.
Dự án “Sân khấu học đường”:

No dồn, đói góp

.

Các em học sinh biểu diễn trích đoạn Trưng Vương để cờ - Vở tuồng Trưng Nữ Vương.

.

Mùa hè năm học 2007-2008, ở Đà Nẵng, giai đoạn 2 của dự án “Sân khấu học đường”(SKHĐ) được tiếp tục triển khai đến 3 trường THCS là Kim Đồng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Linh (giai đoạn 1 được thực hiện ở THCS Nguyễn Phú Hường, Nguyễn Huệ, Lê Độ). Đến nay, dù thời gian của dự án chưa kết thúc (2007-2010) nhưng thỉnh thoảng lắm những học sinh (HS) kiêm “diễn viên nhí” tại các ngôi trường này mới có dịp ôn lại những gì mình đã học về nghệ thuật tuồng.

Khi diễn viên là bạn học

Vai diễn Trưng Vương trong trích đoạn Trưng Vương đề cờ không hề dễ đối với một HS lớp 7, thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn tập luyện tại Nhà hát Tuồng (NHT) Nguyễn Hiển Dĩnh cùng với các nghệ sĩ, Huỳnh Thị Tường Vi - Trường THCS Phan Đình Phùng đã khiến nhiều bạn bè kinh ngạc khi hóa thân thành nhân vật Trưng Vương oai phong, lẫm liệt qua câu nói sắc sảo, ánh mắt thông minh và những động tác dứt khoát, khắc họa được nỗi đau nước mất, nhà tan và lòng quyết tâm đánh giặc. Giờ đã là HS lớp 9, Vi cho biết, khi… “bị bắt đi xem” các cô chú biểu diễn, em và nhiều bạn đã lắc đầu, lè lưỡi vì sợ mình không làm được. Rồi sự tò mò như chất kích thích, khơi gợi, em bắt đầu có ý muốn được hóa thân vào nhân vật người nữ anh hùng Trưng Vương. Qua quan sát và phát hiện, tuyển chọn những em có năng khiếu tham gia khóa đào tạo ngắn ngày, luyện tập một số trích đoạn ngắn như Đổng Kim Lân biệt mẹ (Tuồng Sơn Hậu); Đắc Kỷ đổi hồn (Tuồng Trầm Hương Các); An Dương Vương hồi cuối (Tuồng Mỵ Châu-Trọng Thủy); Trưng Vương đề cờ (Tuồng Trưng Nữ Vương)… các nghệ sĩ NHT đã chọn Vi là một trong hơn 20 em của Trường THCS Phan Đình Phùng tham gia dự án SKHĐ do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây, nay là Bộ VH-TT-DL) và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp thực hiện.

Trích đoạn Kim Lân biệt mẹ- Vở tuồng "Sơn Hậu"

Em Nguyễn Đăng Khánh, lớp 9/4 Trường THCS Kim Đồng hồn nhiên cho biết, sau khi diễn thành công trích đoạn “Đổi hồn Đắc Kỷ” trong buổi tổng duyệt giai đoạn 2 của dự án, Khánh luôn “bị” các em lớp dưới trêu là “nghệ sĩ tuồng” hay gọi bằng tên nhân vật Tôn Hộ mà mình đóng. Rất nhiều câu hỏi được các em lớp dưới đặt ra cho những “diễn viên nhí” này khi các em trở lại trường với chiếc khăn quàng đỏ. Đó là chưa kể, nhờ đi diễn tuồng mà Khánh và nhiều bạn đã thuộc được những tích hay trong lịch sử mà không phải ngồi ê a học bài. Nhóm của Khánh còn có Trần Lê Phương Khanh, Hoàng Bảo Trần (9/1), Võ Lê Quỳnh Như (9/2), Hồ Thị Thảo Quyên, Phạm Thị Bích Nhung (9/8)… Trong các chương trình văn nghệ hay các buổi sinh hoạt dưới cờ, bên cạnh những bài hát quen thuộc, nay HS còn được thưởng thức những trích đoạn tuồng do chính các bạn mình biểu diễn.

Xem HS mình diễn, cứ tưởng đó là những diễn viên thực thụ trên sân khấu. Trong một thời gian ngắn, các em đã thuộc lời, diễn thành thục những cử chỉ, điệu bộ hay ánh mắt, nét mặt thể hiện tính cách nhân vật, quen thuộc với từng nhịp trống chầu… Như thế mới thấy, không phải các em HS không có khả năng tiếp cận tuồng, mà vì các em không có điều kiện để tiếp cận nó một cách bài bản mà thôi. Đó là nhận xét của thầy Phạm Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng.

Một buổi tập của dàn nhạc tuồng học sinh.

.

Chiều sâu của dự án

Dự án đã trải qua 2 giai đoạn với sự tham gia của 6 trường THCS trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho nhiều HS có dịp tiếp cận với sân khấu tuồng ngay tại trường học. Một sân khấu ngoài trời, trong sân trường, trên bục giảng, rất gần gũi với các em. Tuy nhiên, số lần diễn này không nhiều nên khi muốn diễn lại, các em phải mất một thời gian dài để ôn lại những gì đã tập luyện.

Trên thực tế, sau thời gian tập luyện, các em đã nắm bắt được nhiều kỹ năng cần có của nghệ thuật tuồng từ cử chỉ, điệu bộ đến cách giơ chân, liếc mắt hay các động tác vũ đạo đi, chạy, nhảy, múa cờ… Chưa kể các điệu hát rất khó như hát nam, hát khách không chỉ đòi hỏi hơi dài mà chất giọng phải khỏe để luyến láy đúng nhịp. Bên cạnh đó, ca từ cổ điển trong lời thoại của nghệ thuật tuồng gây không ít khó khăn cho các em HS khi phải học thuộc. Chính vì thế, nếu không được luyện tập thường xuyên, các em sẽ khó lòng mà thuộc vở .

Để dự án được dài hơi, nhiều trường đã chọn HS khối lớp 6, 7 tham gia vì những HS này không quá bận rộn bài vở; quãng thời gian 2,3 năm nữa các em mới rời trường đủ dài để các em hình thành một đội tuồng trong nhà trường, nhằm duy trì và phát huy những gì đã học. Tuy nhiên đến nay, hầu hết HS trực tiếp tham gia dự án SKHĐ giai đoạn 1 đã trở thành học trò cấp III, mỗi em mỗi nơi nên việc duy trì diễn tuồng cũng theo đó mà “tan đàn xẻ nghé”. Những HS tham gia giai đoạn 2, giờ đã là HS lớp 9 phải đầu tư vào việc học để tập trung vào những kỳ thi cuối cấp. Dự án này cũng theo đó mà thả nổi.

Trích đoạn Đổi hồn Đắc Kỷ-Vở tuồng "Trầm Hương Các" . Ảnh trong bài: V.T.L

Thầy giáo Nguyễn Văn Thứ, giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng, người đã lăn lộn cùng các em trong những buổi tập tại NHT Nguyễn Hiển Dĩnh bày tỏ, dự án này chỉ mang tính chất phong trào, nên rất dễ xảy ra tình trạng “no dồn, đói góp”. Mặc khác, thời khóa biểu của HS quá dày, các em ít có thời gian luyện tập. Để tập được hát, múa tuồng, đòi hỏi phải có những dụng cụ cần thiết như cờ, trống, đàn nhị… thì nhà trường lại không thể đáp ứng. Hơn nữa, việc luyện tập cho HS không do thầy, cô giáo trong trường đảm trách mà hoàn toàn nhờ vào những nghệ sĩ NHT Nguyễn Hiển Dĩnh dìu dắt nên xảy ra tình trạng bị động.

Giai đoạn 2 của dự án SKHĐ được thực hiện từ năm 2007-2010 đã đào tạo được một lớp “diễn viên nhí” biết diễn, phần nào hiểu về nghệ thuật tuồng, qua đó gây dựng một lớp khán giả trẻ. Thế nhưng, khi kết thúc dự án, điều còn lại sẽ là gì? Có như một hoạt động mang tính phong trào?

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.