Chị đô con, cao gần thước bảy, cùng tuổi con chuột với tôi, chỉ có điều sinh trước tôi hai con giáp. Ngày mới vào cơ quan, tôi kêu chị bằng cô. Nhưng chị cứ một chị hai chị làm tôi lây luôn. Ờ thì kêu chị cho…trẻ (lại thân mật nữa, chị bảo thế). Có lần chị cười bảo nếu có sự run rủi của số phận, biết đâu tôi đã là con chị. Tôi nheo mắt không có đâu, chị là chuột cống còn em chuột nhắt mà. Là nói cho vui thế thôi. Nhưng cuộc đời, ai mà biết được.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chồng chị mất khi anh chị mới chung sống với nhau được năm năm và không để lại cho chị được đứa con nào. Anh bị lao mà chết khi mới ba mươi bốn tuổi. Chị bảo anh bị lao vì quá lo nghĩ. Rồi chị quay sang tôi: Chị thấy em cũng hay lo lắng lắm, vứt bớt đi mà sống cho nhẹ lòng, em ạ! Thực ra, những thứ tôi lo lắng là những thứ không đâu, tôi có lo cũng vậy mà không lo cũng vậy, chẳng thay đổi được gì.
Có hôm, thấy chị ngồi tư lự, tôi chọc: “Tương tư anh chàng nào rồi đây!” Chị cười buồn: “Chị lo quá Thuyên ơi. Mấy đứa cháu nhà chị nó chẳng biết thương cha thương mẹ. Không chịu học hành tử tế, không biết tiết kiệm gì hết. Rồi mai mốt ra đời, chúng sống làm sao?”. Chị ơi, vậy mà bảo tôi hãy vứt đi lo nghĩ. Đó, chị không con cái mà có thoát được những điều lo lắng ấy đâu!
Thỉnh thoảng, tôi ở lại trưa cùng chị. Nằm trên chiếc chõng vải, tôi vói sang chị: “Hay là chị lấy chồng đi, chứ cứ ở một mình vậy hoài thấy buồn quá!”. “Cũng nhiều người khuyên chị thế, nhưng mà chị sợ. Lấy chồng rồi lại chịu cảnh mẹ kế, con chồng. Mà biết người ta có thương mình thật lòng không. Hay cũng chỉ coi mình như osin cho con họ. Thế thì chị cứ ở vậy còn hơn”. “Nhưng sau này có tuổi…”. “Tới hồi chị có tuổi, thì đã có viện dưỡng lão, em đừng lo”. Bao giờ cũng vậy, nói chuyện được một lúc, chị lại bảo tôi đừng lo! Chẳng lẽ tôi lo vậy là thái quá?
Chị khoe mới sắm dàn máy vi tính, để mà đọc cái này cái nọ. “Với lại mình cũng đã già đâu, không thể để tụt hậu với thời đại được”. Chị có vẻ vui hẳn ra từ khi có “người bạn computer” này. Chị nói nhiều hơn, lại còn lẩm nhẩm hát vu vơ nữa.
Tôi thì vẫn sống trong mớ bòng bong lo nghĩ của mình. Thấy tôi về quê vẫn một mình, mẹ tôi sốt ruột, nói mát: “Chắc tao đến chết cũng không thấy mặt thằng con rể”. Tôi hững hờ: “Mẹ thấy mặt anh ta làm gì? Có bao giờ con rể lại chăm lo mẹ vợ đâu mà mẹ mong chờ!”. Nói với mẹ thế, nhưng lòng tôi rối mù. Vĩnh của tôi, anh bảo: “Mình yêu nhau thế này, thỉnh thoảng gặp nhau vui vẻ thế này, em không muốn lại đi muốn cảnh suốt ngày ở bên nhau, mặt nặng mày nhẹ với nhau vì tiền nong, con cái. Tình cảm mới quan trọng chứ sao em lại thích ràng buộc nhỉ?”.
Tôi cãi: “Anh thật khác mọi người. Người ta yêu nhau là để cưới nhau, xây dựng hạnh phúc với nhau. Còn anh…”. Nhưng rồi cũng không rời bỏ được Vĩnh để đi tìm cho mình một bến bờ yên ổn khác được. Nhiều lần tôi khóc, hỏi vì sao số mình lại khổ thế này. Vĩnh ôm tôi vào lòng: “Vì em yêu anh chứ còn vì sao nữa. Em yêu anh từ kiếp trước, biết không chuột nhắt của anh?”. Và chỉ cần như thế, tôi đã quên tất cả.
Quên tôi cần một gia đình bé nhỏ, sáng dậy ủi đồ cho chồng đi làm, đưa con đến lớp trước khi đến cơ quan, chiều chiều hai vợ chồng dẫn con đi tắm biển, tối tôi ngồi học bài cùng con. Quên tôi từng mơ ước được làm người phụ nữ hạnh phúc nhất trần gian. Chỉ cần một lời nồng nàn của Vĩnh, tôi lại nhắm mắt trôi cùng anh miên man và tin lời anh nói rằng chúng tôi đang hạnh phúc.
Chị khoèo tay tôi: “Có bao giờ em chat chưa?”. “Em chỉ chat với bạn bè thôi, còn người lạ thì chưa bao giờ”. “Chị mới quen mấy người trên mạng, họ nói chuyện hợp rơ với chị lắm! Như thể họ hiểu chị hơn chính chị nữa”. Tôi định nói với chị rằng không nên tin những gì trên mạng, vì có ai phải chịu trách nhiệm gì vì những lời tán gẫu ấy đâu, nhưng thấy mắt chị long lanh vì niềm vui sướng lan tỏa, tôi lại không nỡ. Mà biết đâu tôi khó tính quá thật (tôi cứ đinh ninh rằng người thật việc thật còn chưa tin tưởng được, huống hồ…). Biết đâu, chị tìm được cho mình những người bạn thực sự, sẻ chia những buồn vui mà chị không nói được cùng tôi. Cũng như tôi có một blog cá nhân, tôi hay vào đó để trút những lời… điên khùng của mình.
Tôi và Vĩnh lần này cãi nhau to. Thật ra chỉ mình tôi nói, và khóc, còn anh im lặng nhả khói thuốc. Nhưng đúng là lần này tôi khóc to nhất, từ trước đến nay. “Anh không định cưới em thì buông em ra cho em đi lấy chồng. Chứ cứ thế này em mệt mỏi quá. Em nghĩ kỹ rồi, không bao giờ em chấp nhận được cuộc sống như anh mong muốn. Vì trong em còn nhiều mong ước khác”. Tôi nói và khóc một thôi một hồi rồi tự động im lặng. Khi tôi đứng dậy toan về thì Vĩnh níu tay tôi lại: “Thì cưới. Cuối năm, em thích chưa?”.
Chị ghé sát vào tai tôi: “Có người tỏ tình với chị, Việt kiều đang ở Mỹ.” Tôi tưởng nghe được cả nhịp tim chị dồn dập. Tôi kéo chị ra quán café cóc đối diện cơ quan.
- Anh ấy bảo cuộc sống bên ấy tẻ nhạt lắm, chỉ có công việc và công việc. Hàng xóm cũng không biết mặt. Ảnh lấy bằng tiến sĩ hơn mười năm rồi. Hai đứa con của ảnh đã lớn, khuyên ảnh nên đi bước nữa vì mẹ chúng mất cũng khá lâu rồi.
- Chị sẽ đi Mỹ à?
- Không, chị từ chối rồi. Chị bảo ảnh hãy tìm một người bên đó để dễ tìm hiểu và nếu tiến tới được cũng dễ dàng hơn chứ tìm chi bên này, thủ tục rắc rối lắm. Chị thì không muốn đi đâu hết. Chẳng ở đâu sướng bằng quê hương bản quán mình, nhất là chị đã có tuổi rồi.
Chị cứ khuấy mãi ly café trong khi tôi đã hút sạch một hộp Yomost: “Chị lên mạng chỉ để tìm người nói chuyện cho khuây khỏa. Ai ngờ lại gặp chuyện này. Người chị cứ lâng lâng mấy ngày nay em ạ. À! Còn chuyện này nữa, có bao giờ em gặp chưa? Có người hỏi chị một câu rất khiếm nhã: Bạn có muốn làm tình nhân của tôi đêm nay không? Chị hoảng quá, tắt máy luôn”.
Tôi thấy thương chị hơn bao giờ hết, chuyện ấy đã là chuyện “xưa như trái đất” trên mạng rồi, lại làm chị hốt hoảng. “Nhưng chị từng này tuổi, tưởng như mọi xúc cảm trơ ra hết rồi, được nghe lại một lời yêu thương, cũng thấy đáng sống lắm em ạ!”. Hình như đã có lần Vĩnh nói với tôi sống trên đời này, chỉ cần được yêu thương là đủ để hạnh phúc, mọi ràng buộc chỉ làm cho con người mệt mỏi. Lúc bên Vĩnh, tôi cũng tin thế. Nhưng khi nhìn sang cuộc sống của nhiều người khác, tôi lại thấy mình chơi vơi.
Vĩnh chở tôi về quê. Mẹ tôi bắt gà làm thịt đãi “con rể tương lai”. Lúc ngồi nhổ lông gà cùng tôi, con Loan thật thà: “Có vẻ nghệ sĩ quá. Không giống một người sắp đi làm rể”. Tôi trợn mắt, nó im. Nhưng đến bữa ăn, nó lại giở chứng: “Anh Vĩnh tuổi con gì?”. “Anh tuổi Mẹo”. “Chết! Mèo hay vờn chuột lắm đó. Chị Thuyên coi chừng nghen!”. Mẹ tôi tái mặt. Tôi đỡ lời: “Loan yên tâm đi. Chị là chuột máy vi tính đó, không dễ vờn được đâu”. Hôm sau, về thành phố, Vĩnh ôm lấy tôi: “Mất em, anh sẽ chết. Nhưng cưới em, anh sợ đó sẽ là cách để mất em nhanh nhất!”. Trời ơi, vì điều gì tôi và Vĩnh cứ đau hoài bên nhau thế này?
Chị lại trầm ngâm, có khi còn hơn trước. Tôi thì đang dở dở ương ương chuyện với Vĩnh, dứt thì không dứt được, còn tiếp tục thì chẳng biết đâu là bến bờ. Tôi rủ chị: “Đi nhậu hè!”. Hai chị em đèo nhau ra biển. Gió chiều mát đến rợn ngợp, tưởng như có thể làm tan đi hết mọi muộn phiền trong tôi. Lời chị tan trong gió: “Anh ấy không liên lạc gì với chị nữa, từ bữa chị từ chối và khuyên ảnh nên tìm người bên ấy”.
Gió làm rối tung mái tóc chấm ngang vai vì mong làm mới mình, tôi cố nuôi mấy tháng nay. Tôi hét thật to, vừa hét vừa chạy theo những con sóng đang vồ vập lấy chân mình: “Quên đi chị. Em cũng đang tập quên đây!”. Tôi bỏ chị một đoạn khá xa, vẫy tay: “Chị chạy lại đây đi”. Nhưng chị không chạy mà bước từng bước chậm rãi. Tôi kéo lấy tay chị: “Thôi, vào nhậu. Và hứa với em đừng nhắc đến đàn ông trong buổi tối này”.
Chị đã giữ đúng lời hứa, không nhắc đến người đàn ông mà thật tình tôi không biết là có thật trên đời không nữa, hay chỉ là một trò đùa của ai đó. (Trong thế giới ảo, chuyện gì mà không thể.) Người đàn ông ấy, không biết thật giả làm sao, nhưng đã làm người đô lớn là chị xiêu vẹo giữa chuỗi ngày bình yên đến ngột thở của mình.
Vĩnh gọi cho tôi: “Em đang ở đâu mà giờ chưa về?”. Tôi giả bộ lèm nhèm: “Anh biết để làm gì? Anh quan tâm để làm gì? Em sắp rơi vào vòng tay kẻ khác rồi, anh sung sướng chưa?”. “Em đang ở đâu? Để anh đến đưa em về”. Tôi tắt máy. Tưởng tượng cảnh Vĩnh đang điên tiết lên vì ghen, vì lo lắng, tôi thấy hả dạ. “Ai bảo dám vờn em! Ha ha”. Hình như tôi uống hơi nhiều, giọng đã lạc đi, dù chưa đến độ lèm nhèm như khi nói với Vĩnh.
Chúng tôi ngồi rề rà đến khi chị kêu lên: “Trời ơi! Mười giờ!” thì dừng cuộc nhậu. Tôi chở chị về, gió khuya lành lạnh. “Thuyên! Vĩnh nó yêu em thế, lo cho em thế. Sao hai đứa lại làm khổ nhau mãi thế này?”. Chị hỏi tôi, tôi biết hỏi ai, đành đánh trống lãng: “Đã bảo không nhắc đến đàn ông mà chị”. Chị khép cổng rồi, tôi chợt thấy đường về xa thăm thẳm, dù nhà chị cách nhà tôi chỉ ba cây số. Vĩnh ơi, sao Vĩnh lại để em phải đi một mình giữa đêm khuya khoắt thế này?
Chị lại khoe với tôi: “Chị từ bỏ những cuộc chat rồi. Chỉ thỉnh thoảng lên mạng nghe nhạc, đọc báo thôi”. Tôi chẳng biết nên vui hay nên buồn vì điều chị nói nữa. Tôi bạo dạn: “Còn ông Việt kiều đó?”. Chị cố làm ra vẻ hài hước: “Thôi em, mấy viện dưỡng lão đang khởi công để dành riêng cho chị đó!”. Tôi cố cười mà không cười nổi. Chị vẫn cần một người đàn ông chứ, ít ra để còn biết được yêu thương. Hay tôi lại lo xa?
Vĩnh bị tai nạn. Người ta gọi bằng di động của Vĩnh cho tôi: “Ông xã chị đang đi thì ngã giữa đường. Xe cấp cứu chở đi rồi. Chị đến Bệnh viện Đa khoa gấp.” Tôi hớt hải chạy đến, thấy Vĩnh đang nằm bất tỉnh, trên người dây nhợ lằng nhằng. Tôi òa khóc. Cô y tá đang chăm sóc cho anh nói bằng giọng tỉnh bơ: “Có gì mà khóc. Anh ấy bị suy nhược cơ thể. Ngã giữa đường mà không bị xe sau cán là phúc cho nhà chị lắm đấy!”. Mấy người nuôi bệnh những giường gần đấy nhìn tôi bằng ánh mắt giễu cợt, kiểu như: “Chăm sóc chồng kiểu gì mà để chồng đến nỗi suy nhược cơ thể?”. Cầm trên tay chiếc di động của Vĩnh mà người ta trả lại, tôi bấm số của mình, hiện lên chữ “bà xã”. Vĩnh của tôi ơi, anh có hiểu hết mình không?
Tôi đón Vĩnh từ bệnh viện, làm thịt bò tái rồi nấu cháo cá ép anh ăn. Anh ôm tôi từ sau: “Hay em về đây ở luôn nhé!”. Tôi không trả lời, cứ đứng yên vậy, lửa bếp gas xanh hiền dịu. Chợt tôi nghe giọt nước nóng bỏng rơi trên vai mình, và tiếng Vĩnh ấm nồng: “Anh cần em biết nhường nào. Đến bây giờ anh mới nhận ra điều ấy! Làm vợ anh, em nhé!”. Ôi, Vĩnh của tôi. Anh hiểu thêm điều gì sau những ngày nằm viện mà đã không còn sợ hôn nhân sẽ làm chết đi tình yêu?
Và chị nữa, hiểu thêm điều gì sau từng ấy năm tựa vào công việc để sống. Để tin nhắn tôi nhận được từ chị trong ngày thứ tư của tuần trăng mật: “Hãy biết nâng niu hạnh phúc của mình nghe chuột nhắt!”. Ôi! Chị, dù đô lớn, dù bản lĩnh và xuất sắc trong mọi việc, vẫn mang trái tim của một người đàn bà. Trái tim ấy, sinh ra trên đời để thổn thức hoài vì những tổn thương…
Truyện ngắn của NGÔ THỊ THỤC TRANG