.

Về lại vùng lũ Đại Lãnh

.

Đã hơn hai mươi ngày sau trận lũ, bùn non vẫn còn đọng lại khá nhiều trên những con đường thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Gặp mưa, bùn nhão ra trên mọi nẻo đường.

 

Ngôi nhà ọp ẹp của bà Đặng Thị Cường (81 tuổi, đơn thân) ở thôn 14, xã Đại Lãnh bị lũ cuốn đi những nồi niêu soong chảo, vài con gà, để lại toàn đất và bùn non. Mấy tấm phên che tạm gặp mưa, mốc thối. Nhiều ngày qua, bà Cường vẫn phải sống nhờ nhà người quen. Theo lời bà kể, sau lũ, bà nhận được 22.000 đồng, 9kg gạo và một thùng mỳ tôm. Có gạo nhưng không có củi, lửa để đun, cái kiềng bếp tồi tàn cũng chỏng chơ giữa đám bùn, thế là cứ đói.

Vùng quê Đại Lãnh có 2.300 hộ dân với trên 10.000 nhân khẩu. Thiệt hại sau cơn bão số 9 ước tính gần 3 tỷ đồng. Theo ông Ngô Xuân Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, toàn xã có 1 nhà bị cuốn trôi, 14 nhà sập hoàn toàn. Những diện này được chính quyền hỗ trợ từ 5 đến 7 triệu đồng (tùy theo mức độ) nên đã phần nào ổn định được cuộc sống. 100% nhà bị ngập lụt nặng.

Vật dụng sinh hoạt gia đình bị cuốn trôi chưa thống kê được. Riêng toàn bộ hệ thống kênh mương, máy tưới bị bùn non và cát bồi lấp. Số tiền ước tính dùng cho khôi phục hệ thống này phải trên 500 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa, người dân đã bắt đầu vào vụ mùa mới. Đó là nỗi lo lớn nhất hiện nay”.

Toàn xã Đại Lãnh có 1 trường trung học cơ sở, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non. Sau lũ, học trò cấp 3 phải nghỉ học gần 10 ngày. Toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn bị bùn non vùi lấp, chắn hết lối đi. Riêng 2 phòng học của cơ sở mầm non nằm ở thôn Hà Dục Đông, các cháu mới bắt đầu đến lớp từ ngày 15-10. Giờ ra chơi, các cháu vẫn phải ngồi trong lớp học vì sân trường toàn đất.

Niềm vui nhận quà của học sinh vùng lũ.

 

Trường tiểu học Ngô Quang Tám chịu thiệt hại nặng nhất sau đợt lũ. Toàn bộ cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ bán trú bị lũ cuốn trôi. Theo ước tính, thiệt hại khoảng trên 50 triệu đồng, đây là con số không nhỏ đối với một trường miền núi. Thầy Âu Thái Bửu, Chủ tịch Công đoàn trường cho biết, toàn trường có 33 thầy, cô giáo thì 100% nhà bị ngập lũ từ 1,5m trở lên, nhiều tài sản có giá trị trong nhà bị cuốn trôi hoặc hư hỏng.

Sau khi nước rút, nhìn đống bùn non 60 phân dưới sân trường và khoảng 40 phân đóng dày khắp lớp học, bàn ghế, cứ nghĩ chẳng có sức lực nào mà dọn được. Thế nhưng không thể để học sinh không được đến lớp, toàn bộ thầy, cô giáo, phụ huynh và Đoàn Thanh niên xã đã xắn tay áo dọn dẹp suốt 9 ngày liền mới tạm ổn.

Vừa dạy, vừa dọn lụt, cuối ngày lại phải về quán xuyến chuyện gia đình, gương mặt nhiều thầy, cô giáo tiều tụy hẳn đi. Cô Tăng Thị Thanh Hòa, giáo viên bị thiệt hại nặng nhất trong đợt bão vừa rồi, cho biết, chồng cô cũng là giáo viên ở huyện miền núi Đông Giang. Ngay lúc bão đến, rồi lụt, chồng cô vẫn bám trường, bám lớp. Ở nhà một mình với 2 đứa con nhỏ, cô bất lực nhìn dòng nước nhấn chìm từng vật dụng sinh hoạt trong gia đình như tivi, tủ quần áo, giường chiếu… Nước lên nhanh khủng khiếp, lúc ấy các gia đình khác trong xóm, chẳng ai dám bước chân ra khỏi nhà nên không thể giúp được gì. Lúc ấy ba mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Chỉ là bao quần áo cũ, nhưng những học sinh Trường tiểu học Ngô Quang Tám tràn ngập niềm vui.

Mỗi thầy cô một gia cảnh, riêng 450 em học sinh phần lớn con nhà nghèo, sau lũ, gần như đi học tay không. Nhiều đoàn cứu trợ đã tỏa khắp Đại Lộc. Mỗi người một tấm lòng giúp nhau hàn gắn những tan hoang, trơ trọi. Góp một chút tình cho Đại Lộc, ngày 18-10, trong những trận mưa như trút, đoàn "ACE Thiện Văn và Thân hữu" tại Đà Nẵng đã liên hệ với ông Nguyễn Cơ, Hiệu trưởng của Trường tiểu học Ngô Quang Tám, để trao 450 phần quà cho học sinh (mỗi phần trị giá xấp xỉ 100.000 đồng); 33 phần quà tặng giáo viên toàn trường (mỗi phần trị giá 150.000 đồng); 5 phần tiền mặt tặng các thầy, cô bị thiệt hại nặng (mỗi phần 500.000 đồng); 15 học bổng cho 15 học sinh nghèo vượt khó học giỏi (mỗi học bổng trị giá 200.000 đồng) cùng nhiều quần áo cũ, vở, bút cho toàn hội đồng giáo dục của trường và học sinh...

Trên đường về, một chút nắng xuất hiện. Mặc trên người bộ quần áo còn lấm lem bùn đất, nhiều học trò vùng lũ vẫn cười đùa, nghịch ngợm. Người lớn thì đăm chiêu với chút hy vọng, sau cơn mưa, trời sẽ sáng. Họ lại nhen nhóm, một sự chung tay góp sức cho lần cứu trợ tiếp sau.

HUỲNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.