.

Quốc hiệu Việt Nam

.

* Tôi nghe nói có tài liệu cho rằng quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ trước thời vua Gia Long. Chuyện này cụ thể như thế nào? (Trần Quang Anh, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên sử dụng hai chữ “Việt Nam”.

- Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào năm 1804 thời nhà Nguyễn. Khi vua Gia Long đề nghị công nhận quốc hiệu nước ta là Nam Việt, nhà Thanh thấy “Nam Việt” trùng với quốc hiệu của lãnh thổ nhà Triệu (gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa) nên đã đảo ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn.

Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn.

Theo bài viết “Ai đặt quốc hiệu Việt Nam đầu tiên?” đăng ngày 3-14-2003 trên website của Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết đã tìm thấy hai chữ “Việt Nam” ngay trong những dòng đầu tiên: Việt Nam khởi tổ xây nền của Sấm Trạng Trình, tập sách được coi là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (thế kỷ 19), thì từ thời nhà Trần, tiến sĩ Hồ Tông Thốc đã viết bộ sách Việt Nam thế chí. Rất tiếc, Việt Nam thế chí không còn nữa, chỉ còn được dẫn bài tựa trong Lịch triều hiến chương loại chí. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi, trong thế kỷ 15 cũng đã nhiều lần nhắc đến hai tiếng Việt Nam.

Cũng theo bài đã dẫn, sau ông Nguyễn Phúc Giác Hải, một số nhà nghiên cứu khác đã phát hiện tổng số 12 bia niên đại thế kỷ 16-17 có hai tiếng Việt Nam. Ngoài ra, còn một bản in khắc gỗ có danh xưng Việt Nam năm 1752. Dù giải thích thế nào, thì quốc hiệu Việt Nam cũng được Trạng Trình sử dụng đầu tiên, nhiều nhất và có ý thức nhất. Từ nguồn gốc này, lịch sử quốc hiệu đất nước không còn phụ thuộc vào hai triều đại phong kiến nữa.

Sự tích đèn kéo quân

* Xin cho biết về sự tích chiếc đèn kéo quân hay dùng vào dịp Tết Trung thu. (Nguyễn Thị Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

 

- Theo tác giả Nguyễn Thái Sơn (Báo Thiếu niên Tiền phong), đèn kéo quân ra đời từ cuộc thi làm ra những chiếc đèn kỳ lạ để làm hài lòng Đức vua trong một chuyện tích xưa.

Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức, mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Lòng hiếu thảo của chàng đã động tới Thái Thượng Lão Quân, ngài báo mộng dạy cho chàng cách làm chiếc đèn dâng vua. Theo lời dạy, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Làm xong vào đúng ngày rằm tháng 8, chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Vua thấy đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc, lại biết chuyển động nên rất hài lòng.

Khi vua hỏi ý nghĩa của đèn, Lục Đức tâu rằng: Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn tượng trưng cho trục càn khôn, sáu mặt của đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay là nhờ ánh đèn soi sáng, con người tốt lành là nhờ đạo đức.

Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu rực rỡ với hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau quay tròn, tất cả đều được làm bằng giấy nhờ sự khéo léo của mẹ con Lục Đức. Vua ban thưởng cho mẹ con chàng rất hậu và phong cho Lục Đức làm Vạn Hộ Hầu.

Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, dân chúng đua nhau bắt chước Lục Đức làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ, dựa theo hình ảnh quay tròn mà gọi là đèn kéo quân (ảnh).

ĐNCT

;
.
.
.
.
.