.

Khơi dòng cho “nước tuồng”

.

Tác phẩm hay, diễn viên giỏi, công chúng “máu” - đó là ba “chân kiềng” giúp cho sân khấu truyền thống trụ vững trước các trào lưu nghệ thuật hiện đại. Với tuồng, người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật xuất phát từ miền Trung này vẫn không khỏi chạnh lòng khi nhìn về phía trước: “nước tuồng” ngày một cạn.

Tâm huyết của diễn viên quyết định phần lớn sự tồn vong của nghệ thuật Tuồng.

.

40 năm sống chết với Tuồng, vợ chồng đạo diễn Cao Đình Liên cố gắng “bẻ lái” cho hai đứa con nối nghiệp nhà. Ông Liên gọi cho người anh ruột - ông này là nhạc sĩ Nhà hát Tuồng (NHT) Trung ương ở Hà Nội: Anh coi thử cho thằng đầu của em nó ra ngoài đó học nhạc được không? Ông anh lên giọng: Tôi hỏi chú, nó có tội tình gì mà chú hành hạ nó thế? Chú định làm chết thêm một thế hệ nữa hay sao?

Chân ngoài “dài” hơn chân trong

Cả NHT Nguyễn Hiển Dĩnh hầu như ai cũng biết câu chuyện trao đổi giữa hai anh em nhà hoạt động tuồng ấy. Đó là sự thật, một sự thật làm đau xót những trái tim còn tha thiết đập theo nhịp trống tuồng. NSND Trần Đình Sanh, Giám đốc NHT Nguyễn Hiển Dĩnh, dù có cân nhắc, vẫn phải dùng từ khủng hoảng khi nói về thực trạng của sân khấu dân tộc nói chung, tuồng nói riêng hiện nay: “Tuồng, dù đã hết sức cố gắng, cũng vẫn chỉ đủ giữ được trạng thái thăng bằng giữa hoạt động biểu diễn và khán giả. Còn lại, tất cả còn đang ở phía trước”.

Kịch bản - đối với sân khấu - là nguyên liệu cho sản xuất, thế mà hiện không có kịch bản hay. Điều này tác động nhiều đến hai “chân kiềng” còn lại: Diễn viên không định tâm và công chúng thì thờ ơ với sân khấu. Vì thế, vẫn theo NSND Trần Đình Sanh, hệ quả khó tránh là muốn tuyển sinh để trẻ hóa đội ngũ diễn viên cũng không được. Cha mẹ định hướng cho con vào các ngành hái ra tiền, chứ có ai “dũng cảm” đi vào sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống.

Ngành sân khấu dân tộc hiện cao nhất chỉ mới tới hệ cao đẳng. Vừa qua, số diễn viên tốt nghiệp khóa Cao đẳng Tuồng đầu tiên trong cả nước, khi vào NHT Nguyễn Hiển Dĩnh, với mức lương hệ số 2,1 (sau thời kỳ thực tập), mỗi tháng lãnh 1,365 triệu đồng. Những người thâm niên, nhiều người đến 30 - 40 năm, cũng chỉ lẹt đẹt ở mức lương diễn viên hạng ba là 4,06 với 2,639 triệu đồng mỗi tháng. Không ít người đành bước một chân ra ngoài - thường thì chân này “dài” hơn chân trong, tìm cách trang trải cuộc sống để giữ hơi thở với tuồng.

Họ chạy sô qua nghề nghiệp dư, dễ làm mà thu nhập cao. Có điều, nói như đạo diễn Cao Đình Liên, cực chẳng đã mới đi làm vậy! Tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng cho các cơ quan, đơn vị hay tổ chức các nhóm nhỏ phục vụ các tour du lịch còn mát mày mát mặt chút, chứ đi làm dịch vụ cho các đám tế lễ hiếu hỉ thì ngại lắm. Khó là khó chung, diễn viên tuồng ngoài Hà Nội cũng vậy thôi, đi hát chầu văn, ca trù... “Tôi nghĩ, có làm vậy cũng bình thường thôi, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa có thêm thu nhập chính đáng để bình ổn cuộc sống” - nghệ sĩ Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc NHT Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ.

Sống chết với nghề

Tháng 8-1998, khi Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức Hội thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc tại Đà Nẵng, NHT Nguyễn Hiển Dĩnh có ba diễn viên trẻ đoạt giải: Minh Hải - giải nhất, Văn Quang - giải nhì, Ngọc Thúy - giải ba. 4 năm sau, tại Đại hội Thi đua ngành Văn hóa-thông tin thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất, Ngọc Thúy đã bộc bạch những lời tâm huyết với nghệ thuật truyền thống trước những thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường. Thế mà giờ quay lại NHT, hỏi về cô diễn viễn trẻ đầy triển vọng một thời ấy thì chỉ biết cô đã chia tay với sân khấu mà không biết cô đi đâu về đâu!

Trong khi đó, Minh Hải và Văn Quang vẫn còn trụ lại, trở thành đào và kép chính, là “tài sản” của nhà hát hiện nay cùng với hơn 20 diễn viên tuổi dưới 30 khác (chiếm tỷ lệ 70%). Cả hai đang tập vở “Dời đô” để kịp tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Đà Nẵng vào đầu năm 2010.

“Chạy sô” để trang trải cuộc sống và giữ hơi thở với Tuồng.

Để tránh tình trạng “chảy máu tài năng trẻ”, ngoài việc cần có chế độ đãi ngộ tương xứng, cũng phải nghĩ đến chuyện “đầu tư” lòng yêu nghề cho diễn viên trẻ. Đạo diễn Cao Đình Liên lo lắng: “Khó nhất là làm sao đào tạo chuyên môn cho các em để các em có thể gánh vác sự nghiệp của nhà hát. 5 năm nữa, nếu không tập trung cho lớp này thì tuồng chỉ còn lại một tí thôi”. Nghệ sĩ Trần Ngọc Tuấn nêu một sự thật ai cũng thấy mà khó giải quyết: “Sinh viên tốt nghiệp ở trường, về nhà hát là phải đào tạo lại. Trong khi đó, người có tài thực sự thì chắc gì đã được tuyển vào, vì thiếu văn bằng chứng chỉ cần thiết. Thành ra phát triển đội ngũ diễn viên trẻ vẫn chưa hết loanh quanh, luẩn quẩn”.

Tuồng là bộ môn nghệ thuật ước lệ. Diễn viên học vai mẫu chung ở thầy, nhưng phải biết sáng tạo ra cái riêng của mình – người Quảng Nam gọi là “nước tuồng”. Học một thầy, nhưng mỗi người có mỗi “nước tuồng” riêng, nó làm nên cái duyên, cái hồn của mỗi diễn viên. NSƯT Thu Nhân gọi nó là “tinh khí thần”, cái đó không ai dạy được, mà tự thân mỗi diễn viên ứng biến khi hóa thân vào nhân vật mà mình sắm vai. “Các em tuy non nghề, nhưng vẫn có thế mạnh về thể hình, sắc thái, động tác múa... mà lớp diễn viên lớn tuổi như chúng tôi không theo được” - NSƯT Thu Nhân nhìn nhận.

Tuy nhiên, cái mà diễn viên trẻ hôm nay xem ra vẫn còn thiếu, đó là tâm huyết sống chết với nghề - một trong cách khơi dòng cho “nước tuồng” tuôn chảy. Với cơ chế hiện hành, thật khó để điều này trở thành hiện thực.

NSND Trần Đình Sanh: Giữ chân diễn viên bằng Quỹ hỗ trợ biểu diễn.

Hiện nay, các bộ môn sân khấu dân tộc trên cả nước đang cần một sự giao lưu, trao đổi đoàn để có thể tự... nuôi nhau. Chẳng hạn, NHT Nguyễn Hiển Dĩnh có thể mời chèo cổ, quan họ, đàn ca tài tử... về biểu diễn và ngược lại. Người đang sinh sống, công tác ở Đà Nẵng hoặc khách du lịch không phải ra Hà Nội hoặc vô Sài Gòn mà vẫn thưởng thức nghệ thuật “chính hãng” của hai đầu đất nước. Hoạt động trao đổi này sẽ vừa “lấp đầy”, làm phong phú hoạt động sân khấu tại chỗ, vừa góp phần làm cho khán giả trong cả nước biết được văn hóa từng vừng miền. Lúc đó, diễn viên sẽ sống được với nghề.

Cách làm này sẽ khả thi nếu thành lập được Quỹ hỗ trợ biểu diễn. Anh theo định kỳ đến biểu diễn, tôi bán vé để bảo toàn cái vốn, nhưng nếu bán vé không đạt yêu cầu thì tôi vẫn trả được cho anh nhờ quỹ kia. Về nguồn quỹ, có thể nhà nước cho vay không lãi trong một thời gian nhất định, các nhà hát cam kết bảo toàn vốn. Ban đầu chắc chắn khó, nhưng tôi nghĩ sẽ làm được.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.