.

Người xem ngày càng... xa

.

Tâm huyết của diễn viên quyết định phần lớn sự tồn vong của nghệ thuật Tuồng.

Tiếng trống hội mời xem Tuồng ở các nhà văn hóa phường hay đình làng giờ chỉ thu hút được hai thành phần khán giả: Trẻ con và người già. Ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, sân khấu cũng không thể kéo màn biểu diễn thường xuyên.

Ghiền tuồng

Năm nay bước vào tuổi 80, nhưng khi nói đến tuồng, ông Nguyễn Đình Phùng (Bảy Phùng) vẫn sôi nổi như thuở cách đây 50 năm, lúc bắt đầu đánh trống chầu trong những lần có đoàn tuồng về diễn ở Phước Lý.

Trước đây các gánh tuồng đi diễn quanh năm, ông Bảy Phùng cứ thế mặc áo dài khăn đóng đến đánh chầu. Ông bảo người đánh chầu trước hết phải là người biết thưởng thức tuồng. Ông ghiền tuồng, biết hát, biết diễn nhưng chỉ thích mỗi đánh trống chầu, mà ông bảo là nó như “cái mầm”. Cái mầm sở thích ấy nảy nở, và lớn dần lên từng ngày, dù vị trí anh đánh trống chầu nhiều người mê nhưng không phải ai cũng có thể theo vì khi diễn viên hát, người đánh chầu phải nhả trống từng tiếng hay đánh dồn dập từng hồi tùy theo kịch tính của đoạn tuồng, rồi còn tung tiền thưởng cho diễn viên. Phải nói là ai có kinh tế khá giả trở lên mới dám theo đánh trống chầu, “đã tốn tiền nhưng nếu đánh không đúng thì bị chửi, nhưng khi anh đánh giỏi sẽ gây cảm hứng cho diễn viên bởi người xem hay người hát cũng “đưa” theo, buổi diễn sôi nổi, hào hứng hơn”, ông Bảy Phùng thổ lộ về vị trí người đánh trống chầu mà ông theo mấy chục năm nay và “có mấy tui cũng đi”. Và ông cười khi nhắc đến câu tục ngữ “Ở đời có bốn cái ngu/làm mai, gánh nợ, gác cu, đánh chầu”. Biết như vậy, nhưng vẫn thích, vẫn ghiền. Nhưng sở thích, niềm đam mê của ông đang bị bó buộc khi 3 năm nay, ngày hội đình làng ở phường Hòa Minh vẫn tổ chức linh đình, nhưng các làng không thể mời đoàn tuồng về diễn do kinh phí quá eo hẹp.

Ông Bảy Phùng say mê nói về Tuồng.

 

Ở các nơi khác có diễn tuồng, anh con trai của ông lại đưa cha đi xem hát, đánh trống chầu. Anh Nguyễn Đình Hùng cũng thích tuồng, thích đánh chầu, nhưng trong gia đình ngoài bộ ba ông Bảy Phùng, anh và bà mẹ, không ai có niềm đam mê với tuồng đến mức bỏ cả công việc lặn lội đi xem. Ông Bảy Phùng cho rằng: “Phim chiếu trên ti-vi hằng ngày, xem nhiều thì sẽ hấp thụ được; còn tuồng cả năm không được xem lấy một lần thì làm sao mà thích được”.

Hiểu về tuồng mới duy trì được tuồng

Anh Phạm Đình Tiên, phụ trách văn hóa ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết, hằng năm, sau Tết Nguyên đán, hoặc ngày tổ chức lễ hội Cầu ngư (3 năm 1 lần), Hội Người cao tuổi và phường vẫn mời các đoàn hát tuồng về diễn phục vụ miễn phí bà con. Nhưng người xem khoảng trăm người, chủ yếu là những cụ cao niên, còn lại là nhóm trẻ con bu quanh sân khấu. Chúng đi xem bởi thấy lạ chứ không hiểu. Thanh niên thì dường như rất hiếm.

Ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cũng cho rằng, mỗi lần mời đoàn tuồng, chỉ có khoảng 200-300 người xem, trong khi cả làng có vài ngàn người, buổi diễn vì thế không thể phục vụ đáp ứng cho tất cả mọi người, thu không đủ bù chi. Tại lễ hội đình làng, buổi diễn chỉ còn kéo dài được 30-45 phút bằng trích đoạn hát Phúc-Lộc-Thọ chúc đầu năm, làm vui lớp người cao tuổi, sau đó chuyển sang ca nhạc cho lớp trẻ. Để lớp trẻ hiểu được tuồng, các đoàn tuồng nên giảm nhẹ tính kinh doanh, biểu diễn mang tính phục vụ để lớp trẻ được xem và hiểu được tuồng thông qua các trích đoạn và có người diễn giải cho các em hiểu như chương trình sân khấu học đường được triển khai hiện nay.

Khán giả hiểu về tuồng mới duy trì được tuồng trong họ, đó là bài học nằm lòng không chỉ cho môn nghệ thuật cổ như tuồng, mà còn cho chèo, ca trù, hát trống quân... đang mai một dần trong sự lựa chọn loại hình nghệ thuật để thưởng thức của người dân.

Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chữ Hán và văn Nôm, rất độc đáo và sâu sắc nên người xem khi mới xem khó hiểu được hết nội dung. Những người có tâm huyết, muốn tuồng sống lại trong lòng người xem chỉ có thể tuyên truyền, truyền cho khán giả một nhận thức nhất định mới có thể phát triển tích Tuồng. NSND Nguyễn Đình Sanh, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, nhà hát có trong tay mươi lăm vở và hàng chục trích đoạn tuồng đạt chuẩn mực, có giá trị nghệ thuật cao trong số hàng trăm vở tuồng hay. Con số này không phải là nhiều nhưng giàn diễn viên, đạo diễn, mỹ thuật phục dựng, diễn viên múa... đều có tâm huyết với nghề. Thành phần thứ 3 làm nên sự thành công cho một sân khấu là khán giả thì người hiểu biết ít, người thờ ơ nhiều.

Với tuồng, người xem phải đạt một chuẩn mực về hiểu biết nghệ thuật, nên khi dàn dựng những vở mới, nhà hát đã thay những câu có nhiều nghĩa Hán tự, hạn chế điển tích cho dễ hiểu hơn. Nhưng những người như ông Bảy Phùng và hàng trăm người lớn tuổi còn mê tuồng hiện nay đâu có được học nhiều, biết nhiều như lớp trẻ hiện nay, nhưng họ hiểu hết các vở tuồng và có niềm say mê với nó. Có cách nào để khơi dậy niềm đam mê trong công chúng, để tuồng chủ động gần gũi khán giả thay vì chờ họ đến với nhà hát? Năm nay, đoàn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đi lưu diễn 125 buổi ở Hòa Vang, một số huyện ở Quảng Nam và nhiều phường trên địa bàn thành phố, ít hơn các năm trước. Nhà hát cũng triển khai nhiều hình thức đến với khán giả như nói chuyện về tuồng có minh họa, tiếp xúc trước buổi biểu diễn; phổ biến kiến thức về tuồng trên các kênh truyền hình, nhưng còn nhiều lý do, nên người xem vẫn chưa tiếp cận được nhiều với chương trình này. Nhà hát cũng đã in những tờ post giới thiệu các trích đoạn tuồng (bằng 2 tiếng Anh-Việt) cho khán giả là khách du lịch trong suốt gần 10 năm nay. Hi vọng sắp tới, khi Nhà hát có chương trình biểu diễn phục vụ du khách 2 buổi/tuần, các vở tuồng “sống” lại, sân khấu kéo màn thường xuyên, người xem cũng sẽ tìm đến...

Chia tay chúng tôi, ông Bảy Phùng mong muốn tìm mua được vài đĩa CD hoặc VCD tuồng để xem, thay cho món ghiền được đánh trống chầu. Ông bảo các vở tuồng không được thu đĩa, không có trên ti vi cũng như trong thực tế thì huống gì lớp trẻ chưa biết làm sao bảo chúng thích? Như ông gần cả đời người gắn với tuồng, đến già mà không được thỏa ước nguyện, thấy tiếc cho ông và nhiều người mê tuồng quá!.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.