.

Vịnh Đà Nẵng - Qua ký ức lịch sử - Kỳ cuối: Những ký ức thời chiến tranh

.

“Tai nghe súng nổ cái đùng

Tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua”

        >> Vịnh Đà Nẵng - Những ký ức quá khứ

Câu ca dao đất Quảng đã ra đời sau ngày 1-9-1858, ghi nhớ thời điểm vịnh Đà Nẵng chứng kiến cuộc tấn công của hạm đội liên quân Pháp-Tây Ban Nha, chính thức khởi đầu cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây ở Việt Nam. Trong cuộc tấn công này, hạm đội của liên quân tập trung trên vịnh Đà Nẵng gồm soái hạm Némésis và các tàu chiến Mitraille, Phlégéthon, Primauget, Fusée, Alarm, Dragone, El Cano cùng các tàu vận tải, thông tin, cứu thương, hậu cần, tổng cộng đến 14 chiếc, do Phó đô đốc Charles Rigault de Genouilly chỉ huy.

Hạm đội liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tại vịnh Đà Nẵng vào 1-9-1858 (Nguồn: Ảnh tư liệu)

 

Trong hơn 18 tháng chiến tranh, tàu chiến của liên quân Pháp-Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát hoàn toàn vịnh Đà Nẵng, nhưng mục tiêu xâm nhập đất liền để tấn công và chiếm đóng trên bộ đều bị quân đội triều Nguyễn do danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy với sự tiếp sức của nhân dân địa phương anh dũng đánh bại. Gần như chỉ có bán đảo Sơn Trà lọt vào tay giặc suốt cuộc chiến tranh. Với sự bế tắc đó, đến 23-3-1960 cuộc chiến đi đến hồi kết thúc với thắng lợi thuộc về triều Nguyễn cùng nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng, do Pháp-Tây Ban Nha không thể chiếm được Đà Nẵng nhằm theo đường bộ vượt đèo Hải Vân tấn công kinh đô Huế.

Mặc dù quân và dân Việt Nam giành được thắng lợi vẻ vang ở Đà Nẵng, nhưng trong cuộc chiến tranh kéo dài tiếp theo, thực dân Pháp lần lượt chiếm đóng được Nam Kỳ, Bắc Kỳ rồi từ 5-7-1885 là kinh đô Huế, dẫn đến việc Pháp chính thức thiết lập nền thống trị trên phạm vi cả nước. Với thân phận bị trị, ngày 1-10-1888 vua Đồng Khánh xuống dụ cam kết từ bỏ mọi quyền sở hữu trên đất Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa. Trên cơ sở đó, ngày 24-5-1889, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng.

Sự thiết lập thành phố nhượng địa đã góp phần biến vịnh Đà Nẵng thành đầu mối giao thông thủy và đường biển rất quan trọng thời thuộc địa ở duyên hải miền Trung; là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự lớn của Pháp trên đất Quảng Nam và cả xứ Trung Kỳ. Đà Nẵng dưới thời thực dân thống trị bắt đầu được khai thác những thế mạnh của vùng đất, nên cảnh quan vịnh Đà Nẵng cũng có nhiều thay đổi, mang dáng dấp của một thành phố vịnh biển hiện đại.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, người Nhật kéo đến và từ ngày 9-3-1945 tiến hành đảo chính để chính thức thay thế người Pháp thống trị Đà Nẵng cũng như toàn Đông Dương. Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam đã lật nhào ách thống trị của phát xít Nhật; song chẳng bao lâu sau, thực dân Pháp nấp dưới bóng quân Anh quay trở lại xâm lược Việt Nam.

Bên bờ vịnh Đà Nẵng năm 1894 (Nguồn: belleindochine.free.fr)

Ngày 27-3-1946, tàu chiến Pháp lại vào vịnh Đà Nẵng, đem theo một lữ đoàn Thủy quân lục chiến Pháp gồm 700 quân đổ bộ lên đất liền để thực hiện âm mưu mới. Cuộc kháng chiến ở Đà Nẵng cùng cả nước kéo dài 9 năm kể từ cuối năm 1946, kết thúc bằng “thắng lợi Điện Biên chấn động địa cầu”, dẫn đến Hiệp định Genève ngày 21-7-1954. Kết quả là vào 20-12-1954, hải quân Pháp chính thức rút khỏi vịnh Đà Nẵng để nhường quyền “hiện diện” cho Hoa Kỳ.

Trong quá trình thay thế Pháp, Hoa Kỳ đã sử dụng lực lượng quân đội Sài Gòn do chính mình trang bị, huấn luyện, cố vấn để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Nhưng vì thất bại liên tiếp, nên sáng ngày 8-3-1965, hải quân Hoa Kỳ đã hiện diện ở vịnh Đà Nẵng để đưa lực lượng đầu tiên của tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Vào lúc 9 giờ, từ 4 tàu chiến lớn là Mount McKinley, USS Henrico (APA 45), USS Union (AKA 106) và USS Vancouver, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã dùng các tàu đổ bộ nhỏ hơn đổ quân lên bãi biển Xuân Thiều 2, mà lính Hoa Kỳ gọi là Red Beach 2 (tức Biển Đỏ 2) ở Nam Ô, thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Tên gọi Biển Đỏ đó có lẽ do ánh mặt trời chiếu suốt ngày làm nước biển phản chiếu có màu đỏ mà có.

Đến 13 giờ chiều ngày hôm đó, tiểu đoàn 1 thuộc lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến cũng từ Okinawa ở Nhật Bản được đưa đến sân bay Đà Nẵng bằng máy bay vận tải C.130. Các cuộc đổ bộ tại Đà Nẵng đã được tiếp nối sau đó với hơn nửa triệu quân Hoa Kỳ và đồng minh lần lượt kéo vào miền Nam, trực tiếp gây chiến chống lại nhân dân Việt Nam. Vịnh Đà Nẵng từ đó biến thành trung tâm quân sự ven biển lớn của Hoa Kỳ và chế độ Sài Gòn ở miền Trung.

Tiểu đoàn 1 thuộc lữ đoàn 9 Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều 2 sáng ngày 08-3-1965 (Nguồn: ehistory.osu.edu)

 

Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam với sự góp sức của cả nước và bè bạn năm châu đã đánh bại hoàn toàn mọi mưu đồ xâm lược của Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris vào 27-1-1973, cam kết rút quân khỏi Việt Nam. Để rồi vào ngày 29-3-1975, những chiếc tàu chiến cuối cùng của quân đội Sài Gòn do Hoa Kỳ trang bị đã phải cuốn gói khỏi vịnh Đà Nẵng, trả lại sự yên bình cho vũng biển đầy dấu ấn lịch sử này.

Từ sau ngày được giải phóng, hình ảnh của một vịnh biển nhuốm màu khói súng với hàng rào thép gai, doanh trại quân đội đã được thay thế dần bằng những tàu thuyền đánh cá dân sự hiền hòa, những tàu hàng ra vào vịnh tấp nập. Và bên bờ vịnh Đà Nẵng, cuộc sống yên bình, thịnh vượng với vành đai đường sá, nhà cửa, cao trình dân sinh đã thay thế dần những bãi cát trắng tiêu sơ với hàng ngàn ngôi nhà lụp xụp vất vả trong cuộc mưu sinh trước đó.

Vịnh Đà Nẵng đã lớn lên từ lịch sử của những hoạt động giao thương và chiến tranh, hóa thân thành bức tranh vịnh biển lung linh sống động, minh họa đầy đủ cho sự vươn lên của một vùng đất luôn khát khao độc lập, tự do, hòa bình, phát triển.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.