.

Đồng hành cùng Đà Nẵng

.

“Với tôi, viết về Đà Nẵng là viết về quê hương. Tình yêu quê hương là những cảm xúc có thật, tình cảm có thật, không giả dối được”. Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa đã nói như thế về những ca khúc của mình dành cho Đà Nẵng. Những ca khúc ấy xâu chuỗi nhiều sự kiện về tình đất, tình người của thành phố này.

Khi còn phụ trách phong trào văn nghệ quần chúng tại thành phố Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ), những sáng tác đầu tay của anh mang nặng âm hưởng dân ca. Vẻ đẹp của những con đò đã lưu lại trong ký ức bao người dân Đà Nẵng qua những câu hát “…ta qua sông Hàn bằng chuyến đò ngang, chuyến đò ngang thênh thang sông nước… Dầu nắng mưa dặn ai chớ xiêu lòng. Dầu sớm trưa bạn ta mãi còn chung bóng…” (Sông Hàn giọng hát hò khoan).

Những năm gần đây, nhiều người hỏi anh về bài hát “Nhịp điệu thành phố” khi nó thường xuyên xuất hiện trong những chương trình văn hóa-văn nghệ do Đà Nẵng tổ chức. Ít ai biết rằng, ca khúc này được anh sáng tác từ năm 1985, hơn 10 năm trước khi thành phố thật sự “thay da đổi thịt”. Khi ấy, bằng tình yêu quê hương cộng với sự nhạy cảm của người nhạc sĩ, Trần Ái Nghĩa đã tưởng tượng về một thành phố Đà Nẵng hồi sinh và từng ngày đổi mới. Và nay: “…Đà Nẵng, thành phố đang đổi mới qua từng ngày. Ở đó, nhà máy công trình mới đang dựng xây. Ở đó cảng đón con tàu với chuyến hàng đầy. Biển cả, người mãi mê tìm đàn cá bủa vây…”. Hơn ai hết, người Đà Nẵng hôm nay sẽ cảm nhận đủ đầy nhịp thở của phố phường, trong cái nhìn hướng ra biển lớn.

Ai đã từng về thăm Đà Nẵng mà không nhìn thấy được vẻ đẹp của thành phố trẻ. Biển hát những lời tự tình về tình người, tình đất. Một người con sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, liệu có thể đếm được bao nhiêu lần ra đứng trước biển để lắng nghe: “…Biển hát cho đời mặn nồng, cho trùng khơi gió lộng. Biển hát như kể nỗi lòng, những buồn đau và cả niềm vui…”(Biển hát). Với anh, biển ngàn năm còn đó. Biển là chứng nhân lịch sử cho sự vươn mình của thành phố, là “hát đến bạc đầu, để được yêu bên nhau”.

Anh luôn trăn trở về Đất và Người Đà Nẵng. Trong cuộc đời sáng tác của mình, Trần Ái Nghĩa đã đồng hành cùng thành phố này. Ở đó, có những cô nuôi dạy trẻ trong Yêu biết mấy tuổi thơ, hay hình ảnh người công nhân quét đường như “Hoa quỳnh” nở trong đêm: “…Giữa phố phường từng đêm em thức với tình yêu. Cho tay chổi lướt nhanh làm sạch bao con đường. Gởi tấm lòng của mình xây thành phố quê hương…”. Rồi một ngày, chiếc cầu Sông Hàn đã được bắc qua, nối liền hai bờ Đông-Tây, anh lại hân hoan“…để sông Hàn thêm tươi đẹp hơn. Để người dân đôi bờ thêm gần hơn. Để thấy Sơn Trà quê nhà bỗng lớn. Để nắng xuân về trên Ngũ Hành Sơn (Bắc cầu qua sông Hàn)…”.

Những sáng tác của anh về thành phố như nguồn cảm xúc chưa bao giờ cạn: Mênh mang sông Hàn, Những điều ước cho một miền quê, Hòa Liên miền quê bình yên, Hát với Bà Nà By Night, Liên Chiểu niềm tin tương lai, Tình yêu Đà Nẵng, Bài ca Đà Nẵng, Em có về…?, Hòa Vang, một chấm son, Lời yêu trên đỉnh Bà Nà, Thì thầm với sông Yên… Với anh, dường như mỗi bài hát đều gắn liền với một kỷ niệm. Vui có. Buồn cũng có. Nhưng hơn ai hết, Trần Ái Nghĩa thầm cảm ơn Đà Nẵng đã cho anh tình yêu, cho anh cảm xúc để sáng tác.

Trần Ái Nghĩa đã lặng lẽ nhìn, lặng lẽ lắng nghe Đà Nẵng trở mình, để rồi hòa vào đó lời ca, tiếng hát, làm ấm lên bao chân tình của con người.

TIỂU YẾN



;
.
.
.
.
.