.

Trẻ em là nạn nhân của biến đổi khí hậu

.

Một báo cáo mới nhất vừa được công bố trong tuần này cho biết, các nhà khoa học lo ngại rằng, trong 4 thập niên tới, biến đổi khí hậu sẽ khiến thêm 25 triệu trẻ em các gia đình nông dân ở châu Á và châu Phi sẽ lâm vào nạn đói.

Bão Ketsana gây lũ lụt ở Philippines. Trong ảnh: Đường phố Manila ngập trong biển nước. (Ảnh: AP)

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), cho dù không có sự biến đổi khí hậu, 113 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới đến năm 2050 cũng sẽ bị suy dinh dưỡng. Với sự biến đổi khí hậu, con số này sẽ tăng thêm 20%, trong đó có khoảng 15 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng ở vùng Châu Phi. Báo cáo nêu rõ: “Những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất vụ mùa sẽ đặc biệt diễn ra ở tiểu sa mạc Sahara châu Phi và Nam Á”.

IFPRI đã kêu gọi các chính phủ và các nhà tài trợ đầu tư vào việc nghiên cứu tưới tiêu và cải thiện đường sá ở khu vực nông thôn bởi những lĩnh vực này được cho là vấn đề then chốt giúp nông dân sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
 
Gerald Nelson, một nhà nghiên cứu thuộc IFPRI, cho biết ông hy vọng các nhà đàm phán nhóm họp vào cuối năm nay ở Copenhagen (Đan Mạch) sẽ thông qua con số ít nhất 7 tỷ USD/năm để giúp nông dân đối phó với biến đổi khí hậu. Hàng loạt các cuộc đối thoại ban đầu đã bế tắc do các nước phát triển từ chối cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như cung cấp hàng tỷ USD cho các nước nghèo chống lại sự ấm nóng toàn cầu.

Hugh Cole, cố vấn về biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam ở Nam Á, cho hay báo cáo mới nhất của IFPRI sẽ giúp ích cho các nhà đàm phán tìm ra giải pháp tại Copenhagen. Nhóm trợ lý và phát triển của Cole đã kêu gọi 50 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia nghèo đối phó với sự biến đổi khí hậu. Các nhóm khác cũng kêu gọi sự hợp tác từ các nước công nghiệp hóa. Theo các nhà nghiên cứu, cần thiết phải đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực tiểu sa mạc Sahara, nơi có cơ sở hạ tầng yếu kém và đại đa số người nghèo phụ thuộc vào nông trại. Ở Nam Á, ước tính sẽ giảm 14% sản lượng gạo do biến đổi khí hậu, còn ở tiểu sa mạc Sahara châu Phi giảm 10% thu hoạch ngũ cốc.

Trong tuần này, Liên Hợp Quốc cũng đã tổ chức các cuộc họp bàn về biến đổi khí hậu tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. (Ảnh: AP)

 

Trong khi đó, Hãng AP dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết, nhiều lãnh đạo thế giới bày tỏ sự ủng hộ với một đề xuất dành khoảng 100 tỷ USD/năm trong thập niên tới cho các hành động cụ thể để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp các nước nghèo đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sau các cuộc đối thoại với Thủ tướng Anh Gordon Brown và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, ông Ban Ki-moon nói rằng, lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới thống nhất việc đóng góp 100 tỷ USD hằng năm cho đến năm 2020 có thể là khởi đầu tốt không chỉ trong việc ủng hộ tài chính mà còn thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và những nước đang phát triển.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Trung Quốc và Mỹ ước tính chiếm 20% khí thải của toàn thế giới, tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) - với 14%, sau đó là Nga và Ấn Độ - với 5%. EU đang thúc giục các nước giàu thực hiện cam kết giảm 20% khí thải của mức năm 1990 và khẳng định liên minh này sẽ cắt giảm 30% khí thải nếu các nước giàu khác ủng hộ mục tiêu này.

GIA AN

 

 

;
.
.
.
.
.