.

Tai nghe súng nổ cái đùng...

.

Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua. Thoạt nghe câu ca này, ai cũng nghĩ rằng những người da trắng đầu tiên nổ súng gây hấn với Việt Nam là người Pháp và Tây Ban Nha trong vụ tấn công vào Đà Nẵng năm 1858. Thật ra, người Mỹ mới là tác giả của vụ “nổ cái đùng” đầu tiên tại Vũng Thùng vào 13 năm trước đó...

Thuận Phước, cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam, được xem như là biểu tượng đón chào thuyền bè vào cửa vịnh Đà Nẵng.

Sự kiện diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 1845, khi chiến hạm USS Constitution của Hải quân Hoa Kỳ, trên chuyến hải hành 2 năm vòng quanh thế giới, dừng lại Vũng Thùng, một tên gọi khác chỉ vịnh Ðà Nẵng, để xin cung cấp thực phẩm và nước ngọt. Tại đây, Hạm trưởng John Percival đã xin phép quan trấn thủ thành Ðà Nẵng được đưa lên đất liền chôn cất một thủy thủ của mình vừa qua đời.

Được đóng tại Boston vào năm 1794, hạ thủy năm 1798, Constitution là chiến hạm đầu tiên và lừng danh nhất trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ. Trong chuyến hải hành phục vụ như là đại sứ thiện chí vào năm đó, Constitution có một thủy thủ tên là William Cook – một thành viên của ban nhạc trên chiến hạm.

Ngày 10 tháng 5 năm 1845, người nhạc công trẻ này chết trên chiến hạm vì bệnh kiết lỵ. Constitution tiến vào Tourane, nay là Ðà Nẵng, thả neo bên ngoài vịnh, xin cung cấp thực phẩm, nước ngọt và chôn cất William Cook. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, Cook được an táng trên một mảnh đất nhỏ dưới chân núi trên bán đảo Sơn Trà trong sự hợp tác nhân đạo giữa hai quốc gia Việt - Mỹ lúc bấy giờ.

Mọi việc sẽ rơi vào quên lãng, nếu như đầu những năm 90 thế kỷ trước, Dennis M. O’Brien, một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam từng đóng quân ở Ðà Nẵng, không bắt gặp đoạn kể về chuyến ghé lại 16 ngày của Constitution tại Việt Nam trong biên niên sử sinh động của Tyrone Martin viết về chiến hạm lừng danh này: “Thành Sắt cổ, Chiến hạm May mắn nhất” (Old Ironsides, A most Fortunate Ship). Nhờ đó, câu chuyện về William Cook đã có một “happy ending” – kết thúc có hậu.

Nhưng trước tiên, hãy tiếp tục câu chuyện của Hạm trưởng John Percival với sự kiện “nổ cái đùng”.

George Thomas, thợ mộc trên Constitution, đã ghi lại trong nhật ký của mình: “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với tất cả những nghi lễ cần thiết”. Thế nhưng chỉ ba ngày sau, ngược với thiện chí mà chiến hạm Constitution đang thực hiện, Hạm trưởng John Percival đã đưa chiến hạm vào cuộc chiến chống lại Việt Nam khi bắn những viên đạn đầy giận dữ ngay trên vịnh Đà Nẵng.
 
Vì sao nên nỗi? Percival, qua thông tin từ một thông dịch viên, nhận được kêu cứu của một nhà truyền giáo người Pháp đang bị triều đình kêu án tử hình. Phẫn nộ, viên hạm trưởng đã thể hiện quyết tâm đòi trao trả tự do cho nhà truyền giáo bằng một loạt hành động gây hấn, trong đó có việc cho bắn vào lính và dân chúng.

Đối phó với thái độ giận dữ của Percival, quan quân triều đình diễn hành dọc bờ biển ngày càng đông, các tàu buồm võ trang đã được đưa đến các cửa khẩu dẫn vào Ðà Nẵng. Thấy kế hoạch hăm dọa của mình bị phá sản, Percival hạ lệnh nhổ neo rời vịnh Đà Nẵng và không quên bắn một loạt súng cuối cùng để bày tỏ thái độ bất đồng. Percival ra đi mà lòng đầy tức giận, nhưng liệu có nghĩ rằng mình vừa để lại một thủy thủ mồ yên mả đẹp nhờ sự đối xử nhân đạo của quan quân bản xứ?

Chiến hạm USS Constitution đã trở thành viện bảo tàng tại Boston. (Ảnh: Internet)

.

Và, điều mà viên hạm trưởng hẳn đã không ngờ tới là hơn 150 năm sau, đồng hương của ông lặn lội đi tìm người mà ông đã bỏ lại.

Cựu binh Mỹ Dennis M. O’Brien, sau khi đọc nhật ký hải trình của Constitution, một tập bản vẽ sơ sài và ba bài báo do các thủy thủ của chiến hạm này còn lưu được, cùng với hai người bạn lên kế hoạch đi tìm William Cook. Câu chuyện đã được nhà báo Peter Kneisel của Tạp chí Boston Globe ghi lại trong thiên phóng sự “The Search For Seaman Cook” (Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook), được dịch giả Trần Trung Ðạo chuyển Việt ngữ với tít “Ðà Nẵng, nơi an nghỉ của người lính Mỹ đầu tiên”.

Một cư dân Đà Nẵng, ông Đặng Hòa, chủ thuyền du lịch Hàn Giang đã trực tiếp đưa nhóm người này tìm mộ William Cook, kể lại: “Sau hai ngày lội bộ không kết quả, họ đã thuê thuyền chúng tôi ra biển. Họ xác định lại tọa độ nơi con tàu năm xưa đã thả neo trong vịnh theo nhật ký hải trình để lại. Thuyền chúng tôi cập bờ theo hướng dẫn của họ, và thật bất ngờ, họ xác định là đã tìm ra mộ của William Cook! Đó là một cái miếu nhỏ nằm trên bãi Tiên Sa”.

Đó là ngày 16-4-2000, ngày đã đi vào những dòng đầy cảm xúc của ký giả Peter Kneisel: “Chúng tôi, cuối cùng, đã được một phút yên lặng với William Cook”, sau khi phát hiện ra “một ngôi mộ được chôn cất đúng vào nơi đã được ghi nhận. Tấm bia khắc tên Cook được đặt trong một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi một bờ đá thấp”.

Mộ của William Cook bên vịnh Đà Nẵng. (Ảnh chụp lại từ sổ tay “Du lịch sông nước Đà Nẵng” của ông Đặng Hòa)

Những diễn tiến quanh sự kiện chiến hạm Constitution vào vịnh Đà Nẵng năm 1845 đã khiến cho Hạm trưởng John Percival trở thành người Mỹ (và phương Tây, nói chung) đầu tiên bắn phát súng vào Việt Nam và nhạc công William Cook trở thành người lính Mỹ đầu tiên được chôn cất trên đất Việt Nam. Sự kiện này tuy ít được nhắc tới, bởi nó không lớn so với vụ “nổ cái đùng” của liên quân Pháp - Tây Ban Nha cũng tại Vũng Thùng 13 năm sau đó, nhưng đã đưa vịnh Đà Nẵng vào lịch sử bang giao giữa hai quốc gia Việt - Mỹ.

Năm 1965, đúng 120 năm sau khi người lính không cầm súng William Cook yên nghỉ bên vịnh Đà Nẵng, những người đồng hương của ông lại đổ bộ lên vùng đất này và nổ rất nhiều phát súng trong cuộc chiến kéo dài bảy năm với Việt Nam. Nhưng rồi, những đổ vỡ, mất mát vì bom đạn đã thành chuyện của ngày hôm qua. Vịnh Đà Nẵng, với sứ mệnh được lịch sử giao phó, đã đón nhận những vụ “nổ cái đùng” với tàu đồng đạn sắt của phương Tây để tạc dáng anh hùng trong lòng dân tộc. Có điều, tất cả đã trầm tích thành những vỉa quặng lịch sử - văn hóa kỳ bí mà con người thì vẫn chưa tận lực khai quật để từ đó hé lộ những giá trị vô giá cần lưu giữ cho bây giờ và mãi mãi.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.