.

Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố: U30 rất hiếm

.

Người trẻ không mặn mà với các vị trí trưởng thôn, tổ trưởng dân phố bởi trăm thứ việc nhưng phụ cấp lại quá thấp là một thực tế, khiến việc trẻ hóa đội ngũ chính quyền cấp cơ sở ở tất cả các phường, xã hiện nay gặp không ít khó khăn.

Khó tìm người trẻ

Ông Võ Ngự (bìa phải) và ông Nguyễn Hơn, tổ trưởng tổ dân phố 24 phường Xuân Hà cùng trao đổi công việc.

Đinh Văn Mai, trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, là trưởng thôn trẻ nhất của huyện Hòa Vang cũng như thành phố Đà Nẵng hiện nay. Được bà con bầu làm trưởng thôn năm 2006, khi mới 23 tuổi, chàng trai người dân tộc Cơtu này còn được xã giao phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội và hiện Mai là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hòa Bắc. Khi được bầu làm trưởng thôn, Mai quyết tâm trở lại trường, học hết chương trình văn hóa và năm 2008, Đinh Văn Mai thi đậu vào khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Mở Hà Nội (phân hiệu tại Đà Nẵng).

Nhưng điều đặc biệt nhất ở người trưởng thôn trẻ này là ý chí quyết tâm, dám làm giàu cho mình và cho quê hương. Năm 2005, Mai nhận 5ha đất rừng và bắt đầu công việc trồng rừng, nhưng cơn bão Xangsane năm 2006 đã làm cánh rừng của Mai bị ngã đổ hoàn toàn. Không nản lòng, Đinh Văn Mai mua giống keo về gây dựng lại cánh rừng và mở rộng ra đến 15ha.

Việc Mai trồng rừng, đặc biệt là sau khi làm trưởng thôn đã tác động rất lớn đến thanh niên thôn Giàn Bí. Rất nhiều thanh niên trẻ ở đây đã mạnh dạn nhận đất, vay vốn trồng rừng. Diện tích rừng của thanh niên Giàn Bí đã lên đến gần 100ha. Và người trưởng thôn trẻ Đinh Văn Mai trở thành tấm gương cho thanh niên, người dân ở Giàn Bí cũng như nhiều thôn khác ở Hòa Bắc noi theo.

Độ tuổi chiếm số lượng đông nhất trong vị trí trưởng thôn ở Hòa Vang là từ 30-45 tuổi với 80 người/118 trưởng thôn. Ông Ngô Chí Thức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay việc tìm trưởng thôn khá khó khăn, chưa nói đến việc trẻ hóa đội ngũ vì người trẻ không muốn tham gia do họ rời quê đi học, đi làm, ít tham gia vào các hoạt động ở làng, xã. Trước đây, trưởng thôn hầu hết là người đã về hưu, là “lão nông tri điền”; hiện nay Hòa Vang có một đội ngũ trưởng thôn tuổi từ 30-45 đã là một tiến bộ trong việc người trẻ tham gia tổ chức chính trị ở cơ sở.

Ở quê đã vậy, ở phố việc tìm tổ trưởng dân phố có tuổi đời trên dưới 30 có lẽ “đỏ con mắt” vẫn chưa thấy. Theo ông Võ Ngự, cán bộ chuyên trách theo dõi tổ dân phố của phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, việc tìm tổ trưởng cho các tổ dân phố đã gay, chưa thể nói đến việc những người trẻ chấp nhận công việc đó. Họ không muốn tham gia, kể cả những cán bộ trẻ hiện đang ở khu chung cư Trần Cao Vân nằm trên địa bàn phường do người tổ trưởng phải làm rất nhiều việc, trong khi chế độ đãi ngộ thấp (trước đây 80.000 đồng/người/tháng, nay tăng lên 259.000 đồng/tháng).

Chính ông Ngự làm tổ trưởng dân phố gần 10 năm nay, ông muốn nghỉ nhưng không tìm ra người để thay thế vì ai được đề nghị cũng khéo léo từ chối. Hiện nay, tổ trưởng dân phố trẻ nhất ở Xuân Hà là một người sinh năm 1971. Ông Ngự hy vọng trong năm 2010, nếu triển khai thuận lợi công tác bổ nhiệm tổ trưởng tổ dân phố mà phường Xuân Hà sắp tới là địa phương làm thí điểm, lúc đó mới có thể trẻ hóa đội ngũ cán bộ tổ dân phố, trong độ tuổi từ 30-40.

Nhưng công tác này cũng chưa hứa hẹn sẽ suôn sẻ, khi phường đang làm công tác tư tưởng cho một đảng viên trẻ, để anh này nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng dân phố nhưng anh chưa đồng ý, còn Chi bộ cũng chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ do anh nói năng chưa chững chạc!

Cầu nối giữa người dân và chính quyền

Ông Đặng Nghệ ra đồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất vụ đông xuân với bà con.

 

Những ngày này, ông Đặng Nghệ, trưởng thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến, Hòa Vang gắn mình trên chiếc xe Honda 67, đi khắp đồng trên xóm dưới chỉ đạo người dân đẩy nhanh việc làm đồng, cày ải, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân.

Ông xắn quần ra ruộng với bà con, giải quyết từ việc to đến việc nhỏ, chiếc điện thoại cầm tay hoạt động liên tục, khi thì ông yêu cầu máy cày nhanh chóng đến cày đất, đánh bùn, khi thì ông đề nghị bà con nhanh chóng đưa nước vào ruộng... Lệ Sơn 1 là thôn lớn với gần 1.000 hộ, có 47ha đất ruộng, ông phải đi và nắm cho bằng hết để tất cả bảo đảm gieo trồng đúng lịch thời vụ, còn gần 1 mẫu ruộng của gia đình, ông đành phó mặc cho vợ.

Ông Nghệ làm công việc làng xã từ khi 22 tuổi, làm đội trưởng đội sản xuất 14 năm, làm trưởng thôn 15 năm. Ông Nghệ tâm sự “phải hy sinh quyền lợi, nghĩ đến dân trước và chấp nhận chịu nhiều áp lực khi đụng đến quyền lợi hay nghĩa vụ của bà con, bởi công việc không phải lúc nào cũng tròn trịa, khi với một công việc, người ủng hộ, người không”. Công việc bộn bề, có lúc, ông tưởng như không còn đủ sức để cáng đáng, trong khi đó, việc tìm người trẻ để thay thế là rất khó. Dường như ai cũng hiểu công việc này gắn bó cả ngày với dân, với thôn xóm, chỉ có ở trong làng mới hiểu dân mà đảm nhận công việc.

Ông Ngô Chí Thức cho rằng, sắp tới phụ cấp cho trưởng thôn sẽ tăng từ 216.000 đồng lên 316.000 đồng, con số này quá thấp trong khi địa bàn các thôn ở Hòa Vang rất rộng, như xã Hòa Bắc có 8 thôn nhưng diện tích lên đến 33.000ha; thì anh cán bộ thôn trẻ khó chấp nhận làm việc, khi chỉ tính riêng mỗi tháng các thôn phải triển khai họp một lần, chưa kể những lần họp đột xuất. Trong khi ở tổ dân phố, việc họp dân được tổ chức 3 tháng/lần mà không ai muốn làm tổ trưởng.

Bà Trần Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho rằng, trưởng thôn hay tổ trưởng dân phố giữ vị trí rất quan trọng trong vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền cấp xã cũng như các cấp cao hơn. Khi người trưởng thôn giỏi việc, cán bộ xã sẽ có rất nhiều thuận lợi để triển khai chủ trương, chính sách về với bà con. Nên việc trẻ hóa đội ngũ này sẽ rất tốt khi người dân bầu những người có năng lực, trình độ, gương mẫu và sẽ rất tốt nếu họ còn làm kinh tế giỏi để người dân nhìn theo và học hỏi...

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.