.

Vui riêng, buồn chung

.

Đó có lẽ là cuộc tranh tài cấp châu lục đầu tiên của bóng đá các câu lạc bộ Việt Nam- trận vòng loại trực tiếp lượt đi cúp C1 châu Á giữa đội Quảng Nam- Đà Nẵng và Nissan FC đến từ Nhật Bản năm 1992. Sân Chi Lăng ngày ấy sôi động và háo hức chẳng khác gì trận chung kết vô địch quốc gia giữa đại biểu bóng đá đất Quảng và đội Công an Hải Phòng. Với niềm tự hào được chứng kiến đứa con cưng của mình lần đầu đại diện làng bóng cả nước thi thố tài nghệ ở sân chơi đỉnh cao cấp châu lục trong giải đấu danh giá nhất, người hâm mộ đất Quảng ngồi nêm chặt bốn phía khán đài.
 

Philani (trái) là một trong những cầu thủ ngoại của đội B. Bình Dương mang  lại chiến  thắng 2-0 chiều ngày 30-9-2009, giúp đội bóng này có  mặt ở vòng bán kết của một giải châu lục. (Ảnh tư liệu)

Trước đó, các buổi tập của đội khách đến từ xứ sở Mặt Trời cũng luôn nô nức người xem. Bà con không ngớt trầm trồ trước thể hình, vóc dáng của các cầu thủ Nhật ( không ai còn gọi họ là “ Nhật lùn” nữa). Và khi chứng kiến cách khởi động rập ràng đầy chất chuyên nghiệp của một tập thể bóng đá chuyên nghiệp thứ thiệt (cầu thủ đội Nissan xếp hàng ngang, động tác hình thể và bước chạy nhịp nhàng thuần thục chẳng khác nào một buổi diễn thể dục nhịp điệu), niềm phấn khích trong khán giả tăng lên gấp bội.

Trước một Nissan FC có đẳng cấp vượt trội và thuần thục chất chuyên nghiệp, đại biểu bóng đá đất Quảng đành sớm dừng cuộc chơi sau hai lượt đấu (lượt về diễn ra trên đất Nhật) nhưng đó có lẽ là chuyến ra khơi đầy thú vị của làng bóng Việt Nam trên đấu trường châu lục. Không biết bản thân các đội bóng thu nhận điều gì từ những chuyến đi như thế nhưng riêng nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam thì bắt đầu làm quen với nhiều ý tưởng mới về cái đẹp sân cỏ cùng khát vọng vươn lên thoát khỏi cái ao làng bóng đá chật hẹp, sáo mòn…

Chút hồi tưởng ấm cúng này có thể gợi nhắc vài điều trước trận tứ kết lượt về AFC Cup 2009 giữa câu lạc bộ Bình Dương và Chonburi FC của Thái Lan trên sân Bình Dương chiều tối 30-9. Đó là trận đấu mang tính lịch sử của không riêng sân cỏ một tỉnh lẻ vùng Đông Nam Bộ mà còn là sự kiện của cả nền bóng đá nước nhà.

Bởi nếu thắng hoặc giành kết quả thuận lợi trong trận này, Bình Dương trở thành đội bóng đầu tiên của Việt Nam vào đến vòng bán kết giải đấu danh giá nhất châu lục. Trên sân người Thái ở trận lượt đi, Bình Dương đã giành lợi thế khi thủ hòa 2-2. Một trận thắng trên sân nhà hoặc ít nhất một tỷ số hòa 1-1 cũng đưa đại biểu bóng đá Việt Nam vào lịch sử. Và, Bình Dương đã làm được còn hơn thế khi chiến thắng Chonburi FC đến 2-0 trên sân Gò Đậu chiều 30-9.

Nhưng điều không vui phải chăng ở chỗ này: Một cột mốc trọng đại như thế của làng bóng xứ sở lại thiếu đi cảnh chăm chút từ phía người xem và cơ hồ trôi tuột trong ánh nhìn hờ hững của cả vài người có trách nhiệm cao nhất của nền bóng đá. Có vẻ nhiều người nghĩ rằng đây là chuyện vui riêng của mỗi Bình Dương, hãy để ông Mai Đức Chung và các cầu thủ của ông thực hiện sứ mạng cao cả của họ. Thiếu vắng niềm háo hức, mờ nhạt cảnh trông chờ, cột mốc sân cỏ trôi qua lặng lờ, nhợt nhạt.

Nhiều quan chức bóng đá vẫn hô hào công chúng góp tay đưa làng bóng xứ sở mình ra khỏi chiếc ao làng tù đọng của khu vực, từng bước tiếp cận với đỉnh cao châu lục. Họ đã học được gì từ cuộc gặp lịch sử giữa Bình Dương và đại diện làng bóng Thái Lan? Gần 20 năm sau chuyến ra khơi đơn độc của Quảng Nam- Đà Nẵng trên đất Nhật, cảm giác vui riêng mà buồn chung của sân cỏ dường chẳng hề vơi.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.