.

Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

.

Một giọng thơ nữ mới lạ, độc đáo trong những năm gần đây. Sau những bài thơ gây “chấn động” làng thơ Việt như Đối thoại với bọ ngựa, Sướng muốn chết... Nguyễn Thị Ánh Huỳnh lại viết tiếp những tứ thơ đầy sự ám ảnh của hình tượng, lóng lánh nỗi buồn của một tâm hồn đa đoan, nhân hậu.

(NGUYỄN ĐÔNG NHẬT chọn và giới thiệu)

 

Đừng múc cạn nỗi buồn

Trăng trầm mình

xuống giếng

mà trăng không chết

em gọi nỗi buồn

là giếng nước

múc từng gàu nỗi buồn

em tắm

tìm vui

đôi mắt anh

còn buồn hơn cả giếng

tình yêu

ban đầu vui như gàu

kết thúc buồn như nước

em đi đâu

giếng cũng theo đi

trăng cứ tìm mắt em

đòi tự tử

chúng ta lấy nhau

vì khát

giếng nước yêu

đứt sợi dây gàu

ôi nỗi buồn

trăng múc lên từ giếng

em ngó trời

thấy giếng mọc thành sao

xin anh

đừng múc cạn nỗi buồn

trong đôi mắt em

để em còn là giếng nước.

SƯỚNG MUỐN CHẾT

Anh bảo em :

Má mày lấy tao sướng muốn chết!

Không lấy tao chắc giờ này bán vé số!

Ngày ấy không gặp anh

Em vẫn là con chim manh manh

Lẻ loi đậu tít cành chanh

Lấy chồng như lấy mảnh sành đứt tay…

Lấy chồng sướng muốn chết

Làm mẹ ba đứa nhỏ sướng muốn chết

Thành bà nội được làm ôsin sướng muốn chết

Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp

Mưa cho suối chảy trong nhà

Có khi trời xuống la đà nồi niêu

Sướng muốn chết mùi dạ lan hương ngạt thở

Ăn ở với cà với dưa

Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình

Sướng muốn chết đàn ông dạy vợ

Thương lá vàng làm con ở mùa thu

Đám mây muốn chết thành mưa

Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…

CẦN ĐƯỚC

Má gốc Huế

Ba gốc xa ngoài Bắc

Em

gốc Nam Kỳ

Cần Đước

Đước ơi

đước mang bầu ở chân

chồm chồm

như những chiếc nơm

úp phù sa

lấn biển

những kiếp người phiêu bạt

lặn vô thân phận đước

ăn nằm với bão tố

ngủ nghê cùng sóng khơi

giành giật với biển cả

từng hạt hồng cầu đất

ăn mặn chát

uống mặn chát

nước mắt người

mang linh hồn đước

mặn mòi

đước à

có tiếng cười lạt lẽo

nhưng khóc

không lạt lẽo

khóc mặn

một hôm

những cây đước

bước lên bờ

thành người Cần Đước

em – người đàn bà miền Nam

gốc đước.

VỌNG CỔ

Mê Kông

xòe chín nhánh mùi mẫn

xuồng ba lá

trên dòng cải lương

bác Sáu Lầu

vuốt dây tơ

làm dây câu

vọng cổ

kinh rạch

hết hồn

tiếng đàn kìm

luyến

nước lớn

láy

nước ròng

ai canh tàn đói lòng

ăn gió chướng

ngồi ca

có người đàn bà

mê anh kép Út…

hóa chim bìm bịp

đêm đêm

ứa

một câu Văn Thiên Tường

rồi chết

thằng Sáu

Vàm Láng Le

tương tư đào Nhứt

biến thành người khác

qua Bắc Vàm Cống

gặp má ruột

má con hổng nhận ra nhau

múc nước sông

nhậu trái bình bát

sáu câu

nức nở

điên khùng

nhậu đi

sông ơi

tối nay gánh hát về ấp

cánh cò bay lạc

tiếng thổ

tiếng kim

gió sênh phách

kéo màn

sông Hậu

vút câu thứ năm

đã nghẹn dòng kinh

búng khẽ ghi ta

câu sáu lên

dàn dụa sông Tiền

anh chê em cải lương

gánh hát đi

sáng ra

bờ tre đẫm nước mắt

vọng cổ ơi

mặc kệ chồng

em rất cải lương

khi yêu

ai chẳng xuống xề ?

CHÍNH MÌNH

Suốt ba mươi năm

anh bảo:

- em phải quên mình

vì chồng con

hơn năm mươi năm

ra đời

cuộc sống dạy:

- em phải quên mình

vì mọi người

tóc bạc rồi

anh lại bảo:

- em phải là chính mình

không là mình

chán lắm

anh ơi

em còn mình đâu?

ba mươi năm

em toàn làm người khác

giờ

tìm mình

ở đâu?

ôi

chính mình

của bươm bướm

là sâu

chính mình

của giọt sương

là hơi nước

chính mình

của hoa

là nụ

chính mình

của nụ

là cây…

chính mình

của em

là anh đó!

N.T.A.H

;
.
.
.
.
.