.

Thương kẻ thiệt thà

Có tuổi rồi, tôi thường đi xe ôm với một anh trông từ tốn, thiệt thà. Nhưng lâu không thấy anh đầu ngõ. Một hôm tình cờ gặp lại. Trông anh không còn dấu vết xe ôm nữa. Quần áo thẳng li, ngồi trước máy vi tính, điện thoại cầm tay... Hai người cùng ồ, cùng à, rồi anh kéo tôi vào văn phòng: “Bác làm ly cà phê”. Không ngờ chỉ quen nhau qua mấy chuyến xe ôm mà anh bạn ra chiều tình nghĩa quá. Tôi tò mò:

- Vậy là anh bỏ xe ôm?

- Nói là bỏ thì tội nghiệp cái xe đấy. Nhờ nó mà cháu cầm cự được mấy năm cho thằng lớn nó vào đại học.

- Rồi còn mở thêm được cửa hàng.

Anh bạn phá lên cười.

- Xe ôm mà đẻ ra cửa hàng thì thiên hạ làm nghề xe ôm ráo. Quê nhà cháu, Nhà nước làm cầu, địa phương trổ đường. Vậy là thẻo đất trồng mấy cây chuối còi bỗng dưng ra mặt tiền. Ông cụ vừa liều hô một phát là thằng cha xăm đất rút ngay nửa tỷ, tặng ông cụ. Về quê ông cụ tỏ bày:

- Tao sinh ra mày mà chả có gì cho mày dựng nghiệp. Bỗng dưng như của trời cho, mày cầm lấy cả bọc này, xem có dùng được việc gì không.

Nhưng cháu chỉ xin tạm vay ông cụ một thời gian. Cháu lóe lên ý nghĩ mở cửa hàng vật liệu xây dựng. Cháu là thằng thợ xây có dư hai mươi năm nghề. Chẳng may Nhà nước không việc làm nên phải ôm ách qua ngày. Sắt thép, gạch, xi măng... cháu thồ tất. Xi măng thì chẳng nhằm nhò gì, nhưng phải giữ như cái mồi, còn sắt thép thì lên cứ như thằng cha động kinh. Ngủ một giấc, sáng ra sắt nó đã nhảy thêm vài giá. Tính sơ sơ, hàng tồn kho cũng lãi chênh vài triệu. Nay mai nhà bác có sửa sang lại nhà cửa, cứ ra chỗ cháu. Bác cầm lấy cái cạc vi-dít.

Nhìn cái cạc, có học vị kỹ sư hẳn hoi, có chức danh giám đốc, có NR, có E-mail, rồi có đủ ngành nghề ngăn vách, làm trần, sơn bả, nghĩa là từ A đến Z, tôi tần ngần, anh hề hề giải thích:

- Nó chỉ là cái cạc để giải quyết một chút khâu oai, mạ kền cái cửa hàng sắt vụn này thôi. Chẳng ai hơi đâu lục vấn bắt tội cái thằng bán sắt rỉ vì một cái cạc. Nhưng cũng thưa luôn với bác, trong nghề xây dựng, không mấy kỹ sư am hiểu vật liệu hơn cháu. Trên thị trường bây giờ có tới chục loại sắt thép. Dễ mấy ai phân biệt được thật giả. Nhưng cháu chỉ nhìn qua là nhận đúng mặt, không sai. Ngay cả đêm hôm, không đèn đóm, hàng qua tay là cháu gọi ngay tróc tên cúng cơm của từng loại thép. Thật giả thời nay nó bát nháo thế. Nhưng cốt sao giữ được cái tâm.

Rỗi chuyện, tôi đưa cái cạc ra nói với mấy ông bạn già. Không ngờ có ngay một bác đang trong dịp làm nhà. Bác ta khẳng định:

- Ừ, cha ấy ma lắm đấy. Có thể không là kỹ sư, nhưng khoản xây dựng thì không bịp được anh ta đâu. Vừa mấy hôm trước đi qua nhà tôi, thấy sắt vừa tập kết về nằm chỏng chơ, anh ta liền hỏi: “Bác định làm gì mà sắt thép có vẻ lộn xộn thế này. Sắt Việt-Nhật, Việt-Úc, Thái Nguyên, sắt gia công, lại có cả Lô Hội... đủ cả”. Anh ta cầm từng thanh một, phán: “Đây là sắt gia công loại mạt, cho làm chuồng gà cũng không ham. Một, hai, ba, bốn... thanh này là Lô Hội, giòn như mía. Bác gọi ngay nhà hàng đến đây”. Thằng cháu nhà tôi vốn là kỹ sư bằng cấp, bĩu môi, cãi lại.

Nhưng khi nhân viên cửa hàng đến, nghe lời lẽ rạch ròi cứng cỏi như quát tháo của anh ta, họ im re, không một lời cãi lại. Bà chủ cửa hàng một mực rối rít: “Các cháu nó nhầm, xin đổi lại bác... phiền quá...”. Sau vụ đó, mấy con tôi cắt cầu cửa hàng nọ, chuyển toàn bộ vật liệu xây cất cho anh kỹ sư - xe ôm. Nhưng anh ta một mực từ chối với lý do, “làm thế sao đặng”. Lại còn khuyên, “cứ dùng của họ, nhưng khi nào sắt về, bác bảo cháu một câu”.

Nghe có chừng ấy chuyện mà tôi đã thấy hoang mang. Đời này quả là kỳ cục. Không thể phủ nhận anh ta được: Có không ít kỹ sư, bằng cấp hẳn hoi, vậy mà mù mờ nghề nghiệp, như nhà ông bạn già nọ. Thiệt ấy là thiệt rởm. Lại có anh xe ôm nghiễm nhiên thành kỹ sư sau mười lăm hai mươi phút làm các. Vậy mà vẫn luận đàm về cái tâm, cái thực. Thật, rởm thời nay cứ lộn tùng phèo lên. Nhìn vào đâu cũng ám ảnh một cảm giác hoài nghi.
 
Thịt lợn để cả chục ngày vẫn tươi roi rói. Công trình xây dựng chưa kịp sử dụng đã sụt, lún. Ra sân thì cầu thủ đá bóng như giỡn mặt khán giả. Không ít kẻ khoác áo thanh tra mà lòng dạ hám tiền... Bao nhiêu tội tình cứ đổ riệt cho cơ chế thị trường, liệu có oan ức không. Chỉ thương cho những người thiệt thà: Người lao động thiệt thà. Người tiêu dùng thiệt thà. Sản phẩm thiệt thà, thứ thiệt giữa vô vàn đảo điên, thật giả.

NHẤT NGÔN

;
.
.
.
.
.