.
NSƯT Minh Phương:

Yêu chèo không kể tuổi

.

Những nghệ sĩ chèo nổi tiếng và uy tín rất coi trọng Minh Phương, một nghệ sĩ chèo không được đào tạo cơ bản, chỉ nhờ mẹ luyện, tự học mà thành tài. Với giọng hát đằm thắm, có cái chất riêng, mộc mạc, giản dị như bờ tre, ruộng lúa, cánh cò những miền quê xa ngái, Minh Phương sinh ra như thể cho chèo.

Là con gái của NSƯT Thúy Mơ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, Minh Phương thừa hưởng tố chất của mẹ, nên có chất giọng đằm thắm, được đánh giá là một trong số ít ỏi những giọng chèo trẻ hay nhất nước. Hơn 30 năm tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề, Minh Phương đã sở hữu một “kho” giải thưởng, là kết quả cho những đóng góp, những cố gắng và tài năng của chị.

Ít người biết rằng, Minh Phương đã không qua một trường lớp nào, chỉ nhờ vào sự khổ luyện của bản thân và sự rèn cặp của một người mẹ tâm huyết với chèo mà thành tài. NSƯT Thúy Mơ nói rằng, nếu con bà được học hành tử tế, hoặc có điều kiện rèn cặp sớm hơn, Minh Phương sẽ còn phát huy khả năng thêm nữa. “Học hết lớp 4 ở trường làng, lên lớp 5 tôi đưa em ra Hải Dương học, rồi để em sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi thành phố. Ban đầu không có ý định cho con theo nghề của mẹ đâu, nhưng nhiều người khen nó có chất giọng. Thế là tôi rèn cặp, rồi đưa vào Đoàn chèo Hải Dương” - NSƯT Thúy Mơ tâm sự.

Ngày nhỏ, khi được nghe giọng chèo của các nghệ sĩ Như Hoa, Kim Đức, cô bé Minh Phương đã lấy đó là những tấm gương để phấn đấu. Sau này, nghe nghệ sĩ Hồng Ngát hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chị đã mơ ước một ngày nào đó trở thành diễn viên của Đoàn Ca nhạc của Đài. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực.

Chị đã chọn chèo hay chèo chọn chị? Minh Phương bảo, khi sinh ra thì chèo đã có ở trong máu chị, hay chính cái gen chèo của mẹ đã truyền sang. Chị sẽ chung thủy với chèo suốt đời. Điều đó như là một định mệnh không thể nào khác.

Năm 2007, Minh Phương được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, và đến cuối năm đó chị chuyển ra Hà Nội, làm việc ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều đó khiến nhiều cán bộ ở Đoàn chèo Hải Dương tiếc nuối. Ra Hà Nội, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hơn, công việc an nhàn hơn, Minh Phương càng có cơ hội làm nghề và tỏa sáng. Một người phụ nữ không ít truân truyên đường tình duyên, giờ có điều kiện chăm sóc gia đình và làm chèo. Tuy nhiên, trong đầu chị lúc nào cũng có sự ưu ái cho chèo. Chị hát say sưa, như người lên đồng và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Với chất giọng dày, ấm, nền nã, những làn điệu chèo qua sự thể hiện của chị trở nên nồng nàn, sang trọng. Nhắc đến Minh Phương là người ta nhớ đến một thị Phương đoan trang, nết na, thảo hiền trong Trương Viên; một Ngọc Liên đằm thắm đôn hậu trong Nam dược thánh nhân; một Dịu Hiền nồng nàn trong tình yêu của vở Hai giọt nước.

Tài năng của Minh Phương trên sân khấu là khả năng không chỉ làm khán giả rơi nước mắt, mà những đồng nghiệp của chị cũng thấy rưng rưng. Một đời diễn viên, không phải vai diễn nào cũng thành công và sự hóa thân nào cũng xuất sắc. Xem Minh Phương diễn, những nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp như Doãn Hoàng Giang, Văn Báu đánh giá cao sự nhuần nhuyễn rất nghề, rất đạt.

Minh Phương nói rằng, nghệ thuật chèo đang được khôi phục và dần lấy lại được chỗ đứng trong lòng khán giả. Chị cũng mong điều đó diễn ra càng nhanh càng tốt. Các nhà nghiên cứu chèo vẫn tranh cãi rằng có nên cách tân chèo hay không. Những nghệ sĩ chèo say nghề như Minh Phương vẫn đang cùng lúc vừa làm chèo truyền thống vừa làm chèo hiện đại.

Minh Phương đã ra 2 allbum “Khúc hát sông quê” vol 1 và vol 2 và đều được đón nhận. Giọng hát của chị được đánh giá là thể hiện rất tốt ở dòng dân ca Bắc bộ. Trong allbum vol 2, Minh Phương mạnh dạn tìm tòi thể hiện một số ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung như Em yêu anh như yêu câu ví dặm, Giận mà thương, Hà Tĩnh mình thương. “Trong album vol 2 tôi lại chọn ca khúc Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo như một bài hát chủ đạo. Vì tôi thực sự có duyên với bài hát này”. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã rất bất ngờ khi biết rằng ngoài Anh Thơ, còn một ca sĩ thể hiện cũng rất thành công ca khúc này của ông.

Cũng như mẹ mình, Minh Phương nhận thấy chèo là loại hình nghệ thuật cao cấp, được đệm bởi 8 loại đàn, cùng lúc quyện vào nhau. Chèo lại hội tụ đủ bốn yếu tố: ca, vũ, nhạc, kịch mà lớp diễn viên chèo trẻ bây giờ mấy ai hiểu được. Chèo là phải xem, phải nghe mới mê, nhất là nghe những bài thảm sầu. Ca từ tác động vào sâu thẳm tâm hồn người, khiến người nghe có thể khóc, lại có thể cười ngặt nghẽo.

Ở đất nước ta, không thiếu những em nhỏ cũng đang thắp những ước mơ để đến với nghệ thuật chèo. Tin rằng, sẽ có những nghệ sĩ thành công như Minh Phương, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường của hoa thơm và trái ngọt.

- Năm 1992-1993: Huy chương vàng (HCV) Cuộc thi giọng hát chèo, tuồng hay tổ chức tại Hải Dương cho diễn viên trẻ tuổi nhất; HCV trong vai Cúc Hoa vở Tống Chân - Cúc Hoa tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay tổ chức tại Ninh Bình; giải nhì, không có giải nhất cuộc thi giọng hát hay (dòng dân gian) do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

- Năm 1994: HCV và giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn Dịu Hiền trong vở Hai giọt nước tại Hội diễn Sân khấu miền duyên hải tổ chức tại Thái Bình.

- Năm 2001, HCV và giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất trong vai thị Phương trong vở Trương Viên tại Hội diễn các vở chèo cổ tại Quảng Ninh.

- Năm 2005, HCV và giải diễn viên tài năng trẻ cho vai Ngọc Liên trong vở Nam dược thánh nhân tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp tổ chức tại Quảng Ninh.


NGUYỄN VĂN HỌC

;
.
.
.
.
.