Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc sau khi có 10 nước bỏ phiếu ủng hộ, 4 nước bỏ phiếu trắng và 13 nước bỏ phiếu chống. Đây là quyết định cuối cùng và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2010. EU đưa ra quyết định trên bất chấp sự phản đối của nhiều nước trong chính nội bộ khối. Quyết định trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp giày da Việt Nam, đặc biệt tác động đến đời sống của hơn 650.000 lao động trong ngành này.
Quyết định của EU gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp giày da Việt Nam và Trung Quốc. |
EU cho rằng quyết định này giúp các nhà sản xuất ở Nam Âu đối phó với giày giá rẻ hơn nhập khẩu, bởi những công ty như Nike Inc., Puma AG và Adidas AG. Ông Alisdair Gray, Giám đốc của BRC khẳng định: “Quyết định này không có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam và Trung Quốc, cũng không có lợi cho người tiêu dùng châu Âu”. Theo ông Gray, quyết định của EU đồng nghĩa với việc những người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục mua giày với mức giá cao. Động thái của EU sẽ là lời ra dấu với các công ty đang làm ăn thua lỗ khắp châu Âu rằng, EC sẽ tiếp tục bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.
Trước đó, hôm 19-11 tại Brussel, đại điện của 15 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ đề nghị của Ủy ban châu Âu, muốn kéo dài thêm 15 tháng lệnh đánh thuế 10% trên mặt hàng giày da nhập từ Việt Nam và 16,5% trên sản phẩm đến từ Trung Quốc. Chỉ có 10 nước bỏ phiếu tán thành và hai nước không bỏ phiếu. Nhiều nước đã mô tả loại thuế mà EU quyết định áp đặt là “theo chủ nghĩa bảo hộ”. Việt Nam đã nhiều lần phản đối quyết định áp thuế chống phá giá. Trung Quốc cho rằng, quyết định của EU đang gây phương hại cho buôn bán tự do. Các nhà xuất khẩu và bán lẻ châu Âu cũng kêu gọi chấm dứt biện pháp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hàng triệu euro này.
EC cho rằng các nhà sản xuất châu Âu đang bị thiệt hại vì các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc và Việt Nam “đang bán giày với mức giá thấp hơn ở châu Âu”. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng và nhiều hãng giày tiếng tăm khẳng định, họ mới thực sự là nạn nhân vì mức thuế chống phá giá trên buộc họ phải trả nhiều hơn cho một lượng giày lớn hiện sản xuất tại Trung Quốc. Quyết định của EU với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc sẽ không giúp được các hãng sản xuất giày đang chật vật của EU, vì hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đã được thay thế bằng hàng nhập khẩu ở các nước thứ ba. Vì vậy, quyết định này cũng sẽ không ích gì cho việc tạo thêm công ăn việc làm trong lĩnh vực giày da ở khu vực. Hơn thế nữa, với quyết định này, EU rõ ràng đang đi ngược lại chính sách cổ vũ cho tự do thương mại của khối này. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, đây là một bước thoái trào khi chính châu Âu đang kêu gọi thoát khỏi khủng hoảng bằng thương mại tự do, chứ không phải bằng chủ nghĩa bảo hộ.
GIA HUY