.

Tình yêu người thợ giày

.

Ông già chữa giày ấy sắp chết rồi!

Tôi nghe tin ấy của bạn hàng bán quần áo kế bên quầy sửa giày của ông. Ngày nào, tiếng lành đồn xa, một người bạn viết bài báo nói về bàn tay lành nghề của ông, về người cha ông từng đóng giày cho vua Bảo Đại. Tôi tới chụp ảnh người thợ giày già. Lân la hỏi chuyện, biết gia đình ông làm nghề đóng giày từ mấy đời. Chiến tranh, ông ra trận, tiêu hết tuổi xanh trong trận mạc, rồi chuyển ngành, về hưu. Ngồi chơi cũng buồn, ông quay lại với nghề thợ giày học từ bé. Hơn chục năm làm người thợ lành nghề hiếm hoi, còn lại rất ít trên vài hẻm phố Hà Nội. Chuyện vui, tôi hỏi:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Lương hưu vợ chồng đủ tiêu. Con cái vui vẻ hiếu thuận, thời gian ở đây chắc để vui?

- Để gặp bè bạn, những đồng đội, đồng nghiệp cũ và khách lâu năm quen cũ, tâm đầu ý hợp. Với lại, cũng chả ham hố giàu có, nắng thì làm, mưa gió quá thì nghỉ. Với lại mình kiếm tiền sạch. Đồng tiền sạch tiêu an tâm lắm.

Hỏi, thu nhập mỗi ngày một hai trăm ngàn, kể ra kha khá, bác để làm gì?

- Có thêm dăm đồng cho con cháu. Ngoài ra tích lại, dành dụm đưa bà ấy đi chơi. Khi chiến tranh xa nhau biền biệt, lúc đi làm đầu tắt mặt tối, chả mấy khi vợ chồng được thảnh thơi bên nhau. Năm kia đi Huế, năm ngoái đi Sài Gòn, bà nhà tôi vui lắm.

- Còn năm nay?

- Năm nay dự kiến đi Cửa Lò.

* * *

Bẵng đi vài tháng không qua phố ấy, tới tháng Sáu, qua cửa hàng lại không thấy ông. Hỏi người bán quán nước chè chén bên đường, bảo ông đi chơi rồi. Nghĩ, chắc ông già theo lịch đưa bà vợ đi Cửa Lò dăm bữa, nửa tháng lại về. Tháng bảy, trước khi đi xa, có người bạn nhờ tới lấy đôi giày. Ba bốn bận, lướt qua phố tìm ông, cái cửa gỗ nhỏ bày khi mở hàng có cái giá đựng giày cũ, giờ đóng im ỉm. Sao ông ấy đi nghỉ đâu mà lâu thế?

Tháng Chín đi xa về, qua phố ấy, nhớ ông già ghé vào. Cửa gỗ vẫn đóng. Trên vỉa hè trước cửa hàng ông sạch tinh, không còn những sợi chỉ khâu, mấy miếng da nhỏ, đôi khi một vài cái đầu đinh cắt ra sót vương ở kẽ gạch như mọi lần qua tán chuyện. Gặp chị bán hàng bên cạnh, hỏi đôi giày của người bạn, như khách tới người thợ tìm đôi giày chưa lấy.

Hóa ra ông đổ bệnh! “Ông ta đóng cửa hàng lâu rồi. Cái vết mổ vòm họng dở chứng, kêu bệnh suốt. Hình như ung thư hay di căn gì đấy. Thằng con rể bảo, bố nó chả sống được lâu nữa. Tháng đầu chưa rõ bệnh, ông ấy còn nhúc nhắc vài buổi” - Người bạn hàng láng giềng của ông vừa kể, vừa lôi ra một thùng giấy đựng dăm sáu đôi giày đã chữa. “Gần bốn tháng ông ấy không đi làm nữa, có gửi tôi trả giày cho khách. Cũng tám chín người như chú tới lấy giày rồi. Chả biết ai đã trả tiền ai chưa! Không thấy ông ấy nhắn cụ thể thế nào. Đây, đôi nào của chú? Chú tên là gì để tôi đọ với tên ghim ở đây”. Tôi tìm đôi giày của bạn. Những đôi giày cũ, cái khâu hậu, cái thay đế, đôi giày của bạn tôi bị chó nhay phần gót đã được viền vá lại rất kín đáo bằng miếng da mềm trùng tông màu. Thật là bàn tay tài tình, giày cũ vá khéo, lại đánh lại xi thật rõ là cẩn thận. Văng vẳng tiếng ông hôm nào: “Làm nghề nào cũng vậy, trọng nhất ở chữ tín, mình có làm dối, che mắt được họ lúc ấy, chỉ dăm bữa, sau ai quay lại chữa giày chỗ mình. Nghề mình bình thường lắm. Nhưng yêu nó, quý nó thì cuộc sống cũng ý nghĩa chứ”.

Dắt xe qua cái cửa hàng chữa giày. Nắng chiều tháng Chín vẫn soi sói chiếu vàng những viên đá lát sạch tinh. Cái bậc hè cao kia, nơi ông vẫn ngồi, đầu bạc cúi xuống, chăm chỉ đưa bàn tay, cần mẫn siết từng mũi khâu ngọt lịm cắt da cắt đế, sửa bao đôi giày cho khách. Có cảm giác, thấy như ông ấy quanh quẩn đâu đây. Ừ, ông già bị thương vùng cổ, rồi về già lại phát bệnh đúng chỗ đã mổ một lần trong rừng. Vết mổ lần thứ hai làm tổn thương thần kinh, giọng nói mất hẳn, nói chuyện với tôi ông phải ghé vào tai. Tiếng ông lào khào, đầy hơi gió, người nghe lẫn người nói đều thấy thật khó nhọc. Hóa ra cái thứ ung thư cứ nhè chỗ yếu nhất của người ta… Phải tìm nhà, thăm ông thợ già!

* * *

Tại bệnh viện K, người ta xác nhận ông bị ung thư giai đoạn cuối. Vết mổ vòm họng dở chứng, không hiểu sao mà di căn xuống tận gan. Bác sĩ là nơi quen biết với bà. Ông đưa giấy xét nghiệm, phiếu sinh thiết, phiếu kết quả chụp chiếu cho bà, nhẹ nhàng an ủi. Ông ta dừng lại một tẹo rồi nhìn thẳng vào mắt bà buồn buồn nói: “Chị ạ, em nói thật, cùng lắm anh nhà chỉ sống thêm được hai ba tháng! Thôi thì chị biết liệu lo trước cho anh ấy!”. Bác sĩ nói rất nhỏ. Hai người đứng xa ông ba bốn mét, tưởng ông không thể nghe thấy.

Ra tới cửa viện, ông chau mày: “Thế là anh sắp ra đi hả em?”.

Bà không trả lời, tảng vờ như không nghe thấy, mà nước mắt tí nữa túa ra. Bà vẫy tắc-xi. Lên xe, ông lại ghé vào tai bà, lào khào: “Em này, bác sĩ nói sao, ung thư rồi hả? Ung thư thì ung thư, anh đi nhanh như thế nào được!".

- Ông đừng nói gở. Đi đâu? - Bà quay lại nhìn ông, ánh mắt vô cùng âu yếm, nhưng thực ra bà muốn òa khóc - Chả sao cả! Bác sĩ nói ông bị kém gan. Uống thuốc dăm bữa qua thôi! Tôi nói với con về quê, bốc thuốc của cụ Thư, bao nhiêu người yếu gan đều khỏi…

- Bà đừng dối tôi! - Ông lại chau mày. Chừng như cảm thấy giọng ông không bình thường như ngày ngày với bà, ông chợt cười: “Anh nghe thấy hết rồi. Trời chả lấy đi tất cả của ai một lúc đâu. Đấy xem, từ ngày anh không nói bình thường được, thì tai thính thế! Bác sĩ nói gì anh đã nghe thấy hết. Sao ông trời bắt đi nhanh thế được. Mà anh chẳng muốn đi nhanh như vậy”.

Bà lại giả tảng không nghe rõ lời ông nói, quay mặt đi!

Trưa hôm ấy, bà đi ra khỏi nhà một lát. Chả là bà muốn báo tin dữ cho hai con gái.

Trong góc buồng còn lại mình ông.

Ông sờ góc tủ tìm sổ tiết kiệm. Ông đếm những con số ghi từng tháng, bấm tay lẩm nhẩm cộng số lãi ngân hàng chưa tính. Lương tháng, tiền chữa giày từ năm ngoái chưa tiêu hết, cho cả vào sổ còn hơn chục triệu. Ông để cuốn sổ lên bàn, tìm mở cái hộp sắt, lấy tiền ra đếm. Cái hộp ông dùng để đựng tiền thu nhập chữa giày đủ các mệnh giá. Tiền từ sau Tết âm lịch, những bốn triệu có dư.

Bốn triệu là đủ tiền đi lại. Ngày mai rút tiết kiệm thêm bốn triệu nữa. Ông lẩm nhẩm tính điều chỉ mình ông biết.

Sớm sau ông chống ba-toong ra khỏi nhà. Bà hỏi, ông đi đâu. Cháo tôi nấu chín rồi mà! Anh đi một tẹo. Em chờ anh về hãy múc cháo, cả hai cùng ăn.

Bà nhìn theo bóng ông ái ngại. Hơn tháng mà ông gầy đi thảm hại, tong teo. Cái bóng cao to, hai vai vạm vỡ luôn trong trí nhớ của bà, từ thời ông ấy ra trận, bao nhiêu năm, lúc no lúc đói vẫn giữ phong độ, vượt qua tất cả để ăn ở như bát nước đầy với mẹ con bà. Bây giờ xọp hẳn, nom thương thế, hai xương vai trồi lên, như cái mắc áo lắc lư xa dần trong ngõ vắng.

Lúc nãy bà nói với theo ông, đi nhanh kẻo lại đói lả ra đường ấy. Chả là nhà còn bán mấy thứ lặt vặt cho người quanh ngõ, bà không thể theo ông. Vả lại, cả tháng nay, từ ngày ông đổ bệnh, bà không dám cản ông điều gì, để làm ông buồn; với lại ăn ở từng ấy năm, bà còn lạ gì, đàn ông như ông đã quyết gì là đố ai ngăn được. Mà ông ấy chưa khi nào tự quyết điều gì ngang ngang cành bứa cả.

Nửa tiếng sau ông về. Ông đặt cái túi nhỏ xuống nền nhà, thở phì phò, nhưng mắt vui.

Bà lật đật đỡ ông xuống ghế sô-pha. Bà bưng bát cháo nóng hôi hổi đã đập trứng và rắc mấy nhát hành:

- Có gì mà anh vui thế!

- Em chuẩn bị đi, ngày mốt chúng ta đi Cửa Lò. Đi một tuần!

- Đi đâu? Anh đang bệnh tật thế kia! Tí nữa bà nói phật ra, bác sĩ bảo chỉ hai tháng... Bà đưa tay bưng mồm.

- Đi nghỉ mát ở Cửa Lò một tuần. Bãi biển ấy còn hoang sơ, nước xanh và trong lắm. Hồi 72, vào ghìm nhau ở Thạch Hãn, anh từng qua đấy vài ngày, ở đó, tắm ở đó… Anh đã hứa với em rồi! Bác sĩ nói hai ba tháng, là họ có căn cứ đấy. Bây giờ anh còn nhúc nhắc được, còn nhúc nhắc là anh còn giữ lời hứa với em, để tháng nữa, anh gục hẳn... Giọng ông chùng hẳn xuống, tựa như cơn gió sắp tắt, chả ai hiểu, nhưng bà thì nghe rất rõ từng lời.

Bà bưng bát cháo lại gần chồng, vớ cái quạt nan phe phẩy nhè nhẹ cho ông, vì từ ngày ốm, ông sợ gió quạt trần. Nước mắt bà âm thầm túa ra. Bà xích lại gần chồng. Ăn đi, gạo mới đấy, lắm nhựa lắm! Em chờ anh về cứ để lửa lom dom. Mà cái giống gạo mới lắm nhựa đã đảo rồi cứ phải đảo mãi, không là khê. Ăn đi, xem em nấu có vừa không? Bà nói, khi nước mắt cứ lã chã rơi từng giọt tong tong xuống nền đá hoa.

- Ấy, đi chơi sao lại khóc, em phải vui lên chứ!- Ông cười và cầm thìa, em xem anh ăn đây, anh sẽ ăn rất nhanh bát cháo này, cho em biết, anh đủ sức khỏe để còn đi chơi với em. Cháo ngon thế. Em nấu vừa lắm. Ông khen.

Ông lại cười và chợt bỏ thìa, với tay níu vai bà, kéo bà xích bên ông.

Ngõ vắng, nhà vắng. Tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc. Gian nhà như yên tĩnh tuyệt đối.

Bà chợt nghiêng đầu vào cái khung xương của ông như ngày nào yêu nhau, biết bao lần bà tin cậy tựa vào, níu vào đôi vai vạm vỡ của ông. Nước mắt càng chảy ra chan chứa... Kìa sao lại khóc! Nín đi nào! Ông nói rồi tìm bàn tay bà. Đồng hồ vẫn tích tắc, tích tắc. Thời gian đang trôi im lặng từng giây. Ông biết! Sống tới hơn bảy mươi năm, đã trải qua bao nhiêu điều trong cuộc sống này, ông đã hiểu nhiều nhẽ. Ông nắm siết bàn tay bà trong im lặng.

* * *

Ông và đứa con rể nhận ngay ra tôi khi tôi ghé xe vào đầu cửa. Bố ơi, chú nhà văn dạo nọ tới viết bài. Ông nói gì đấy, chỉ thấy đôi môi mấp máy. Nhưng rõ ràng ông cười. Mắt và môi cười.

- Nhà văn! Nhà văn... giỏi thế! Tìm được nhà cơ à? Ông cười, thì thào vào tai tôi!

Cả nhà ngạc nhiên khi một khách hàng đột ngột chẳng hẹn tới thăm người thợ giày già.

Mâm cơm dọn đi. Nước pha ngay ra. Thẽ thọt, ông ghé tai tôi kể…

Tiếng ông bạn già lào xào như gió lúc reo lúc đứt bên tai.

Bà cũng ngồi bên hầu chuyện bạn vong niên của ông, tay phe phẩy quạt nan. Bà bảo, bác sĩ nói chỉ qua hai tháng, tôi cố chăm ông ấy bảy tháng qua rồi.

Người bạn già đôi vai mọp xuống. Đôi bàn tay rắn chắc hôm nào thoăn thoát lia dao xén da, giờ chỉ như nắm xương tàn đầy gân xanh. Tôi nắm bàn tay ông. Bàn tay lành lạnh.

- Bà lấy cho anh ấy xem bộ ảnh chúng mình mới chụp - Ông nói.

Trước mắt tôi những chiếc ảnh lướt đi. Còn một chiếc ảnh cuối cùng ông nâng lên tay đưa cho tôi.

Ảnh chụp ở biển Cửa Lò, ông và bà ngồi trên chiếc phao lớn. Tay phải bà quàng lấy vai ông, tay trái ông quàng ngang ôm eo bà. Bà mặc áo tắm, nụ cười rạng rỡ. Ông cũng cười, cởi trần. Tấm ảnh rất nét, rất rõ hình hài con người ông. Rõ lớp da nhăn nheo và những mấu xương nhô ra - Ông già hơn bảy mươi tuổi, cuộc sống qua bao bão tố, từ hàng chục năm trận mạc tới bao năm thời bao cấp vật vã với lương còm. Cái con người luôn cường tráng trong mắt bà hôm nào, giờ chỉ còn hơn bốn mươi cân, một bộ xương nổi lên trên nền phông, chỉ có hai nụ cười là vẫn phơi phới và tươi tắn… Tôi nhìn rõ, sau lưng họ là biển xanh bao la ngờm ngợp sóng là sóng, là cả một trời xanh cao thăm thẳm...

Tôi rùng mình, cố bấm ngón cái vào huyệt giữa bàn tay. Không được khóc!

Đầu thu Hà Nội

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ

;
.
.
.
.
.