1- Có một thời nhà trường phổ thông của chúng ta đề ra nhiệm vụ “ba dạy”: dạy chữ - dạy người - dạy nghề với mục đích chính là nhằm khắc phục tình trạng nhà trường chỉ lo dạy chữ mà sao nhãng dạy người và dạy nghề, đặc biệt là sao nhãng dạy người. Gần đây tôi có đọc lại Phan Bội Châu và phát hiện một điều khá thú vị là ngay từ đầu thế kỷ XX, ông cha ta đã từng ngẫm nghĩ về chuyện này.
Trong bài thơ của Phan Bội Châu viếng thầy là cụ Cử Nguyễn Thức Tự có câu: Kinh sư dị đắc - Nhân sư nan tầm (Thầy dạy chữ nghĩa dễ kiếm - Thầy dạy làm người khó tìm). Như vậy là cụ Phan xứ Nghệ phân biệt hai người thầy giáo: kinh sư - thầy dạy chữ với nhân sư - thầy dạy người và đánh giá cao thầy dạy người. Khi được hỏi văn chương có đáng thờ không, Nguyễn Văn Siêu - người cùng thời với Cao Bá Quát - cũng đã trả lời: Văn chương có hai loại: loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương; loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Tất nhiên ý Nguyễn Văn Siêu là nhà văn muốn được thờ, được đánh giá cao thì chủ yếu là phải có tinh thần nhân bản, phải khám phá cho được chất người trong bản thân con người, nhưng trước hết và nhất thiết vẫn phải tạo ra cho được chất văn trong bản thân văn chương.
Tương tự, Phan Bội Châu chắc cũng không đối lập theo kiểu loại trừ giữa kinh sư - thầy dạy chữ với nhân sư - thầy dạy người. Cho nên có lẽ nan tầm - khó tìm nhất là một thầy giáo vừa là kinh sư vừa là nhân sư, vừa giỏi dạy chữ vừa giỏi dạy người, đúng hơn là biết dạy người qua dạy chữ và quan trọng hơn là qua chính nhân cách của mình - vì thế trong trường học mới có câu khẩu hiệu: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, người thầy giáo được mệnh danh là kỹ sư tâm hồn và nghề dạy học được sánh ngang với việc trồng người - ở Đà Nẵng trước đây có một trường học mang tên là Thọ Nhơn (chữ Hán thọ nghĩa là trồng).
2- Có người hỏi tôi làm thế nào để người thầy giáo thực sự là động lực đối với sự phát triển của nền giáo dục hiện nay? Tôi trả lời rằng muốn vậy thì có nhiều việc phải làm, nhưng việc trước tiên là phải thấy rõ xã hội đang làm cho người thầy giáo trở thành trở lực như thế nào đối với sự phát triển của nền giáo dục hiện nay - mà rộng hơn và suy đến cùng là của đất nước hiện nay. Tất nhiên, bản thân người thầy giáo cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này. Khoa học giáo dục ở một số nước tiên tiến đã đưa ra lời khẳng định có thể gây shock: Đặc điểm của người thầy giáo là tính bảo thủ và chính vì thế mà họ thường là trở lực đối với những cải cách về giáo dục.
Mới nghe qua thì đúng là dễ cảm thấy shock, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì đây lại là điều không quá khó hiểu. Người thầy giáo vốn được xem là mô phạm, nơi đào tạo thầy giáo là trường sư phạm. Bỏ qua kiểu chơi chữ mang tính tự trào như là đi mô cũng phạm, ăn như sư ở như phạm, có thể thấy tính chất mô phạm là nguyên nhân dẫn tới tính bảo thủ nêu trên. Chữ Hán mô - bộ mộc nghĩa là cái khuôn hình vuông, chữ Hán phạm - bộ trúc nghĩa là cái khuôn hình tròn (lấy đất làm khuôn gọi là hình - bộ thổ, lấy kim loại làm khuôn gọi là dong - bộ kim, lấy tre làm khuôn gọi là phạm), cho nên mô phạm một mặt làm cho người thầy trở nên mẫu mực, nhưng mặt khác cũng dễ làm cho tư duy người thầy cứng nhắc, thích ổn định, ngại thay đổi và dường như cảm thấy xa lạ với cái mới.
3- Có lần nhà văn Nguyên Ngọc kể với người viết bài này: Mình nhớ hồi học phổ thông, bọn mình may mắn gặp được một thầy giáo rất giỏi là thầy Đoàn Nồng dạy Quốc học Huế. Ngay hôm đầu tiên vào lớp, ông bảo bọn mình: Các anh chị đến đây là để học cách học. Vậy đó, qua dạy kiến thức, ông chủ yếu dạy bọn mình cách học, tức cách chủ động tư duy độc lập, tự mình đi tìm lấy tri thức. Ông bảo: Có ai ngồi ở trường được suốt đời đâu, vậy phải học cách học, để rồi tự mình sẽ học suốt đời. Ông cũng không bao giờ dạy cho bọn mình hết chương trình, mà chỉ dạy chừng hai phần ba, phần còn lại để bọn mình tự học lấy…
Ngược lại có một cô giáo trẻ ở Hà Nội than phiền với người viết bài này rằng học trò thời nay hư hỗn quá và dẫn chứng rằng có học sinh sau khi nghe cô kể chuyện Phạm Ngũ Lão làng Phù Ủng ngồi đan sọt ở giữa đường, vì mải nghĩ việc nước nên khi quân triều đình hò hét bảo Phạm Ngũ Lão đứng lên tránh lối cho xe Trần Hưng Đạo đi qua, thậm chí dùng giáo đâm vào đùi đến chảy máu mà Phạm Ngũ Lão vẫn như không hề hay biết, đã dám thắc mắc: “Thưa cô, làm sao mình biết ông Phạm Ngũ Lão lúc đó đang nghĩ việc nước? Ngộ nhỡ ông ấy đang nghĩ tới người yêu thì sao ạ?”. Hai người thầy giáo với hai cách ứng xử khác nhau, vậy ai thực sự là động lực và ai vô tình tự biến mình thành trở lực đối với sự phát triển của nền giáo dục, hẳn cũng không quá khó để trả lời…
Bùi Văn Tiếng