.
Văn học Nhật Bản - Việt Nam:

Giao lưu văn hóa phải là sự tác động qua lại

.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của năm “Giao lưu Nhật Bản - Mê Kông”, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tiếp nhận văn học nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Chương trình này cũng đã lần lượt được diễn ra tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh (từ 16 đến 29-9), do ông Numano Mitsuyoshi - Giáo sư văn học của Trường Đại học Tokyo chủ trì. Đây là cơ hội để các nhà văn, các dịch giả, các độc giả có cái nhìn toàn diện về văn học Nhật Bản cũng như đi tìm sự giao thoa, hợp tác giữa hai nền văn học Nhật Bản - Việt Nam.

Buổi tọa đàm văn học Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng.

Xuyên suốt cuộc tọa đàm, GS Numano Mitsuyoshi nêu rõ, từ khi ra đời vào đầu thế kỷ thứ 8 đến nay, văn học Nhật Bản luôn xuôi theo một dòng chảy nhất quán, mặc dù trải qua vô số biến thiên (từng có những thay đổi lớn nhưng chưa bao giờ hoàn toàn đứt đoạn), nó vẫn được kế thừa với tư cách một nền văn học đồng nhất được viết bằng tiếng Nhật.

Điều cần đặc biệt lưu ý, theo GS Numano Mitsuyoshi, là sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, nhất là thơ đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, và truyền thống làm thơ chữ Hán bằng tiếng Trung Quốc nhưng đọc theo kiểu Nhật trong giới trí thức còn kéo dài đến tận thời Minh Trị (cuối thế kỷ 19). Bước đến quá trình hiện đại hóa các thể loại tiểu thuyết, thơ, kịch và sự xác lập của văn học cận đại Nhật Bản, không thể không nhắc đến ảnh hưởng của văn học cận hiện đại châu Âu từ Shakespear, Geothe đến Turgenv, Tolstoi, Dostoevski... Sau đó, việc chuyển ngữ văn học Âu Mỹ trở nên xuyên suốt và phổ biến, thậm chí văn học dịch đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn học cận hiện đại Nhật Bản.

Những ảnh hưởng của văn học được định danh là Kawaii - một từ hiện đại đại diện cho kiểu mỹ học Nhật Bản thường thấy trong manga (truyện tranh), anime (phim hoạt hình), mô hình các nhân vật… vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản và được biết tới ở nhiều nước trên thế giới. Văn học Nhật Bản có một nét rất đặc trưng, đó là luôn hướng tới xây dựng mối quan hệ hài hòa với thế giới khách quan (Nhật Bản thường gọi đó là mono) trong thế giới của cái đẹp, không đặt mục tiêu đấu tranh với thế giới hay cải tạo thế giới.
 
Do đó, theo GS Numano Mitsuyoshi thì “mỹ học Nhật Bản với chất trữ tình và cảm tính đậm nét thích hợp với nữ giới hơn nam giới”. Tại Nhật Bản hầu như không xuất hiện các tác phẩm thuộc thể loại sử thi anh hùng và ở nền văn học này, tính trữ tình hoàn toàn đối lập với tự sự. Ví dụ, các tác phẩm tanka vốn là chủ lưu của văn nghệ từ thời kỳ trung đại thể hiện nỗi buồn đau cá nhân hay tình cảm luyến ái mang đậm nét trữ tình chiếm tỷ lệ áp đảo. Yếu tố văn học ở đây là nỗi buồn chứ không phải niềm vui. Bởi thế, văn học Nhật Bản hướng tới những mưu cầu mang tính trữ tình của nội tâm cá nhân hơn là đối diện với các yếu tố mang tính xã hội, lịch sử.

Theo thống kê chi tiết của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, đến nay chỉ có 19 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Nhật như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” (Đặng Thuỳ Trâm), “Thời xa vắng” (Lê Lựu), “Hòn đất” (Anh Đức), “Gánh hàng hoa” (Khải Hưng, Nhất Linh)...
 
Trong khi đó, có đến 46 tác phẩm văn học Nhật được dịch và phát hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, những cuốn sách có tầm ảnh hưởng tới văn hóa đọc của độc giả Việt Nam chỉ điểm mặt được vài cuốn như “Rừng Nauy” (Norway no Mori), “Kafka bên bờ biển” (Umible no Kafka)… Nhà Xuất bản Đà Nẵng là nơi ấn hành 6 tác phẩm văn học Nhật gồm: 5 tác phẩm của cây đại thụ văn học Nhật Bản Murakami Haruki (Ngày đẹp trời để xem Kangaroo; Đom đóm; Sau cơn động đất; Bóng ma ở Lexington; Người Ti-vi) và một tác phẩm của Yoshimoto Banana là Tsugumi.

GS Numano Mitsuyoshi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Đại học Tokyo (năm 1977); tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Harvard – Hoa Kỳ (từ tháng 2 năm 1984 đến tháng 6 năm 1985). Ông còn là GS thỉnh giảng của các trường ĐH Nga và Ba Lan. Hiện nay ông là GS nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Viện Đào tạo sau đại học, Đại học Tokyo.

GS Mitsuyoshi Numano nhận định, việc dịch các tác phẩm văn học Nhật Bản sang tiếng Việt hiện tại dường như vẫn còn chưa toàn diện. Các tác giả ăn khách gần đây như Murakami Haruki hay Yoshimoto Banana được giới thiệu khá nhiều, song một diện mạo tổng thể bao gồm khối lượng đồ sộ nhiều tác phẩm khác vẫn chưa được biết đến. Ông bày tỏ hy vọng “Cùng với việc các tác phẩm văn học Nhật Bản được đón nhận ở Việt Nam, thì các tác phẩm xuất sắc của Việt Nam cũng cần được đọc ở Nhật Bản.

Tiến trình qua lại đó hết sức quan trọng, và tôi tin rằng, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, văn học thế giới đích thực phải được xây dựng dựa trên quá trình giao lưu qua lại như thế. Bởi lẽ văn học không nên chỉ thu gọn vào một ngôn ngữ có sức mạnh mang tính quốc tế, hơn nữa bản thân việc đó là bất khả. Với lý do đó, trong thời gian lưu lại Việt Nam tôi mong các bạn sẽ chia sẻ cùng tôi những tác phẩm ưu tú của văn học Việt Nam và bản thân tôi cũng sẽ cố gắng tìm các cơ hội để đọc văn học Việt Nam như là bộ phận văn học thế giới”.

TRẦN TRUNG SÁNG

 



 

 

;
.
.
.
.
.