Nhận thấy nghề dệt lụa ở quê nhà đã quá vất vả mà năng suất không cao, chất lượng lại kém, ông đã sáng chế ra một loại khung cửi cải tiến với nhiều tính năng nổi trội, mang lại thời hoàng kim cho nghề dệt Quảng Nam. Mọi người ưu ái gọi là “khung cửi Cửu Diễn” để nhớ ơn người khai sinh ra nó.
Khung cui Cuu Dien: Tơ lụa Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung đã nổi tiếng sau khi khung cửi Cửu Diễn ra đời. (Ảnh: V.P.Q) |
Thế rồi một người tài hoa xuất hiện và làm một cuộc “cách mạng” trong nghề dệt. Ông tên là Võ Dẫn, còn gọi là Cửu Diễn, sinh năm 1900 tại thôn Thi Tây, một thôn có nhiều người làm nghề dệt lụa của làng Thi Lai, nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nhờ kinh doanh tơ lụa mà ông được đi đây đi đó nhiều, có dịp học hỏi kinh nghiệm về ngành dệt ở khắp nơi. Ông nhận ra rằng, nghề dệt lụa ở quê nhà đã quá vất vả mà năng suất không cao, chất lượng lại kém. Ông vào Sài Gòn xem cách vận hành khung cửi giật của người Hoa. Được thiên phú một trí nhớ phi thường, một sự thông minh cơ xảo, ông về quê nhà hướng dẫn thợ mộc làm một mô hình khung cửi nhỏ.
Ông Trần Cường kể rằng, cha ông và chú ông là những người thợ mộc đầu tiên đóng khung cửi cho ông Cửu Diễn. Mô hình khung cửi cải tiến mới ra đời, dệt được nhưng lại không cuốn vải được. Không nản lòng, ông Cửu Diễn vào Bồng Sơn (Quảng Ngãi) xem các máy dệt đạp chân của Pháp, rồi có dịp sang tận Nhật xem khung cửi máy của người Nhật. Nắm được nguyên lý vận hành của các loại khung cửi nầy, ông lại lao vào nghiên cứu cải tiến khung cửi cũ, rồi lại hướng dẫn cha và chú ông Cường đóng khung cửi mới.
Hồi ấy kỹ thuật đúc còn thô sơ, chưa làm được các bánh răng bằng gang chính xác như các khung cửi của người nước ngoài, ông Cửu Diễn sáng tạo bằng cách cho làm bánh răng bằng các súc gỗ mít. Con đường dẫn tới sự hoàn thiện khung cửi dệt cải tiến ấy đã diễn ra không mấy suôn sẻ. Ông đã trải qua những năm tháng miệt mài tìm cách sáng tạo một hệ thống tự động dệt hoa văn - gọi là bỏ lát, trên mặt lụa. Có người hỏi những thứ hư hỏng sau thử nghiệm mà ông vứt lăn lóc quanh nhà gọi là gì, vợ ông ngán ngẩm trả lời: cái gùi. Gùi, cái vật mang nặng trên lưng đã được bà gán cho công việc khó nhọc của người chồng, về sau đã trở thành tên gọi cho bộ phận tự động trổ hoa trên khung cửi Cửu Diễn! Còn nhiều tên gọi như thế nữa: go, khổ, tay đập, phủ đầu trên, phủ đầu dưới... mỗi thứ đều gợi lên một nỗi gian nan khổ cực của nghề dệt.
Ròng rã hơn hai năm trời với không ít khó khăn, thất bại, cuối cùng lòng kiên nhẫn của con người đã thắng. Khung cửi dệt cải tiến mà sau này đã được mọi người ưu ái gọi là khung cửi Cửu Diễn để nhớ ơn người khai sinh ra nó, đã thật sự đi vào đời sống người thợ dệt xứ Quảng vào những năm 1935-1936.
Năm 1937, những người trồng dâu nuôi tằm Quảng Nam đã tạo được giống kén cho sợi tơ nhỏ, đủ sức cung ứng cho thị trường trong nước, không còn phải nhập sợi Trung Quốc. Đến năm 1939, ông Lê Đồng Lợi - còn gọi là Cửu Ích, sau lần vào xem nhà máy ươm tơ của Pháp ở Giao Thủy, ra về đã cho đóng xa quay cải tiến cách ươm tơ thủ công truyền thống, đưa năng suất công đoạn này tăng lên rõ rệt.
Vốn cần cù trong lao động sáng tạo, nay có được các công cụ sản xuất ươm tơ dệt lụa tiên tiến, người thợ dệt xứ Quảng ngày càng tinh xảo hơn trong ngành nghề truyền thống. Khung cửi cải tiến lúc đầu chỉ dệt được 1 lá go, sau nâng lên 2 rồi 4 lá. Chất lượng hàng dệt được nâng cao, năng suất tăng gấp 3-4 lần so với khung cửi dệt tay truyền thống. Hàng tơ lụa Quảng Nam từ đó nổi tiếng dần, không những được tiêu thụ khắp cả nước mà còn xuất sang cả Nam Vang, Hồng Công nữa.
Nổi tiếng nhất thời ấy là lãnh, gọi là lãnh Hạnh phước, được dệt bằng một loại tơ sợi nhỏ mà lúc đầu phải nhập từ Trung Quốc, mua về phải hồ mới dệt được. Mẫu mã cũng rất đa dạng: Hoa thị, Vảy rồng, Võng rỗ, Bông dâu, Đệm rí, Đệm trung, Đệm bự... Hồi ấy Nam Vang ăn hàng bông lớn mà mỏng, một cây lụa khổ 0,8 mét dài tới 21,5 mét mà nặng không quá hai lạng!
Xem thế đủ biết cải tiến của ông Cửu Diễn đã tạo được một bước nhảy vọt quan trọng trong lịch sử ngành tơ lụa xứ Quảng như thế nào.
Viên Phúc Quân