.

Tránh thiệt hại lớn từ những lỗi nhỏ

.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 14 di tích (DT) được xếp hạng cấp quốc gia, 30 DT xếp hạng cấp thành phố và trên 100 DT đang “xếp hàng” chờ xếp hạng. Các DT này có hư hại gì trong bão số 9 vừa qua?

Bàn Thần Nông ở đình Mân Quang bị bão đập bể hoàn toàn.

Câu hỏi này đã được nêu ra với cơ quan chức năng ngay từ đầu giờ sáng ngày 5-10, nhưng đến chiều, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời dứt điểm. Qua thông tin từ Phòng Văn hóa-Thông tin một số quận, huyện, chúng tôi đã tìm đến một số địa chỉ được cho là bị ảnh hưởng đáng kể do bão số 9.

Đình làng Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà là DT bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn, như đánh giá của một cán bộ Phòng VH-TT quận. Ông Lê Đức Đủ, Phó Trưởng ban Bảo vệ DT đình làng dẫn chúng tôi xem đoạn tường rào phía Tây ngã đổ hơn 10m, hai con rồng bị gãy trên nóc sở Âm linh – nơi thờ các chiến sĩ trận vong trong hai cuộc kháng chiến. Vách bàn thờ Thần Nông, nơi ghi dấu ấn một thời cả vùng đất quanh đây đều lấy nông làm trọng, đã bị bão đánh sập hoàn toàn. Riêng phần sân đình phía tam quan bị ngâm nước đã hơn tuần nay, theo ông Đủ, là do công trình đang thi công phía trước đình có cốt cao hơn sân đình.

Cả khu DT lịch sử gồm đình làng, lăng Ông, miếu Bà, miếu Thành Hoàng, miếu Quan Thánh, bàn Thần Nông, sở Âm linh này đã được gắn bia bảo vệ DT từ năm 1999, và mới đây đã được Bảo tàng lập hồ sơ xếp hạng cấp thành phố. Trong lúc thủ tục còn vướng đâu đó thì bão số 9 đã “làm khó” cho bà con chư phái tộc làng Mân Quang bằng những thiệt hại đáng tiếc.

Tình trạng chung của các DT ở Đà Nẵng qua bão số 9 là mái bị bay ngói và thấm dột. DT lịch sử-văn hóa Đình Phước Thuận (xếp hạng cấp thành phố từ năm 2006), thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, bị bay hai dãy ngói; theo ông Trần Phước Đồng, Trưởng ban Quản lý DT đình làng, là do ngói lợp quá lâu, đã xuống cấp. Đình Túy Loan (DT lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1999) từ sau bão số 6 năm 2006, rồi lụt lớn năm 2007 đã bị hư hại một số chi tiết vẫn chưa được sửa chữa, nay lại tiếp tục bị bão số 9 mở rộng thêm độ hở trên mái ngói.

Sau bão số 6 năm 2006, cụm di tích đình Túy Loan tiếp tục xuống cấp vì bão số 9.

 

Nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng (DT lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 2000, ở xã Hòa Phước) bị ngâm trong nước lụt trên 40cm, ngoài sân ngập sâu gấp đôi. Ông Đinh Viết Thành, Trưởng ban Quản lý DT đình làng lo lắng, với tình trạng sạt lở như hiện nay thì khoảng 5-6 năm tới nước sông Quá Giáng sẽ ăn sát vô khuôn viên đình, mỗi lần bão lụt, sóng nước sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của DT.

Một điều không ai ngờ là hai công trình mới khánh thành, đình Đà Sơn (DT cấp thành phố từ năm 2000) và Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (DT lịch sử cấp quốc gia từ 2007), lại bị thấm dột. Ông Mai Viết Cường, bảo vệ Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải, nói có ít nhất 3 chỗ thấm dột trong nhà thờ và khoảng hơn trăm viên ngói liệt ở các đầu hồi bị bão đập bể. Ông Nguyễn Thỏa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tiến Lập, đơn vị thi công nhà thờ, cho biết ông đang chờ nhận ngói từ Huế gửi vô để tiến hành sửa chữa.

Chiều ngày 5-10, sân đình Mân Quang vẫn chưa ráo nước.

Theo ông Lê Xuân Thông, chuyên viên Phòng Quản lý Di sản của Bảo tàng Đà Nẵng: Khi tổ khảo sát, đánh giá hiện trạng và tình trạng quản lý các DT đã xếp hạng trên địa bàn đến làm việc, hiện tượng thấm dột tại hai công trình mới này không thấy xảy ra trước bão. Gần 1 tháng trời, tổ đã khảo sát trên 70 DT, trong đó 44 DT đã xếp hạng và hơn 20 DT có giá trị tiêu biểu khác.

Cũng theo ông Thông, phần lớn các DT lợp ngói bị dột là do lâu ngày ngói mục, mưa lớn re nước vào. Đối với các DT bị dột triền miên, hằng năm Sở VH-TT-DL dành kinh phí trùng tu từng đợt khoảng 4-5 cái, chứ không thể làm một lần 50-70 cái. Do không đủ tiền và thời gian, buộc phải chọn cái nào bị nặng ưu tiên chống dột trước. Trường hợp bị thấm dột hoặc hư hoại cục bộ, trước hết là tiến hành tu sửa cấp thiết bằng cách thay đổi một số chi tiết hoặc gia cố gia cường một số cấu kiện.

Ông Thông khẳng định: “Hiện tượng thấm dột DT ở Đà Nẵng là phổ biến, ngoại trừ các DT trùng tu tôn tạo gần đây”. Thế nhưng, trước thực tế hai công trình mới khánh thành đã bị thấm dột nói trên, các cơ quan hữu quan hẳn sẽ phải nghiên cứu để có cách xử lý rốt ráo nhằm tránh những thiệt hại kéo theo đối với DT trên địa bàn nhiều bão lụt như Đà Nẵng.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

;
.
.
.
.
.