về nhận thức, kiên trì con đường lấy phục vụ thị trường nội địa với gần 90 triệu dân bằng hàng hóa có chất lượng cao nhất, ổn định nhất, thậm chí vượt trội so với hàng xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác hiện nay làm mục tiêu lâu dài, thủy chung của mình.
Muốn hàng chất lượng tốt, giá rẻ, tiêu thụ nhanh cần xác định đối tượng mua hàng của mình là ai, người có thu nhập thấp hay thu nhập cao, nông thôn hay thành thị. Mang hàng đến nơi tiêu thụ không đúng đối tượng, không đúng vùng miền, không hiểu biết tâm lý người mua và túi tiền của họ, chắc chắn hàng sẽ ế ẩm. Cũng cần phải kể đến quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Mối quan hệ này thiếu hiểu biết nhau, không vì nhau thì hàng tốt mấy, rẻ mấy cũng không chiếm lĩnh được thị trường.
Cuối cùng là người tiêu dùng. Chỉ khi nào người tiêu dùng thông minh, công bằng, không bị các thị hiếu lệch lạc chi phối thì hàng trong nước mới có thể bán chạy. Mặt khác, cũng phải thông cảm với người mua hàng khi trên thị trường hiện nay chữ tín chưa được tôn trọng, chưa trở thành một đạo lý trong thương mại. Chúng ta yêu nước nên chúng ta ưu tiên dùng hàng Việt Nam chứ nhất định không chịu thiệt thòi vì những kẻ lợi dụng lòng yêu nước của mình để trục lợi.
Vậy là, đi vào thực chất, lợi ích kinh tế sẽ là điều bảo đảm và chỉ có vậy mới bảo đảm cho cuộc vận động thành công. Phải chăng là vậy?
Thanh Bình