Ngày 1-10-2009, Chương trình phát thanh tiếng Cơtu chính thức ra mắt trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Đây là chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số thứ 12 trên cả nước và là chương trình đầu tiên được thực hiện ở miền Trung của VOV, tính đến thời điểm hiện nay.
|
Ít tin tức mà nhiều âm nhạc
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Chu Nhạc, Giám đốc Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung của VOV về Chương trình phát thanh tiếng Cơtu do Cơ quan nhà đài thực hiện tại chỗ. Giữa các mục, bao giờ cũng đệm vào khoảng nửa phút phần biểu diễn nhạc cụ dân tộc Cơtu, làm thế nào để khi nghe chương trình phát thanh, người Cơtu cảm thấy gần lại với không gian văn hóa, với đời sống của chính dân tộc mình. Nhạc hiệu của các tiết mục đều được chọn từ các điệu dân ca, hát lý người Cơtu, tuy có cái giữ nguyên, có cái được các nhạc sĩ xử lý chút ít, nhưng tất cả được biểu diễn bằng nhạc cụ dân tộc Cơtu.
Triển khai Chương trình mục tiêu về phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trong năm 2009, VOV đã nâng cấp Chương trình phát thanh tiếng Khơ-me thành một hệ độc lập ở đồng bằng Sông Cửu Long và mở thêm Chương trình phát thanh tiếng Cơtu tại miền Trung. |
Phụ trách chương trình, nhà báo Thanh Hằng đã chọn lối dẫn chương trình theo hình thức câu chuyện có diễn xuất, hội thoại. Đây là hướng đi đúng, như nhận xét của ông Nguyễn Đăng Châu, giảng viên ngôn ngữ của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: “Hình thức hội thoại này người Cơtu rất thích vì nó gần gũi với đời sống, cách nói năng, ngôn ngữ tự nhiên, khẩu ngữ phù hợp với họ”.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Cơtu
Bốn “tân binh” người Cơ-tu đều biết sử dụng máy móc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình |
|
Ông A Rất Hơn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tây Giang, một trong những cố vấn của Chương trình phát thanh tiếng Cơtu của VOV, đã chân tình góp ý: “Trong quá trình dịch từ tiếng phổ thông (tiếng Việt - PV) sang tiếng Cơtu, cần hạn chế tối đa việc mượn từ phổ thông nếu tiếng Cơtu có từ đó”. Ghi nhận ý kiến xây dựng này, nhà đài đã nhanh chóng điều chỉnh. Đơn cử như từ “tiếng nói” trong lời giới thiệu “Đài Tiếng nói Việt Nam”, ban đầu các phát thanh viên đọc theo từ phổ thông, sau đó đã đổi thành p’ra là từ tương đương trong tiếng Cơtu.
Một số thông tin khi chuyển ngữ từ tiếng phổ thông sang tiếng Cơtu cũng phải tính đến sự ngắn gọn, dễ hiểu. Nhà báo Thanh Hằng kể, tiết mục “Cùng nhau bàn cách làm ăn” tuần rồi, ở phần hướng dẫn cách đào hố trồng măng Điền Trúc, phát thanh viên thay vì mô tả hố “mỗi bề rộng bốn mươi xăng-ti-mét” như người Kinh, đã nói “mỗi bề rộng hai gang tay”.
Để ai cũng thấy vui cái bụng
Thực ra, chỉ với 2 nhà báo và 4 “tân binh” là thanh niên Cơtu, để ra được các chương trình phát thanh hằng ngày là một nỗ lực đáng nể của cơ quan. Nửa tháng qua, chất giọng của các bạn trẻ A Lăng Lợi, Hoih Nhàn, Vơ Ních Oang, A Viết Sĩ đã dần trở nên quen thuộc trong giới bạn nghe đài người Cơtu. Một cô gái tên Phương ở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tình cờ nghe đài và nhận ra giọng người bạn học của mình là Hoih Nhàn và ngày nào cũng nghe đài để có thể “gặp” bạn.
Bốn bạn trẻ này, có người chỉ vừa tốt nghiệp THPT, chưa làm phóng viên, chỉ đảm nhận việc biên dịch và phát thanh viên. Có cái nhìn lạc quan về sự tiến bộ, học hỏi, tiếp thu nhanh của các bạn, lãnh đạo cơ quan đã tạo điều kiện cho tất cả các bạn được ở 2 phòng trong khu chung cư Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. A Lăng Lợi, cô gái tốt nghiệp đại học duy nhất trong nhóm, bộc bạch: “Hôm em đi thử giọng là liều thôi, chứ không hy vọng là mình sẽ được chọn. Chừ thì em sẽ cố gắng, vì đồng bào Cơtu dân tộc em. Bởi lẽ, mở đài ra, nghe nói tiếng mẹ đẻ của mình, nghe hát nhạc dân tộc mình, ai mà không thấy vui cái bụng…”.
Ông Nguyễn Chu Nhạc, Giám đốc Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung của VOV: Sự ra đời Chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu đánh dấu sự trưởng thành của Cơ quan Thường trú miền Trung, đưa thêm một tiếng nói dân tộc tương đối điển hình của khu vực lên sóng của VOV.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng thành Phòng phát thanh tiếng dân tộc thiểu số, không chỉ tiếng Cơ-tu mà đến một lúc phát triển nhất định, do nhu cầu nhất định, sẽ phát các tiếng dân tộc khác trong khu vực mà Cơ quan được giao quản lý gồm 9 tỉnh trong khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.
VĂN THÀNH LÊ