.

“Nhật ký chiến trường” của nhà văn Phan Tứ: Vẫn mãi còn tính thời sự

.

Sau gần 5 năm làm việc, bà Phan Thị Minh (cháu ngoại nhà yêu nước Phan Châu Trinh - chị gái của nhà văn Phan Tứ) đã dịch thuật và “giải mã” hoàn chỉnh 51 tập “Nhật ký chiến trường” (NKCT) của nhà văn Phan Tứ. Đây là tập bản thảo được nhà văn Phan Tứ viết bằng 4 thứ tiếng, ghi chép lại mọi sự kiện diễn ra xung quanh 5 năm ở chiến trường miền Nam (từ 1961 đến 1966). Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, bà Phan Thị Minh dành cho ĐNCT cuộc trao đổi dưới đây.

Bà Phan Thị Minh bên xấp bản thảo “Nhật ký chiến
trường” của nhà văn Phan Tứ.

* Thưa bà, trong thời gian vừa qua, bà đã tiến hành việc dịch thuật ra sao? Dịch tác phẩm một nhà văn Việt Nam ra tiếng Việt, có lẽ đây là trường hợp đầu tiên?

- Trước khi tiến hành công việc, do đặc điểm các tập bản thảo NKCT viết trên khổ giấy rất nhỏ, tự đóng bằng những trang vở học sinh gấp đôi, nên từ nhiều năm trước, tôi đã đề nghị với gia đình Phan Tứ phải phóng to ra giấy A4, để sẵn, sợ thời gian làm phai mực, không đọc được thì rất phí.

Từ năm 2006 đến nay, tôi hoàn toàn tập trung thời gian cho công trình này. Tính đến nay, toàn bộ 51 tập đã được dịch thuật hoàn chỉnh, biên tập, hiệu đính thành 33 tập (bản vi tính, khoảng 4.000 trang khổ A4).

Dịch tác phẩm một nhà văn Việt Nam ra tiếng Việt nghe hơi kỳ. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên và hy hữu. Thế nhưng, bản thảo của Phan Tứ để lại có đến 2/3 nội dung viết bằng tiếng Pháp; một số tên người, địa danh thì viết bằng tiếng Lào; một số ít ghi chú viết bằng tiếng Nga, tiếng Anh. Tiếng Việt thường chỉ dùng trong các trường hợp trích dẫn những câu ca dao, ngạn ngữ… nhặt được từ các vùng đất nhà văn đi qua. Bản thảo này, Phan Tứ viết riêng cho mình, và muốn giữ bí mật những ghi chép đang diễn ra ở chiến trường. Có lẽ Phan Tứ phòng trước mọi tình huống có thể xảy ra, để bảo mật và giữ gìn những thông tin cá nhân và cả những sự kiện diễn ra xung quanh, nên đã chọn ngoại ngữ ghi chép.

Một trang bản thảo “Nhật ký chiến trường”.

.

Tôi tự lo phần dịch tiếng Pháp. Người con tôi giúp phần dịch tiếng Nga. Tiếng Lào may mắn được ông Trần Phát, một cán bộ từng hoạt động ở Lào, giúp hoàn tất rất chu đáo thì ông vừa qua đời (cách đây hơn 1 tháng). Tất cả 51 tập Nhật ký sau khi dịch và hiệu đính xong, tôi đã chuyển cho nhà văn Thanh Quế (chủ biên công trình) đọc lại, biên tập, cắt bỏ những đoạn rườm rà không cần thiết.

Cái khó nhất là dịch xong, phải sửa như thế nào cho đúng với văn phong Phan Tứ. Quá trình sửa chữa công trình này là rất công phu. Bởi vậy, trong suốt thời gian qua, hầu như tôi gác hẳn lại mọi công việc khác. Mỗi đêm, tôi đều gắng ngủ sớm, để đến khoảng 2 - 3 giờ thức dậy (ngồi hẳn trong mùng ) làm việc đến sáng. Tôi nay đã 85 tuổi, làm việc như vậy có hơi vất vả, nhưng nhờ sự thích thú nên mọi việc cũng vượt qua. Hơn nữa, những trang viết của Phan Tứ làm tôi rất xúc động, lôi cuốn tôi thực sự. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với trang viết của nhà văn để lại.

* Bà có thể tiết lộ nội dung chính bản thảo này có những vấn đề gì nổi bật?

- Phan Tứ viết để làm tư liệu cho mình, nên ghi chép rất tỉ mỉ, liên tục. Đây là thời kỳ chiến trường miền Nam ở giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến, nhiều trận đánh lớn diễn ra khắp nơi, ác liệt và gian khổ. Ghi chép của Phan Tứ thể hiện rõ bối cảnh ấy và bộc lộ nhiều đánh giá, suy nghĩ rất sâu sắc. Chẳng hạn, về vấn đề tình cảm của chị em phụ nữ ở chiến trường, Phan Tứ không tán thành khi bị gò ép quá khắt khe.

 

Đối với trẻ em tham gia chiến đấu, cậu ấy không đồng tình. Phan Tứ cũng nêu nhiều nhận xét về cán bộ, kể cả các cấp lãnh đạo (có khi viết xong rồi, ở những đoạn sau ông lại viết bổ sung, cho rằng trước đó mình đánh giá hơi quá!). Song nổi bật nhất qua các trang viết là tấm lòng ngay thẳng, nhân hậu của Phan Tứ đối với con người, với đồng bào, đồng chí... Phan Tứ luôn đau đáu nỗi đau trước những hoàn cảnh đau thương của người dân, người chiến sĩ trong chiến tranh với những thiếu thốn, gian khổ, những mất mát, hy sinh...

* Thưa bà, đến bao giờ NKCT của Phan Tứ có thể ra mắt bạn đọc?

- Từ lâu nay, gia đình, bạn bè và những người thân của nhà văn Phan Tứ rất muốn công bố tư liệu quý này, nhưng theo tôi không nhất thiết vội vàng. Bởi tôi tin rằng, tác phẩm NKCT vẫn mãi mãi còn tính thời sự. Tôi vẫn muốn đọc kỹ, đề nghị ban chủ biên gọt dũa, cắt bớt thêm một lần nữa, còn khoảng 1.500 trang. Dự kiến, giữa năm 2010 ấn hành là phù hợp.

Nhà văn Phan Tứ tên khai sinh là Lê Khâm, sinh ngày 20-12-1930 tại thị xã Quy Nhơn (nay là TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Chánh quán: xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông mất ngày 17-4-1995 tại TP Đà Nẵng.

Phan Tứ gia nhập quân đội năm 1950 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp Trường Lục quân (Thanh Hóa) rồi sang Lào chiến đấu trong quân tình nguyện Việt Nam. Tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1958 ông theo học Đại học Tổng hợp. Năm 1961 vào chiến trường B làm cán bộ văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Năm 1966 ra Bắc chữa bệnh, sau đó giữ chức quyền Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giải phóng.
 
Ông đã từng là ủy viên đảng đoàn Văn nghệ Khu 5, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, ủy viên Ban Thư ký (Ban Thường vụ) Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III), Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội khóa 8.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Bên kia biên giới (tiểu thuyết, 1958), Trở về Hà Nội (truyện ngắn, 1960), Trên đất Lào (bút ký, 1961), Gia đình má Bảy (tiểu thuyết, 1968), Trong đám nứa (truyện ngắn, 1968), Măng mọc trong lửa (bút ký, 1972), Mẫn và tôi (tiểu thuyết, 1972), Trại ST 18 (tiểu thuyết, 1974), Trong mưa núi (hồi ký, 1984, 1985), Người cùng quê (tiểu thuyết 3 tập, 1985), Sông Hằng mẹ tôi (dịch, tiểu thuyết Ấn Độ, 1984).


TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.