.

Chạm những lối nghèo

.

Sống trong cộng đồng dân cư, thấu hiểu cuộc sống của từng gia đình, những người “ăn cơm nhà, lo việc thiên hạ” được người dân tin yêu chọn làm “nhạc trưởng” với trăm công ngàn việc đi kèm như xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống người dân... Gần dân, nghĩa là gần với ngàn mối lo của xã hội.

Không chạy theo thành tích “xóa nghèo”

Ông Nguyễn Hồng Sơn, tổ trưởng tổ 38, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà đang thăm hỏi gia đình một hộ nghèo trong tổ.

Nếu chỉ nhìn ở vẻ bề ngoài, những ai mới bước chân đến Đà Nẵng chắc chắn sẽ giật mình khi biết được 80% dân cư sống tại tổ 85, thuộc khu tái định cư phường Hòa Minh nợ 100% tiền đất. 8 cây vàng thời ấy, nay tính ra tiền hoặc vàng đều vượt ra ngoài khả năng chi trả của người dân, khi nhiều thanh niên trong tổ không có việc làm ổn định, sống bám vào bố mẹ. Hầu hết họ là dân vùng biển Thanh Khê về đây tái định cư. Thời tiết thất thường, ngư trường không ổn định, giá dầu tăng… khiến nhiều chủ thuyền không muốn ra khơi, kéo theo nhiều lao động biển thất nghiệp.

Dẫn tôi và chị Đặng Thị Xuân Lan, cán bộ Xóa đói giảm nghèo phường Hòa Minh đi thăm các hộ gia đình khó khăn trong tổ, ông Nguyễn Văn Toản, tổ trưởng tổ 85 cho biết: “Cuộc sống mới bắt đầu, nhiều khó khăn chồng chất. Chúng tôi chỉ có thể động viên và giúp họ ổn định về mặt tinh thần. Ai khó khăn hơn thì đề xuất lên phường giúp đỡ trước, người khó ít thì giúp sau. Nhờ sự gần gũi trong bà con tổ dân phố mà đến nay, chưa xảy ra trường hợp tranh chấp quyền lợi nào”.

Anh Hồ Ngọc Giác, 45 tuổi, vừa đi chăm vợ ở bệnh viện về. Cách đây 5 năm, vợ anh phát hiện bệnh ung thư gan, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Anh phải giảm số lần đi biển trong năm. Có khi hàng tháng ở nhà chăm vợ, lo cho mẹ già ở tuổi 84 và lo cho 2 đứa con còn nhỏ dại. Cuộc sống gia đình anh rơi vào cảnh nghèo. Trong một cuộc họp tổ dân phố, ông Toản cùng bà con dân phố quyết định đưa anh vào diện nghèo.
 
Vợ anh có được thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, gánh đỡ một phần chi phí khi vào-ra bệnh viện. Ông Toản tâm sự: “Làm tổ trưởng dân phố, ai không muốn tổ mình “trắng” hộ nghèo để lấy thành tích. Nhưng nếu chạy theo thành tích ấy thì những người thật sự nghèo lại không nhận được sự giúp đỡ của xã hội. Trong khi họ đang rất cần sự giúp đỡ”.

Càng xa thành phố, cái nghèo càng đeo đẳng. Ông Nguyễn Chơi, tổ trưởng tổ 37 Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, toàn tổ hiện nay có 66 hộ dân, trong đó có khoảng 70% gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. 40% là người già neo đơn. Cuộc sống rất khó khăn. Xa chính quyền nên người dân trông cậy hết vào những người như chúng tôi.
 
Trong những cuộc họp dân, chúng tôi đều ghi lại nguyện vọng và ý kiến của dân để trình lên UBND phường. Nhờ vậy, mấy năm qua, những ngôi nhà mái lá tạm bợ đã được thay thế bằng nhà ngói khang trang do chính quyền và các tổ chức từ thiện xây tặng, tạo được niềm tin vào Đảng, vào chính quyền của người dân”.

Đã bước qua cái tuổi ngũ tuần, ông Võ Kế, tổ trưởng tổ 1, phường Thanh Khê Đông trở thành “chủ nợ” của nhiều hộ dân nghèo trong xóm, dù gia đình ông không mấy khá giả. Ông Hồ Văn Hùng (55 tuổi), một người dân trong tổ, nói: “Khi không đủ sức khỏe để theo nghề biển và trở về với hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn.

Vợ tật nguyền, con 5 đứa, chưa đứa nào có cuộc sống ổn định. Những lúc “bí” quá, gia đình đành qua mượn ông Kế ít tiền. Không phải vì ông giàu, mà vì hơn ai hết, ông hiểu hoàn cảnh gia đình chúng tôi. Mượn rồi trả, trả rồi lại mượn, cái vòng xoáy này chưa thể vượt qua khi con tôi còn quá nhỏ, chưa tự nuôi sống bản thân mình”.

Khi ở tổ dân phố có chi hội khuyến học

Chị Vũ Thị Thúy Nga, 45 tuổi, đã làm công việc của một tổ trưởng tổ dân phố được10 năm.

 

Theo ông Lê Duy Du, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, toàn phường có 49 tổ dân phố với 13.840 nhân khẩu. Trong đó có 996 hộ nghèo theo chuẩn mới. Nhà nghèo khiến con cái họ không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Vì thế, mô hình “chi hội khuyến học” được lập tại tổ 20 được xem là bài toán hay.

Cuối mỗi năm học, chi hội khuyến học kết hợp với chi hội nông dân, chi hội phụ nữ, chi hội chữ thập đỏ… đứng ra quyên góp, gây quỹ học bổng tặng những em có học lực khá, giỏi trở lên. Những món quà vật chất và tinh thần này đã động viên các em cố gắng học tập. Toàn tổ không có học sinh nào trong độ tuổi đến trường bỏ học. Ông Lê Thanh Tùng, tổ trưởng tổ 20 chia sẻ: “Đây không phải là mô hình lạ vì có nhiều tổ dân phố đã và đang làm.
 
Tuy nhiên, cái mà chúng tôi có được là sự đồng thuận của người dân. Đây là sự kết hợp của nhiều chi hội, số tiền quỹ được sử dụng rõ ràng, đúng mục đích mới mang lại niềm tin. Khi được dân tin thì việc gì cũng thành. Điều đó không phải tự dưng mà có, quan trọng hơn hết là chính người tổ trưởng dân phố đó phải tạo được niềm tin trong dân bằng những việc làm cụ thể, có ích cho đời sống khu dân cư”.

Nhớ bộ phim “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, anh “trưởng thôn” suốt ngày lo chuyện xã hội. Về nhà bị vợ mắng, con giận. Dần dần chuyện lớn, chuyện nhỏ trong gia đình, chị vợ tự quyết hết. Đàn ông làm tổ trưởng tổ dân phố còn khó thế, huống gì là phụ nữ. Ấy thế mà trong cộng đồng hiện nay, có không ít người tổ trưởng tổ dân phố là nữ.

Chị Vũ Thị Thúy Nga (45 tuổi), tổ trưởng tổ 36 phường Hòa Hiệp Bắc nói về mình, hơn 10 năm làm tổ trưởng, chị nhận được nhiều sự ưu ái của người dân. Để được dân tín nhiệm, quan trọng hơn hết là mình phải sống như thế nào để dân tin tưởng mà giao trọng trách. Điều đó thể hiện ở việc gia đình mình có sống hạnh phúc hay không, con cái mình có ngoan ngoãn, học giỏi hay không.

Trong thời gian 3 tháng hè, ban dân số đã phối hợp với chi đoàn thanh niên tổ 36 dạy phụ đạo thêm cho những cháu là con em hộ nghèo không có điều kiện học thêm, giúp các em nắm vững kiến thức để chuẩn bị cho năm học mới. Là người phụ nữ đảm đang trong gia đình, gánh vác tốt việc xã hội, chị được chồng và con ủng hộ, dù không ít lần, vì việc gì đó chị phải đi đến tận nhà dân để giải quyết, khi đêm đã về khuya…

TIỂU YẾN

 

;
.
.
.
.
.