“Khổ như tổ trưởng dân phố” là câu nói mà người viết thường nghe anh T., tổ trưởng dân phố của mình nói vui mỗi khi trà dư tửu hậu. Anh T. được tín nhiệm làm tổ trưởng dân phố 30 năm kể từ sau ngày giải phóng, cho đến những năm gần đây, anh mới thoái thác.
Công việc của tổ trưởng dân phố là gì mà khổ?, có lần tôi hỏi anh như vậy. Anh kể: Tổ trưởng làm nhiều công việc tủn mủn lắm, từ phổ biến những chủ trương, chính sách do UBND phường đưa xuống đến việc tổ chức thực hiện đến từng hộ dân cư; từ đôn đốc các gia đình treo cờ những ngày lễ, đi họp đúng giờ đến việc thống kê các biến động dân cư, lập danh sách, phát thẻ cử tri và hối thúc đi bỏ phiếu mỗi kỳ bầu cử.
Lại phải đứng ra dàn xếp những bất đồng về các tranh chấp dân sự, hiềm khích trong tổ, can gián kịp thời những chuyện gia đình nào đó được nhờ cậy và cả chuyện an ninh trật tự trong khu xóm... “Nhiều khi tổ trưởng còn bị vài vị rượu chè chướng tính mắng cho nữa đấy!”, anh T. kể.
Theo số liệu của Sở Nội vụ Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 2.214 tổ dân phố, tương ứng với chừng ấy vị tổ trưởng với mức phụ cấp 0,4, nghĩa là chỉ được 260 ngàn đồng mỗi tháng. Cá nhân anh T. nói số tiền trên chỉ đủ cho anh hút thuốc lá, nhưng ngân sách của riêng Đà Nẵng mỗi tháng sẽ tốn gần 600 triệu, mỗi năm gần 7 tỷ đồng!.
Nhìn qua các phân tích chuyên môn, đa số tổ trưởng dân phố hiện nay có trình độ THCS và THPT, phần lớn chưa được bồi dưỡng về quản lý hành chính lẫn an ninh quốc phòng. Không thấy phân tích về tuổi tác, giới tính và thu nhập của tổ trưởng dân phố. Nhưng theo quan sát riêng của người viết, phần lớn họ là những người lớn tuổi (trên 50), làm nghề tự do hoặc cán bộ nghỉ hưu.
Chính vì lẽ đó, ở nhiều khu dân cư, tìm ra một người làm tổ trưởng dân phố thường rất khó, kể cả chuyện thối thác khi đã được bà con tín nhiệm bầu lên. Có phải đó là lý do gần đây đã có thêm chủ trương cho phép UBND cấp phường bổ nhiệm tổ trưởng dân phố nhằm nâng cao chất lượng nhân sự cho tổ chức dưới phường, từ đó củng cố và tăng cường hoạt động của các tổ dân phố theo phương châm “mạnh từ cấp cơ sở”.
Cũng nên kể thêm, ở “cấp” tổ dân phố hoặc thôn, ngoài tổ trưởng dân phố còn có các chức danh công an khu vực, bí thư-phó bí thư chi bộ Đảng ở khu dân cư, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, trưởng-phó ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố (hoặc thôn) và đều có phụ cấp hằng tháng từ ngân sách từ 0,32 đến 0,56 mức lương tối thiểu...Cũng như tổ trưởng dân phố, tất cả các chức danh trên theo yêu cầu đều phải gắn bó mật thiết với địa bàn dân cư!
Về lý thuyết, tổ dân phố là tổ chức tự quản của mỗi cộng đồng dân cư ở cấp dưới phường. Tổ trưởng tổ dân phố là người cùng chung sống trên một địa bàn, gắn bó trực tiếp với đời sống của dân cư, có điều kiện kinh tế tương đối ổn định, có nhiệt tâm với công tác xã hội và nhất thiết phải được sự tín nhiệm của bà con chòm xóm.
Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn, “vấn đề tổ trưởng dân phố” đang có sự vênh nhau về các yếu tố: bảo đảm thu nhập ổn định, sự chồng chéo quá nhiều chức danh từ tổ dân tự quản, các đoàn thể xã hội chính trị.
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng trong lúc cả nước đang tiến tới mô hình bí thư kiêm nhiệm chủ tịch UBND các cấp, giảm các tổ chức như Hội đồng Nhân dân cấp phường... thì cũng nên cương quyết sắp xếp lại “bộ máy” quá cồng kềnh ở tổ dân phố, để hoạt động ở đây hiệu quả hơn, thiết thực hơn mà lại giảm được nhiều khoản chi ngân sách! Chẳng hạn, bí thư chi bộ hoặc trưởng ban công tác Mặt trận kiêm luôn chức danh tổ trưởng dân phố! Lúc đó, tổ trưởng dân phố sẽ bớt khổ mà ngân sách cũng nhẹ gánh đi nhiều!
ANH TRƯƠNG