.

Sách viết giữa trời

Tôi may mắn được quen biết ông Phạm Đức Huân, chuyên viên Hán-Nôm. Nhiều năm ông làm việc trong ngành bảo tồn di tích, văn hóa. Ông nói, hiểu không thấu đáo di tích, không đọc được thâm ý người xưa gửi gắm vào từng chữ, từng lời trên những câu đối, những lời đề bia, những kiến trúc đền tháp, tượng đài, sẽ hiểu và yêu đất nước kém đi phần sâu nặng.

Đó là buổi chiều cuối thu tôi cùng ông cuốc bộ xuôi Bờ Hồ.

- Ví như Bút Tháp, đài nghiên cùng đền Trấn Ba quanh cụm di tích đền Ngọc Sơn. Nhiều người đi qua nhìn ngó. Còn mấy vị nhuốm màu Tây Tàu chút ít thì trề môi: Tháp như tháp người ta, hoành tráng, đền như đền đài người ta, lộng lẫy uy nghi, di tích ra di tích. Của mình trông đến là buồn. Họ quên đi rằng, đền đài đất người là kiến trúc. Còn nơi đây, dựa vào kiến trúc mà ký thác tư tưởng nhân văn, cốt cách làm người của cổ nhân. Nhưng nếu không đọc được, hay đọc mà không thấu đáo thì công trình chả còn mấy ý nghĩa.

Chúng tôi lách qua mấy người chờ tàu chờ xe để vào đền. Ông Huân chỉ ngay lên Tháp Bút cao vút trước mặt:

- “Tả thanh thiên”, xưa nay người ta dịch là “Viết lên trời xanh” và gần như đã được định hình như vậy rồi. Ngày nay, nếu có ai viết báo, làm thơ đều dùng “Viết lên trời xanh” đã có sẵn, không còn lăn tăn gì nữa. Hay “Thái Sơn thạch cam đương”, dịch là đá Thái sơn đảm đương. Theo đúng từng chữ, hiển nhiên là không sai. Nhưng chỉ thế thôi, chưa hẳn đã hiểu thấu đáo thâm ý được Phương Đình Nguyễn Văn Siêu gửi gắm.

- Vậy phải hiểu như thế nào mới gọi là đúng.

- Thanh thiên là một phần trong thành ngữ Thanh Thiên Bạch Nhật. Tả thanh thiên phải hiểu là: Viết rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật. Phải dịch như thế mới hiểu thấu đáo cốt cách kẻ sĩ. Đó là thái độ cương trực, trọng nhân cách, tôn trọng lẽ phải. Tả thanh thiên cũng có thể cho ta hiểu tinh thần kẻ sĩ tụ hội trong cốt cách Nguyễn Văn Siêu: Viết sự thật rõ ràng, công khai trước mọi người. Thái sơn thạch là núi Thái Sơn, muốn chỉ bậc hảo hớn, vững vàng, mạnh mẽ. Cần phải dịch là: Người vững vàng dám đảm đương (trách nhiệm, việc nước). Sự thâm thúy nhà nho nằm ở chỗ, không chỉ đọc chữ mà phải hiểu ẩn ý phía sau của chữ. Thái Sơn thạch đảm đương còn bày tỏ ý thức dấn thân của kẻ sĩ, nhất là khi đất nước đang trong họa xâm lăng. Ấy là tấm lòng của Phương Đình vậy.

Giữa lúc hai chúng tôi ngắm nhìn tháp Bút thì có còi báo động máy bay. Câu chuyện đành dang dở. Sau này tôi không nghe Phạm Đức Huân nhắc lại câu chuyện cũ Ngọc Sơn tháp Bút nữa.

Cách đây mấy tuần, ông Huân bỗng tìm đến nhà tôi:

- Tôi biếu anh cuốn sách.

Cầm trong tay cuốn sách chừng 300 trang với rất nhiều ảnh chụp: “Tháp Bút Đài Nghiên, đình Trấn Ba- Lời nhắn của người xưa” do ông nghiên cứu và xuất bản khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Chuyện xung quanh tháp Bút tôi đã nghe ông nói từ mấy chục năm trước. Tưởng đâu chỉ là một ý nghĩ nhất thời thoáng qua thời trẻ. Nhưng không ngờ nó vẫn đeo đẳng ông cho đến tận bây giờ. Ông phát lộ, công trình Bút Tháp chính là cuốn sách mở giữa trời của Nguyễn Văn Siêu. Phương Đình sinh ra trong buổi nhân tâm phân tán.

Triều đình có kẻ chủ chiến, có kẻ chủ hòa trước họa xâm lăng. Hơn nữa, chính Phương Đình đã bị vua Tự Đức hạ xuống ba bậc chỉ vì tội kiên quyết và bền bỉ dâng sớ lên vua đề nghị cấp tiền đắp đê ngăn lụt sông Hồng khi còn làm án sát Hưng Yên. Ông đã đệ đơn từ quan, về hưu. Nghĩa là ông đang ở thế kẹt. Phương Đình tìm cách nói sao cho kẻ xấu không bắt bẻ lợi dụng mà gây họa. Người đời đọc, suy ngẫm khắc hiểu. Từng trang sách mở, ta đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, từ ngoài vào trong. Cứ theo trình tự như vậy, đọc và suy ngẫm ta hiểu dần tinh thần, tư tưởng toát ra qua từng hạng mục kiến trúc.

Tôi theo ông và nhận ra nhà nghiên cứu đã tìm được một “kênh” độc đáo để giải mã những gì tiền nhân đã kín đáo gửi gắm. Ông đọc bài minh khắc trên nghiên đá: “Không vuông, không tròn. Khéo chứa thì rất được việc. Không ở cao. Không ở dưới. Ở vào chính giữa...”. Nguyễn Văn Siêu như muốn nhắc nhở: “Khéo chứa (sử dụng) những người không vuông (nhiều góc cạnh), không tròn (không quá khéo léo, tròn trịa), không ở cao (tầng lớp trên), không ở dưới (tầng lớp bần cùng) sẽ làm được nhiều việc cho đất nước. Ấy là lời Phương Đình khuyên dùng người: Phải biết trọng dụng kẻ sĩ, bậc hiền tài, nguyên khí của quốc gia vậy.

Đọc sách, cảm được tư tưởng của người xưa. Tôi như thầm nói với Phương Đình Nguyễn Văn Siêu: Thời đại ngày nay khác rồi, thưa cụ. Kẻ sĩ không chỉ được nói sự thật giữa ban ngày mà còn được khuyến khích. Chính quyền các cấp có phòng tiếp dân, các vị quyền chức phải trả lời chất vấn của dân. Ai có ý tưởng ích quốc lợi dân được Quốc gia trọng thưởng. Sống trong thời đại tự do dân chủ, chợt nghĩ tới sự ý tứ cẩn trọng của Phương Đình, thương cho người xưa. Ước chi cụ được sống lại, dù chỉ một ngày.

ĐOÀN TỬ DIỄN

;
.
.
.
.
.