.

Hạnh phúc của một người thầy

Hạnh phúc - nếu như nó có thật, dù theo cách hiểu của Louis Aragon: Tôi tin hạnh phúc là điều có thật/ Không phải trong mơ, không phải trên mây/ Mà nơi bến lạ, bờ xa trên trái đất này*, là điều mà người thầy luôn có nhiều nhất so với tất cả mọi nghề nghiệp khác.

1- Trước hết, đây là một nghề nghiệp cho phép mình trẻ mãi trong tư duy, cách hiểu và cảm nhận khi mỗi năm đi qua lại được gặp gỡ một thế hệ mới trẻ trung, mạnh mẽ, khát khao. Kèm theo đó là một nỗi buồn. Chỉ có nghề giáo mới cảm nhận hết tốc độ của tuổi già bằng cách soi vào “những tấm gương” tựu trường mỗi năm học đến. Về lẽ này, chạng vạng là từ diễn đạt rõ nhất về thân phận của người thầy:
 
Trẻ và già; mới và cũ; niềm tự hào về học trò giỏi giang và nỗi đau của con người khi thấy người khác giỏi hơn; đạo lý trên mây và thực tại ngổn ngang ngay dưới đất; những kiến thức không bao giờ đủ và sự trì trệ của cái tôi hát mãi hát hoài một “bài ca cũ đến muôn đời”; sự trăn trở về trách nhiệm, bổn phận và cái tặc lưỡi cho qua do nỗi vật lộn khó nhọc với đời thường; sự bao dung và cái “oai” khi đe nẹt học trò; lằn ranh đôi khi thật mỏng manh của đúng và sai, trung thực và giả dối khi không có quyền nói hết, nói thật về những gì mình nghĩ, mình tin… Tất cả những điều đó luôn làm cho người thầy bị chia đôi ngay trước cửa giảng đường.

Nếu coi việc dạy học (thực hiện cái di truyền khó nhất của loài người, di truyền văn hóa) là một công việc chỉ để nhận lương thì đọc – chép là một niềm vui, còn ngược lại thì đó là sự vất vả đầy trăn trở. Nhưng, cũng có lẽ chính vì thế nên nghề dạy học mới trở nên khó “định nghĩa” một cách rõ ràng. Bất lực, đành mượn lời của Cụ Nguyễn Tiên Điền để xử huề: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

2- Sinh viên là tinh hoa của nước nhà. Trách nhiệm của người thầy nặng lắm. Ai đó đã nói rằng nhà văn viết sai hay người thầy dạy sai có thể làm hư hỏng cả một thế hệ. Hạnh phúc - nếu như nó có thật, dù theo cách hiểu của Louis Aragon: Tôi tin hạnh phúc là điều có thật/ Không phải trong mơ, không phải trên mây/ Mà nơi bến lạ, bờ xa trên trái đất này, là điều mà người thầy luôn có nhiều nhất so với tất cả mọi nghề nghiệp khác.

Còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi ngày – chào đón ta, là những gương mặt rạng rỡ tin yêu và khao khát nụ cười? Dù có mệt mỏi vì tuổi tác đến mấy, dù có xót xa bởi cái lẽ vô định của đời thường đến đâu, mỗi lần “gặp gỡ” sinh viên là một lần người thầy được trẻ lại, được tự tin hơn về đạo nghiệp của mình. Những ám ảnh về cái sai, tiêu cực tràn lan ngoài xã hội; nhiều khi đã buộc đôi chân tôi như lê bước trên đoạn đường từ nhà gửi xe đến phòng đợi giáo viên.

Thế nhưng, khi bước vào lớp, nhìn thấy những gương mặt sáng ngời sự chờ đợi, nỗi buồn trong tôi lập tức biến mất. Tôi cảm thấy mình có lỗi nếu cái tôi ích kỷ phiền muộn của mình lại làm ô nhiễm những trái tim sáng trong kia. Đấy cũng là khoảnh khắc tôi cảm nhận được rõ ràng về hạnh phúc của người thầy. Cũng có không ít lần vì bận việc, vì mệt mỏi nên chuẩn bị bài không kỹ càng đã làm tôi lúng túng và mặc cảm tội lỗi đã chế ngự gần như hoàn toàn cả tiết học. Những khi ấy, tôi thấy mình đã tước đoạt hạnh phúc của những người học trò đã tin tưởng vào tôi.

3- Hằng năm, khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế chúng tôi có “tục lệ” gặp mặt, giao lưu thầy trò dịp 20-11. Cuộc gặp đó hay lắm. Bởi lẽ, nó bỏ đi việc hàng đoàn sinh viên rồng rắn đến nhà thầy cô vừa mất thì giờ vừa đậm tính chất khách sáo lẫn cái “không khí hối lộ” nửa vời. Tất cả sinh viên được gặp tất cả các thầy cô, được phép hỏi những điều riêng tư nhất. Thầy và trò chan chứa những ân tình, xen kẽ những tiết mục văn nghệ hoàn toàn tự biên, tự diễn. Trong dịp gặp mặt ấy, Khoa sẽ trao phần thưởng cho những sinh viên nghèo vượt khó, những sinh viên giỏi (tổng kết với 8,0 điểm trở lên).

Năm nay, các thầy cô giáo “buồn” đến não nề vì sinh viên giỏi… nhiều quá(!). Trong buổi họp bàn nội bộ, Trưởng Khoa cứ liên tục thở dài đến tội nghiệp. Có đến 128/1.000 sinh viên học giỏi. Lý do của nỗi buồn đơn giản lắm: Học giỏi nhiều quá, không đủ tiền để phát thưởng! Tiền để làm phần thưởng (năm ngoái ít nhất là 100.000 đồng/1 SV) là do các thầy cô tự quyên góp trong khoa, từ một số cựu sinh viên gửi về; chứ cái nghề sử ăn nói đãi bôi, “nhai lại” kiến thức đâu có “làm kinh tế” được khoản nào. Chính vì vậy, nếu giữ mức cũ thì không kiếm đâu ra mười mấy triệu, đành phải hạ xuống còn… một nửa! Bớt đi tiền thưởng khi vật giá tăng cao, thử hỏi người thầy nào lại không buồn?

Tôi kể câu chuyện rất riêng của Khoa chúng tôi như thế để các bạn sinh viên hiểu thêm một chút tấm lòng và nỗi niềm của những người thầy. Hơn 30 năm trong nghề dạy học, còn gì hạnh phúc hơn khi thấy mình đã góp được một phần nhỏ bé vào việc ươm trồng thành cây, thành rừng màu xanh vững bền cho đất nước? Sinh viên học giỏi, thành đạt trong đời là sự “trả ơn” đẹp nhất cho thầy.

Nghiệp làm thầy có không ít những vui buồn vì những chuyến đò ngang. Âu đó cũng là lẽ thường của cuộc đời này. Robert McNamara đã nói một câu rất hay rằng, sai lầm của con người sẽ đến khi không nhìn thấy sự không hoàn hảo của thế giới là hoàn hảo. Chính vì sự không hoàn hảo đó mà cái nghiệp làm thầy trở nên đáng trân trọng hơn.
 
Lão Tử dạy “Trí giả nhược ngu” – càng học càng thấy mình khiếm khuyết, dốt nát. Người thầy luôn trăn trở vì lẽ kiến thức không bao giờ đủ. Nhất là khi trong thời đại của số, của net - rất nhiều sinh viên giỏi giang hơn thầy. Cố gắng cho đến lúc sức cùng lực kiệt theo cái nghĩa mà người xưa đã dạy là trách nhiệm của chúng tôi:

“Hối nhân bất quyện” - gắng làm sao để dạy người không biết mỏi. Tất cả những suy nghĩ, công sức và mong muốn ấy chỉ nhằm hướng tới một điều duy nhất: Mong cho sinh viên thật giỏi giang trong đời để góp phần đưa đất nước giàu mạnh, điều mà thế hệ của những người thầy chưa làm được. Nếu các bạn sinh viên hiểu rõ được điều ấy; tức là, đã hiểu đúng về hai chữ hạnh phúc của người thầy!

HÀ VĂN THỊNH

(*) Trong bài thơ Tình yêu và hạnh phúc của Louis Aragon, nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị Pháp (bản dịch của Tế Hanh).

;
.
.
.
.
.