.

Tòa tuyên án

Tình cờ bật ti vi mới hay có chương trình “Tòa tuyên án”. Không rõ Đài Truyền hình đã phát sóng được bao lâu rồi. Thoạt đầu, cứ ngỡ là thực. Bị cáo, người bị hại, quan tòa, luật sư…, nhưng sau rốt mới hay, đó là phiên tòa “truyền hình”. Đó thực sự là một chương trình giá trị.

Chương trình truyền hình đã bám sát cuộc sống, khai thác sự kiện trong cuộc sống thực. Những phiên tòa giúp công chúng nhìn thấy diện mạo tòa, từ chủ tọa, cáo trạng và thái độ của đại diện Viện Kiểm sát, vai trò của luật sư bào chữa cho bên này, bên kia, thấy rõ đường đi của bị cáo dẫn đến tội lỗi. Những phiên tòa vừa cung cấp một cách xác thực hiện tình xã hội với vô vàn hoạt động phi pháp, giáo dục đầy thuyết phục công dân hiểu rõ ranh giới nguy hiểm giữa cái đúng và cái sai, giữa cái thiện và cái ác, vừa nhận biết tính nghiêm minh của pháp luật thông qua những người cầm chịch công lý. Thực tế cho hay nhiều vụ án sau khi tuyên án đã gây ra nhiều tranh cãi: Xử đúng hay sai? Công tâm hay thiên vị?

Gần đây ở Quảng Trị nổi lên vụ án về đất đai. Trên một vị trí và diện tích đất có cùng tồn tại hai sổ đỏ. Tòa đã xử và cho thi hành án như thế nào để xảy ra tình thế trớ trêu đến vậy. Cũng chuyện đất đai, ở thành phố Cần Thơ đã xử một vụ cũng khá oái oăm: Người thắng trong cuộc đấu giá nhà, đất lại không được nhận phần đất nhà. Mặc dù tòa phúc thẩm tỉnh đã tuyên bản án phúc thẩm để người công dân nọ được hưởng quyền hợp pháp. Có những phiên tòa không được sự đồng tình của công chúng vì nhiều tình tiết chưa được minh chứng, làm rõ. Nhiều yếu tố cấu thành tội chưa điều tra kỹ lưỡng khiến hồ sơ và cơ sở luận tội chênh vênh, thiếu thuyết phục.

Cũng có không ít những trường hợp một số vị có chức quyền trong chính quyền sử dụng không đúng quyền hạn của mình, can thiệp sâu vào các quyết định của tòa án. Có những bị cáo tội danh được ghi đầy đủ tình tiết có thể cấu thành tội “cố ý làm chết người”, lại được coi là “cố ý gây thương tích”. Có những phiên tòa xử kéo dài năm này qua năm khác mà không đi đến kết thúc, điển hình như (theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) vụ “xử mãi không xong” ở Cần Thơ, xử đến lần thứ 8 vẫn không kết thúc.
 
Tại Đắc Nông, vụ tranh chấp, kiện cáo đất đai, cây trái mặc dù tòa án tỉnh tuyên hủy án sơ thẩm của tòa án huyện, nhưng huyện vẫn để kéo dài tới… 12 năm. Trên báo Pháp luật và Xã hội gần đây có đăng bài “Giải oan sau 8 năm”, trong đó đề cập tới vụ án ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình đã bị tòa tuyên án 17 năm tù giam vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau 8 năm ngồi tù, ông đã được minh oan. Nhưng những thiệt hại từ hậu quả oan sai mà ông Phi phải chịu thì không thể tính hết.

Về những vướng mắc trong hoạt động xét xử, điều tra, thi hành án, Quốc hội đã có nhiều phiên họp thảo luận về vấn đề này.

Tại các phiên tòa, hiện rõ một thực tế là nhiều vụ xử không tuân thủ nghiêm ngặt những thủ tục, những quy định của công tác điều tra, luận tội, không tôn trọng hoặc bỏ sót nhiều chi tiết cần thiết để làm cơ sở xác định tội danh. Đây là chỗ công chúng luôn đặt câu hỏi: do trình độ, do tắc trách hay do thiếu công tâm của cơ quan pháp luật?

Ngày nay, những phiên tòa mang tính trực quan này giúp người dân hiểu rõ hơn hoạt động của cơ quan pháp luật, cả về phương diện thủ tục tố tụng, cả về tư cách những người cầm cân nẩy mực. Người dân có thêm hiểu biết, cùng nghiêm túc suy nghĩ về trách nhiệm công dân trong một xã hội có kỷ cương, có luật pháp nghiêm minh, và cùng tích cực giám sát hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật. Niềm tin vào công lý, lẽ công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân sẽ được củng cố bền vững.

NHẤT NGÔN

;
.
.
.
.
.