.

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Chính phủ và Bộ GD&ĐT đang đầu tư xây dựng 4 trường ĐH gồm: ĐH Việt Đức, ĐH Khoa học và công nghệ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ theo hướng đại học nghiên cứu để đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 5 trường ĐH nghiên cứu lọt vào top 200 – 400 trường ĐH đẳng cấp quốc tế

“Nhập khẩu” giáo dục

Giải pháp khả thi là cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ, kết hợp cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có của những trường ĐH, viện nghiên cứu tốt nhất của Việt Nam, phải có sự tham gia trực tiếp, toàn diện và đủ mạnh của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã chọn phương án để các trường xuất sắc của nước ngoài tham gia xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam đến từ một quốc gia có trình độ cao về khoa học công nghệ, kinh tế và giáo dục ĐH. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong hội nghị bàn về phương thức xây dựng trường ĐH quốc tế tại Việt Nam vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 9 tại Đà Nẵng.

Trường ĐH Việt Đức (VGU) ở TP. Hồ Chí Minh là một trong bốn trường ĐH quốc tế ở Việt Nam đã đi vào hoạt động. Đây là trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam có Hiệu trưởng là người nước ngoài do chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định bổ nhiệm. GS.TS Wolf Rieck – Hiệu trưởng VGU cho biết: “VGU có những hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH danh tiếng ở Đức, những trường đã liên kết với nhau thành lập Hiệp hội các trường ĐH hỗ trợ VGU từ tháng 2 năm 2009.
 
Phần lớn các giáo sư tham gia giảng dạy tại VGU chính là giáo sư của các ĐH liên kết tại Đức của VGU. Họ sẽ xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo tại VGU một cách kỹ càng và đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ người Việt cũng như chuẩn bị hành trang nghiệp vụ giảng dạy cho những người này. Tuy vậy, ngay từ ban đầu các giáo sư người Đức luôn nhận được sự hỗ trợ từ các giảng viên ĐH giàu kinh nghiệm người Việt với vai trò là người hướng dẫn, là trợ giảng hay là các giảng viên độc lập. Chiến lược của VGU là triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao của Đức trực tiếp tại Việt Nam theo nguyên tắc tạo sự tự do về học thuật trong đội ngũ giảng viên và sinh viên”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cùng với việc triển khai xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế, Việt Nam cũng đồng thời “nhập khẩu” chương trình đào tạo ở các nước có chất lượng cao; sử dụng phương pháp dạy – học, cách thức đánh giá và cách thức quản lý đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế.

Việc “nhập khẩu” chương trình, phương pháp và công nghệ quản lý sẽ góp phần tạo sự chuyển biến mới, khắc phục được 5 yếu điểm của các trường ĐH Việt Nam hiện nay: lạc hậu về chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo; lạc hậu và thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm; lạc hậu về phương pháp quản lý; yếu kém về trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên; thiếu gắn kết với thực tế khi đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Kỳ vọng về sự lan tỏa

Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm là nét đặc trưng của mô hình trường ĐH đẳng cấp quốc tế mà Việt Nam đang xây dựng. GS.TS Wolf Rieck – Hiệu trưởng VGU cho rằng “Sự tự trị là rất quan trọng đối với một trường ĐH nghiên cứu, là nguyên tắc thể hiện sức mạnh của một trường ĐH. Trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế phải có sự độc lập trong hoạt động nghiên cứu, tuyển dụng, kinh tế... với các tổ chức bên ngoài. Tất nhiên, sự tự trị đó phải đặt trong khuôn khổ pháp lý, trường ĐH không phải đứng một mình và chịu sự quản lý về mặt Nhà nước.

Nhà trường cũng phải có sự minh bạch với bên ngoài, có sự đánh giá, phản hồi từ sinh viên, các bên đối tác và xã hội”. Cũng cùng quan điểm này, theo ông J. Waite – đại diện Ngân hàng Thế giới: “Việc Việt Nam hóa chương trình đào tạo của nước ngoài cho các trường ĐH đẳng cấp quốc tế mà Việt Nam đã và đang thực hiện sẽ góp phần tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại, có uy tín trong khu vực. Cần sớm thiết lập một khuôn khổ pháp lý trao quyền tự chủ cho các trường ĐH mô hình mới.
 
Một khi chúng ta làm tăng tính tự quản thì tính tự chịu trách nhiệm của các trường cũng cao hơn”. Ông Ayumi Konishi – Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam cũng cho rằng: “Việc trao cho các trường ĐH đẳng cấp quốc tế quyền tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu, liên kết… là rất quan trọng. Khi đó, Chính phủ sẽ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ các trường ĐH. Ngược lại, các trường ĐH phải có trách nhiệm rất cao trong việc minh bạch và giải trình thể chế trước Chính phủ”.

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời, như GS Bành Tiến Long – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Khi các trường ĐH mô hình mới đi vào hoạt động, trường cũng sẽ chia sẻ tài nguyên của mình như con người, cơ sở vật chất, quan hệ doanh nghiệp nước ngoài của các nước liên quan, chương trình nghiên cứu khoa học với các trường ĐH và doanh nghiệp ở nước liên quan, học bổng đào tạo giảng viên cho các đối tác Việt Nam”. Sự chia sẻ này sẽ phát huy hiệu quả với những lan tỏa về phương pháp giảng dạy, quản lý, nghiên cứu, sử dụng tài nguyên...

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.