.

Chuyện của hai vợ chồng già

.

1- Năm 1974, một bữa đi ngang qua chợ Hàng Da với người bạn gái, nhìn sang rạp Hồng Hà phía đối diện thấy có biểu diễn tuồng, tôi rủ cô bạn vào xem. Một thoáng ngần ngừ, một chút lưỡng lự hiện lên trong ánh mắt, nhưng có lẽ do nể tôi nên bạn tôi không phản đối. Thú thật, khi đã yên vị trong rạp hát, tôi lo lắng không yên. Liệu cô bạn cùng học với tôi ở nước ngoài về, chưa hề biết tuồng là cái chi chi, có thể nán lại bao lâu?

 Rạp Hòa Bình xưa (nay là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), nơi hội tụ nhiều hoạt động nghệ thuật tuồng tại Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)

Thế nhưng thật bất ngờ, hơn 2 tiếng đồng hồ bạn tôi nhìn lên sân khấu không chớp mắt. Thậm chí tôi không nghe thấy hơi thở của cô ấy. Lần đầu tiên xem tuồng, không hề biết tuồng Nam khác tuồng Bắc thế nào, không hề hiểu những ước lệ, những mô hình hóa, những cách điệu ra sao… nhưng cô bạn gái của tôi lập tức bị tuồng mê hoặc. Thì ra, giản dị nghệ thuật trước tiên và trên hết là để cảm. Thế rồi cùng với tình yêu tuồng cô gái Hà Nội ấy trở thành con dâu cả của một ông thầy tuồng!

Nhưng có một điều tôi cần nói rõ là bữa ấy chúng tôi may mắn được xem các nghệ sĩ tài danh Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu.

... Ngày diễn ra Hội nghị APEC, vợ chồng tôi nhận được giấy mời đi xem biểu diễn tuồng ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Chúng tôi đến sớm, chọn hai chiếc ghế giữa, gần sân khấu. Mãi rồi màn sân khấu cũng mở khi các quan khách quốc tế đông đủ. “Múa và trống hội chào mừng”, “Múa Chăm”, “Ông già đi hội”… Người phụ nữ ghé tai chồng hỏi tuồng đã sa sút đến mức này sao anh? Rồi thì thầm nhắc hình ảnh cụ Chánh Phẩm trong vai vua đói, cụ Mười Chương trong vai Thủy Đình Minh, cụ Hồ Hữu Có trong trích đoạn “Chắp râu”, bà Bạch Trà trong vai Đào Tam Xuân, anh Minh Ngọc trong vai lão Tạ, anh Đình Sanh trong vai Đổng Kim Lân, lan man tới chị Tuyết chị Ngoạn ở đoàn Thanh - Quảng, cô Hòa Bình ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, anh Cựu cô Zen đã hi sinh ở chiến trường… Và cuối cùng, chúng tôi về trước khi buổi diễn kết thúc, len lén rời rạp hát như người có lỗi.

2 – Vì sao trong điều kiện thuận lợi hơn trước, tuồng và nghệ thuật sân khấu dân tộc nói chung lại có vẻ như đang suy thoái? Quan trọng hơn, tuồng có khả năng tồn tại và một ngày nào đó phục nguyên như đã từng hay không? Đã có rất nhiều cuộc thảo luận, không ít những khuyến nghị, nhưng tình hình hầu như không thay đổi. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ ngày càng rời xa nghệ thuật của cha ông, sân khấu tuồng ngày càng thưa thớt khán giả!

Trước tiên, cần phải xác định rõ chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà phát triển kinh tế đang là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định vận mệnh của đất nước. Thiếu tuồng, thiếu chèo, không ca trù đờn ca tài tử mặt trời vẫn mọc đằng đông. Nhưng không thể không xóa đói giảm nghèo, không xây dựng các khu công nghiệp, không đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Cái chăn ngắn đắp được đầu thì hở chân. Biết cả đấy nhưng không làm trái quy luật khách quan được. Vấn đề ở đây là phát triển kinh tế nhanh hay chậm, đến cái ngày nghệ thuật cha ông lại trở về vị trí hàng đầu của nó, trước khi nó mai một hoặc thậm chí biến mất! Một vấn đề quan trọng khác là không nên ảo tưởng, hy vọng tuồng (hoặc chèo, cải lương) sẽ lại có số lượng khán giả đông đảo như trong quá khứ. Thời thế thay đổi, thị hiếu công chúng thay đổi, đấy cũng là quy luật khách quan mà chủ thể nghệ thuật không mấy tác động. Đề cập hai vấn đề dài hạn và ngắn hạn như vậy, cũng là để xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của tuồng, tránh những giải pháp không mang lại hiệu quả.

Xác định tuồng là vốn quý, giàu tính bác học, nhưng hình như ít ai quan tâm tới những người đang gìn giữ cái vốn quý đó. Nghệ thuật biểu diễn không phải là cái bình cổ cất trong kho có thể một ngày nào đó đem ra trưng bày. Giá như thang bảng lương của các nghệ sĩ đủ sức hấp dẫn các bạn trẻ thi vào các nhà hát như thi vào các trường đại học thì lo gì các bạn trẻ và gia đình không xem tuồng, không tìm hiểu, không tập tuồng, không yêu tuồng? Đội ngũ các nghệ sĩ đang làm nghệ thuật dân tộc cả nước không bao lăm người nên vấn đề không phải là vấn đề tài chính. Lại cũng đã đến lúc cần có luật bảo vệ tuồng, luật bảo vệ chèo… mà vai trò của Hội nghệ sĩ sân khấu là rất quan trọng. Nói như thế có nghĩa các Hội cũng cần đổi mới hoạt động của mình.

3 - Câu chuyện của hai vợ chồng già đã một thời tuổi trẻ yêu tuồng, mê tuồng chưa đến hồi kết thì tiếng chân người đi tập thể dục buổi sáng đã rậm rịch ngoài đường. Ông chồng không dưng thấy mình trẻ lại. Bà vợ tay đẩy chồng ra, miệng bảo già rồi, “tuồng” nó vừa vừa chứ! Cha chả, tuồng đã ngấm vào máu thịt, vào ngôn ngữ hằng ngày. Xem ra nó không thể mất được. Nhưng không biết với cách làm hiện nay, chẳng biết đến lúc nào tuồng mới lại thanh xuân!

Hoàng Trọng Dũng

;
.
.
.
.
.