.
NGHỊCH LÝ ĐÀO TẠO NGHỀ

Nghề xã hội cần, tuyển sinh khó

.

Có một nghịch lý trong đào tạo nghề hiện nay là các doanh nghiệp rất cần thợ đã tốt nghiệp nhóm ngành cơ khí, gò, hàn, xây dựng... thì các trường nghề lại tuyển sinh khá khó khăn; hoặc chỉ có người ngoại tỉnh tham gia học nghề, còn người địa phương lại không buồn ngó ngàng. Do đó, bài toán dạy nghề (miễn phí) trong Chương trình Việc làm của thành phố phải thay đổi cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu người học và yêu cầu của xã hội.

 

Anh Lê Công Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết, khi dự án dạy nghề Labs (chương trình đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường) do tổ chức Plan tại Việt Nam triển khai, đã có 10 thanh niên của phường tham gia học nghề và có việc làm ổn định. Với thời gian học ngắn (kéo dài 3-4 tháng), hoàn toàn miễn phí với những ngành khá dễ tìm được việc làm như bán hàng và chăm sóc khách hàng; phục vụ bàn nhà hàng, khách sạn; đồ họa vi tính, người học là những thanh niên nghèo ở địa phương quan tâm đến chương trình học này hơn các chương trình khác.

Anh Quang nhấn mạnh rằng, nhiều thanh niên hiện nay thích tìm những công việc nhẹ nhàng, lương khá. Không kể thanh niên trong diện hộ nghèo được học nghề miễn phí, thì nhiều người chưa có việc làm vẫn không tìm việc phù hợp và có tâm lý chờ đợi, không thích tự học nghề để tìm việc làm theo đúng năng lực. Điều này khiến tồn tại một thực tế là có khá nhiều thanh niên hằng ngày hết ngồi quán cà-phê lại có mặt ở bàn bi-a, không có việc làm nhưng họ vẫn “bình chân như vại”. Ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê cũng xác nhận một thực tế như vậy, khi tại địa phương có khá nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động không muốn học nghề và tìm việc (miễn phí) ở các công ty, xí nghiệp, mà chấp nhận làm những công việc không ổn định, để “làm chủ thời gian”.

Giờ thực hành gội đầu của sinh viên chuyên ngành thẩm mỹ, Trường CĐ Phương Đông.

 

Với việc dạy nghề miễn phí, không phải cứ miễn phí là người học muốn tham gia. Đó là thực tế diễn ra ở quận Sơn Trà. Ông Nguyễn Kim Tân, Trưởng phòng Lao động-TB&XH quận cho biết, năm 2008, toàn quận có 91 người được học nghề miễn phí tại Trường CĐ Nghề, nhưng đến cuối khóa chỉ còn 19 người học do thời gian học ban ngày khiến nhiều người không sắp xếp được thời gian đi làm và một điều quan trọng là nhiều học viên đăng ký học ngành điện-điện tử đã không theo được, do ngành học cao hơn trình độ văn hóa. Quận đành chuyển những người học còn lại sang học tại Trung tâm Hướng nghiệp-dạy nghề và chỉ tập trung vào dạy các nghề may, nấu ăn, điện dân dụng.

Có một thực tế nữa là nhiều người làm nghề ‘thợ đụng” kiếm được đồng tiền khá cao hằng ngày, đã từ chối đi học nghề cho một tương lai lâu dài. Quận Sơn Trà đã kiến nghị với thành phố bổ sung thêm những ngành nghề phục vụ ngành dịch vụ-du lịch như phục vụ nhà hàng, nấu ăn, bảo vệ, chế biến hải sản; và thay đổi phương thức đào tạo bằng cách hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề tư nhân, bảo đảm các nơi này đào tạo, tạo việc làm về lâu dài sau khi người học tốt nghiệp ở các nghề sửa xe, nấu ăn, gò hàn.

Theo báo cáo quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội quận Sơn Trà giai đoạn 2010-2015, số người không có việc làm trong độ tuổi lao động chiếm 5,14%. Không biết con số này có đạt được hay không, khi trên thực tế có đến 2.768 người không có việc làm ổn định. Trong một chương trình điều tra thị trường lao động do Bộ Lao động-TB&XH tiến hành, Sơn Trà được đánh giá là “lao động dồi dào, nhưng cơ cấu lao động thấp”, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm đại bộ phận (53%), chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa; trong khi tốc độ gia tăng nguồn lao động là 67,2% (từ 2005-2010).

Hiện nay, chương trình dạy nghề miễn phí cho thanh niên trong độ tuổi lao động đã có những thay đổi về cơ cấu ngành nghề. Thay vì tập trung vào những nghề cơ bản từ trước đến nay như may mặc, điện tử, điện lạnh, cơ khí, gò, hàn, mộc, trồng hoa, cây cảnh; thì trong năm tới, Sở Lao động-TB&XH sẽ đưa thêm những ngành mới vào danh mục dạy nghề: vận hành máy thi công, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện thoại di động, chăm sóc người già, chăm sóc sắc đẹp, bảo vệ chuyên nghiệp và buồng, bàn ở khách sạn.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động-TB&XH cho biết, với danh mục hơn 20 ngành nghề đào tạo miễn phí, người học có xu hướng tìm những ngành học nhẹ nhàng, tiền lương khá. Và trong 3 năm qua, mỗi năm kinh phí đào tạo nghề tăng khoảng 35%, vào khoảng 3,5 tỷ đồng/năm nên thành phố phải khống chế còn lại 7 nhóm đối tượng và vào năm 2010, kinh phí đào tạo nghề miễn phí (của thành phố và Trung ương cấp) chỉ còn khoảng 3 tỷ đồng, đào tạo từ 1.900-2.500 học viên.

Trong xưởng thực hành của Trường CĐ Công nghệ.

Lúc đó số người học sẽ khống chế giảm số lượng nhưng chi phí đào tạo trên mỗi học viên sẽ tăng lên, người học được tiếp cận với nhiều công nghệ mới vốn chiếm rất lớn số tiền đầu tư cho các trường nghề. Có một điều khó nữa cho các cấp đào tạo, giải quyết việc làm của thành phố là một số ngành nghề nếu mở ra sẽ có nhiều người học, nhưng chiếm kinh phí khá lớn như đào tạo vệ sĩ, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc người già... nhưng để đặt ra vấn đề là người đào tạo và Nhà nước chịu kinh phí 50-50 thì người học lại không mấy mặn mà, trong khi đây là những ngành đang có nhu cầu cao trong xã hội.

Đà Nẵng hiện có 43% lao động đã qua đào tạo (trong đó 33% đang trong độ tuổi lao động). Chỉ số này vẫn chưa phải là cao để thị trường nhân lực có nhiều lao động tay nghề thực sự dồi dào, đáp ứng đủ các yêu cầu ngành nghề xã hội cần. Nên mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của các cấp chính quyền thành phố là đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nghề, khuyến khích và tạo cơ hội để người học nghề có việc làm ổn định, thu nhập khá.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.