.
Xã giao thường thức

Tránh gây mâu thuẫn ở nơi làm việc - dễ hay khó?

.

Khi làm việc tại công sở, bắt buộc bạn phải tiếp xúc, trao đổi, làm việc với rất nhiều thành phần từ sếp đến nhân viên, đồng nghiệp... Việc tranh luận, mâu thuẫn là điều tất yếu có thể xảy ra. Bạn đã làm gì để tránh được điều này, các nhà tâm lý học đã đưa ra câu trả lời cho bạn, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây:

 

- Suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn: Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi bạn muốn đề cập đến một vấn đề nào đó khá nhạy cảm hoặc liên quan đến người khác. Mỗi khi có vấn đề gì rắc rối nảy sinh tại nơi làm việc, tốt hơn hết là bạn nên suy nghĩ thấu đáo về cách diễn đạt và những gì bạn định nói trước khi bày tỏ những suy nghĩ, đề xuất ý kiến, góp ý hay phàn nàn về điều gì hoặc đồng nghiệp nào đó. Bất kể bạn là ông chủ một doanh nghiệp, người quản lý hay một chuyên viên, thì môi trường làm việc đôi khi rất dễ trở thành chất xúc tác cho các tình huống gây mâu thuẫn hoặc thậm chí là to tiếng với nhau.

- Lắng nghe và không cãi lại: Đôi khi sếp của bạn cần phải nhắc nhở, hoặc phê bình thẳng thắn với bạn. Cũng có lúc một đồng nghiệp nào đó muốn góp ý vì bạn quên không trực phòng hay ra về không tắt điều hòa... Trước những tình huống như vậy, bạn không nên phản ứng hay tranh cãi chỉ bằng cảm xúc của mình. Hãy cố gắng đặt mình vào tình huống của người đối thoại và thấu hiểu những gì họ đang muốn truyền tải tới bạn. Hãy kiên nhẫn lắng nghe đồng nghiệp, cấp trên, và kể cả cấp dưới bày tỏ những suy nghĩ của họ với bạn. Thay vì gắng sức biện minh cho mình và khẳng định đồng nghiệp đã nói sai, hãy tạm chấp nhận cảm xúc và chỉ đáp lại một cách nhẹ nhàng rằng bạn rất tiếc vì đã khiến họ không vừa lòng…

- Hàng rào tốt làm nên hàng xóm tốt: Hãy tạo lập những giới hạn và ranh giới phù hợp ở nơi làm việc. Bạn phải hiểu rõ mức độ thân sơ và tiếp cận đến đâu là vừa phải, hợp lý để tránh không kích nổ quả bom “cái tôi” trong mỗi người. Nhất là khi bạn chưa làm việc đủ lâu để biết rõ tính cách từng người, những ai nhạy cảm, dễ bị tổn thương... thì giới hạn rõ ràng nhưng vẫn bảo đảm sự chân thành, cần thiết sẽ là một cách để bạn có thể duy trì mối quan hệ tốt ở nơi làm việc.

- Sự thân thiện: Tất nhiên, sau khi bạn đã vạch ra cho mình những giới hạn hợp lý và cần thiết, hãy nỗ lực để thân thiện với tất cả mọi người. Chào hỏi đồng nghiệp, khen ngợi nếu họ để kiểu tóc mới hoặc diện một bộ vest mới, hoặc nhận xét tích cực về công việc mà họ đã hoàn thành xuất sắc. Sự gần gũi thân thiết sẽ khiến môi trường làm việc của bạn dễ dàng và thoải mái hơn.

- Không nên phản ứng thái quá: Khi đồng nghiệp của bạn cảm thấy phật ý hoặc không hài lòng về một điều gì đó ở bạn, có thể họ sẽ vô tình (hoặc cố ý) tạo nên những tình huống dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực hoặc khó kiềm chế ở bạn. Phải hết sức tỉnh táo vì những phản ứng của bạn có thể gây ra mâu thuẫn và nhiều tình huống xấu khác. Trước khi “nổi nóng”, hãy cân nhắc - liệu mối bất hòa hay bất đồng ý kiến giữa bạn và người kia có đáng để làm ầm ĩ lên hay không?

- Xử sự “đẹp” với người khác: Nếu bạn muốn chiến thắng (như giữ vững vị trí của bạn và tiếp tục nấc thang sự nghiệp), đôi khi bạn cũng cần phải chấp nhận thua một hiệp đấu. Đánh giá các tình huống nảy sinh một cách cẩn thận, sau đó phân tích những “được” và “mất” của bạn trong những tình huống như vậy để có cách giải quyết phù hợp.

- Chấp nhận những điều bạn thấy: Đừng bao giờ cố gắng thay đổi những người làm cùng với bạn, nhất là đối với người phụ trách, quản lý của bạn. Có một quy luật là mọi người có thể thay đổi chính mình nhưng khó có ai có thể thay đổi được người khác.

- Luôn ngồi ở ghế “tài xế”: Hãy kiểm soát và cảnh giác trước những tình huống làm việc dễ gây bất đồng ý kiến dẫn đến mâu thuẫn và tham gia giải quyết nếu điều đó xảy ra. Tìm hiểu tính cách của những người cùng làm với bạn biết cách xử sự đúng mực, hợp lý để môi trường làm việc thuận buồm xuôi gió hơn và những cơ hội thăng chức, vị trí làm việc... của bạn cũng dễ dàng hơn.

NHẬT LÊ (Theo sideroad)

;
.
.
.
.
.