.

Truyền thuyết miếu Thất Vị

.

Ở vùng đất từng là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam xưa, có một ngôi miếu đã đi vào truyền khẩu nhiều thế hệ với các truyền thuyết lấp lánh nét văn hóa tâm linh. Hằng năm, dân làng thường tổ chức tế lễ xuân thu nhị kỳ trọng thể.

Miếu Thất Vị đã được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp tỉnh. Ảnh: Hải Uyên

Dân gian kể rằng, vào một năm nọ, làng La Qua (nay thuộc thôn Trung Phú, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ba năm liền bị hạn hán, mất mùa. Thấy thế, Diêm Vương bèn sai bảy người con gái của mình lên để cứu dân làng. Sau khi bảy nữ thần giúp dân có cuộc sống an khang, ấm no thì nạn binh đao lại xảy đến.
 
Lo sợ cho bảy người con gái của mình không đủ sức chống đỡ, Diêm Vương đưa người con trai thứ tám của mình lên giúp sức… Nhớ ơn người đã giúp mình tai qua nạn khỏi, dân làng La Qua lập một miếu thờ gọi là miếu Thất Vị để thờ bảy vị nữ thần và một am thờ nhỏ bên cạnh để thờ người con trai thứ tám của Diêm Vương.

Còn theo những vị cao niên thôn Trung Phú, thì tương truyền rằng vào năm 1814, đời vua Gia Long (1802-1820), tại gò Rừng xứ Dương Thần làng La Qua, huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn) dân làng đã phát hiện bảy tảng đá nhỏ, hình nón úp, có dạng hao hao giống mặt người, mọc kế cận nhau. Từ khi bảy hòn đá này xuất hiện, khu rừng xứ Dương Thần đã xảy ra nhiều hiện tượng thần bí và kỳ lạ, nhất là vào lúc giữa trưa và giữa đêm nên dân làng trong vùng rất hoang mang, kiêng sợ. Thế rồi, bỗng một hôm có một người từ hướng Nam đến đây, ứng khẩu xưng rằng: “Ta là vua Mây, chúa Lồi, nữ thần xuất thế để cứu độ chúng sanh”.

Sau những hiện tượng thần kỳ liên tiếp xảy ra, dân làng càng sùng tín gấp bội nên đặt lễ cúng trang trọng, đồng thời lập miếu thờ nhỏ bằng tranh tre gọi là miếu Dương Thần hay miếu Thất Vị, mặt quay ra đường theo hướng Nam – Tây Nam. Khoảng 30 năm sau, vào năm Thiệu Trị thứ ba (1843), dân làng La Qua đã tự nguyện góp công góp của trùng tu lại ngôi miếu với tường xây bằng gạch, mái lợp ngói, sườn bằng gỗ có chạm trổ hoa văn và khắc thời điểm tu tạo: “Giờ Đinh Mão, ngày 18 Kỷ Mùi, tháng 7, năm Quý Mão (1843 – ĐNCT)”.

Bấy giờ, La Qua là nơi giao lưu, buôn bán giữa nhân dân các làng trong vùng. Người ta kể rằng, trong số đó có người dân phường rối Đông Yên, Thanh Chiêm thường hay ghé lại trú mưa tránh nắng, họ phóng uế bừa bãi trước hướng miếu nên bị các nữ thần quở trách, làm cho đau ốm liên miên. Các bệnh nhân tự ứng khẩu khai rõ lý do lâm bệnh nên thân nhân họ đến miếu Thất Vị cầu xin thì bệnh tình mới thuyên giảm. Cũng có vài trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến bệnh nặng, cầu cúng mãi cũng không thuyên giảm nên tử vong…

Sự linh ứng ngày càng kỳ lạ này khiến cho dân làng càng thêm kinh sợ, không một ai dám đi ngang qua miếu vào buổi trưa hay khi đêm xuống. Chuyện đến tai quan phủ, quan bèn triệu lý trưởng làng La Qua đến hỏi thực hư, truyền phải làm lễ cầu an và đổi hướng cho ngôi miếu. Tuân lệnh, chức sắc trong làng mời toàn thể dân làng đến họp bàn việc trùng tu, tôn tạo và đổi hướng cho miếu. Không những dân làng La Qua mà các quan văn, võ trong tỉnh đường, chức sắc các làng lân cận cũng hiến cúng tiền bạc, trong đó có cả quan đầu tỉnh là Tổng đốc Nam - Ngãi Hồ Đắc Trung…

Miếu được khánh thành vào ngày lành tháng 4 năm Ất Tỵ (Thành Thái thứ mười bảy – 1905), mặt quay về hướng Bắc – Đông Bắc. Miếu được xây dựng kiên cố, có hậu tẩm, tiền đường, bình phong. Bảy tảng đá tượng trưng cho bảy vị nữ thần được các vị tăng sư ở Hội An (do dân làng mời) lên đắp thành tượng đất, sơn vẽ sắc phục và dung nhan trông rất uy nghi. Tảng đá thứ tám cũng được lập miếu và đắp tượng cạnh đó, gọi là miếu Ông hay miếu Cậu Út. Tượng Ông đến năm 1952 bị hư, một người dân trong làng là ông Trần Huynh Sách ra Non Nước (Đà Nẵng) tạc tượng bằng đá mang về thay thế.

Từ khi miếu được chuyển hướng và trùng tu, những năm bị hạn hán hay dịch bệnh dân làng đều sắm lễ cầu xin và được toại nguyện. Người ta tin rằng đó là nhờ oai linh hiển hách và sự phù hộ độ trì của các vị thần. Mọi người sống trong cảnh bình yên, sung túc, ai cũng chăm lo sản xuất, chí thú làm ăn…

Oai danh của miếu Thất Vị vang xa, vua quan triều Nguyễn cũng nể vì, tôn kính, vua ban sắc phong cho làng La Qua và miếu Thất Vị. Hằng năm, dân làng thường tổ chức tế lễ xuân thu nhị kỳ trọng thể, bao gồm các lễ chính như Lễ Nhương ôn (xua đuổi ma quỷ, dịch bệnh – ĐNCT) vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, lễ Tế xuân ngày 10 tháng 3 âm lịch, lễ Tế thu vào dịp Trung thu 15 tháng 8 âm lịch…

An Trường

 

;
.
.
.
.
.