.

Bảo tồn: Câu chuyện còn bỏ ngỏ

.

Ẩn trong lùm cây bụi trên mô đất cao giữa đồng thôn Gò Hà, xã Hòa Khương là 4 tấm bia được viết bằng chữ Hán-Nôm, ghi công đức và tên tuổi những vị chức sắc có công với làng. Trong 4 tấm bia ấy, có hai tấm còn khá nguyên vẹn nhưng nét chữ đã mờ đi do bị mưa, gió bào mòn. Hai tấm khác, một tấm chỉ còn trơ đế bia, một tấm nằm chỏng chơ giữa lùm cây bụi.

Bị động trong việc sưu tầm và bảo quản

Tấm bia ghi công đức trước cửa động Hoa Nghiêm nằm nghiêng ngả.

Bao quanh Gò Hà, một phần đất được bà con địa phương canh tác, trồng hoa màu. Hình như chẳng ai chú ý đến việc khu đất này từng là chứng tích một giai đoạn lịch sử. Thế nên dù nằm rất gần khu dân cư, nhưng di tích Diên Thánh này, nhiều năm qua vẫn bị bỏ quên.

Ông Nguyễn Tường, Bí thư chi bộ thôn Gò Hà cho biết, trước đây, những đứa trẻ trong làng ít khi bén mảng đến khu vực này vì sợ sự âm u của nó. Nay nhờ một số hộ dân canh tác trên khu đất gò, tụi trẻ mới thỉnh thoảng dắt trâu, bò ngang qua. Tuy nhiên trong làng, chẳng ai có thể trả lời bạn về lịch sử hình thành di tích này, họ chỉ biết ở đó có 4 tấm bia được ghi bằng chữ Hán mà thôi.

Trên đây chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về các di sản Hán-Nôm đang có nguy cơ bị mai một trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Đà Nẵng. Về điều này, ông Lê Xuân Thông, cán bộ Phòng Quản lý Di sản, Bảo tàng Đà Nẵng nói, việc bảo tồn di sản Hán-Nôm thường đi kèm với bảo tồn di tích. Di sản Hán-Nôm là bộ phận nhỏ trong tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần tạo nên đời sống văn hóa, tâm linh của di tích. Ở những di tích được xếp hạng, luôn có một Ban quản lý di tích chăm sóc. Điều đó đồng nghĩa với việc, ở những di tích đã được xếp hạng, hiển nhiên di sản Hán-Nôm liên quan sẽ được chăm sóc, bảo quản cẩn thận, còn không thì rất khó kiểm soát được mức độ hư hại của nó trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Tấm bia ký tại di tích Diên Thánh nằm chỏng chơ giữa đồng, xung quanh cây phủ, nét chữ bị phai.

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn thành phố, di sản Hán-Nôm tại Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ khá nhiều ở các di tích văn hóa-lịch sử. Tại các chùa Tam Thai, Linh Ứng và các hang động Hoa Nghiêm, Tàng Chơn, Vân Thông… còn lại nhiều tài liệu Hán-Nôm có giá trị. Tại chùa Tam Thai còn lưu giữ bức Hoành phi “Tam Thai Tự” lập vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), chuông đồng có khắc chữ được đúc năm Minh Mạng thứ 7 và 12 bài vị, ghi bằng chữ Hán-Nôm thờ các vị trụ trì chùa từ khi thành lập đến nay. Ngoài ra, còn một số văn bia nói về công đức của những người góp tiền của xây dựng chùa… Hay động Hoa Nghiêm có văn bia “Phổ đà sơn linh trung Phật” lập năm 1640 được khắc trên vách đá. Ngoài cửa động có một văn bia ghi công đức được viết bằng chữ Hán-Nôm cũng nằm nghiêng ngả.

Ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Ngũ Hành Sơn cho rằng: Rất nhiều di tích Hán-Nôm chỉ tồn tại qua lời kể từ thế hệ này qua thế hệ khác chứ chưa thật sự có một công trình nghiên cứu cụ thể. Lỗ hổng kiến thức ấy khiến chúng tôi khá bị động trong việc sưu tầm và bảo quản. Hơn nữa, do kinh phí hằng năm tại địa phương chi cho văn hóa thấp, không cho phép chúng tôi thường xuyên kiểm tra và rà soát để có những phát hiện mới.

Đi tìm sự đồng thuận

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, ông Lê Văn Phiến, xóm Thổ Trại, thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên may mắn còn giữ trên 100 đầu sách Hán-Nôm, trong đó có trên 70% đầu sách còn nguyên vẹn. Gồm các loại như sách Cương mục bản thảo, Khang Hy, các phương thang mạch lý, y lý, sách ghi lại kinh nghiệm khi hành nghề của những bậc tiền y, sách tướng số, phong thủy, truyện, kinh… được viết trên chất liệu giấy dó, theo phong cách của Tàu. Đặc biệt trong số đó, ông còn giữ được bản thảo dịch âm Hán có tên “Nguyễn Ái Quốc ký thư chư thị ái chư phụ lão” được Người viết tháng 6-1941.

Tấm bia ghi công đức tại đình Mỹ Khê đang nằm trong khuôn viên UBND phường Phước Mỹ.

Dù còn giữ được khá nhiều sách Hán-Nôm, nhưng ông Phiến vẫn tỏ ra tiếc nuối vì đây là con số còn lại (đến thời điểm hiện nay) trong hàng trăm đầu sách mà ông cố ông, cụ Tú Vỹ (1880-1952), một nghĩa sĩ yêu nước trong phong trào Đông Du và Duy Tân thời ấy để lại cho con cháu. Ông tâm sự, do sách được viết trên chất liệu giấy dó nên khi gặp nước mưa, từng trang thường bết lại rất khó gỡ. Từng đổi chiếc đồng hồ đeo tay hay chiếc xe đạp đang đi để lấy mấy cuốn sách cổ, ông Phiến nhìn thấy sách lần lượt bị hư hại mà tiếc đứt ruột.

Sau nhiều năm mày mò tìm hiểu, đến năm 2007, ông Phiến đã thành công với phương pháp tách những cuốn sách đã bị bết lại và vẫn giữ được màu giấy. Để có được thành công này, ông đã làm hỏng một số cuốn sách trong suốt những lần thử nghiệm cách tách giấy. Đến nay, ông Phiến vẫn tự bảo quản, cất giữ các bản sách quý mà chưa chia sẻ với những ban, ngành liên quan để có một cách bảo quản hợp lý.

Nét đặc biệt của di sản Hán-Nôm là phần lớn nằm trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư. Những di sản này không thể tập hợp lại một chỗ để bảo quản có khoa học, gây nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và quản lý. Hơn nữa, người dân cũng chỉ bảo quản theo cách cất chặt một nơi, tránh trộm cắp hay tránh mối, mọt theo phương pháp dân gian chứ chưa thật sự hiểu biết về phương pháp bảo tồn, bảo quản. Còn các cơ quan chức năng như Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hay Bảo tàng Đà Nẵng phần lớn chỉ quản lý về mặt Nhà nước, chưa thật sự đi sâu vào đời sống văn hóa, tâm linh mà di sản Hán-Nôm mang lại để có những biện pháp hợp lý. Ví như, ngay tại đình làng Mỹ Khê (Sơn Trà), tấm bia đá ghi công đức những người đóng góp của cải xây dựng đình đang nằm trong khuôn viên của UBND phường Phước Mỹ, làm mất đi vẻ tôn kính của di tích này.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang thẳng thắn: “Nếu hỏi về các giá trị văn hóa hiện đại, tôi có thể trả lời một cách rành mạch và rõ ràng. Còn về di sản Hán-Nôm thì tôi chịu, bởi tôi không hiểu nhiều về nó”. Do không hiểu, nên rất khó đồng cảm và chia sẻ. Mặt khác, do đặc trưng của di sản Hán-Nôm là “nói có sách, mách có chứng” nên khi chưa hiểu về nó càng không dám nói bừa, nói đại khái. Chính vì lẽ đó, nếu không có một công trình nghiên cứu cụ thể, một sự hiểu biết rõ ràng, nhiều di sản Hán-Nôm có nguy cơ bị đẩy lùi trong guồng quay của thời đại mới.

TIỂU YẾN


;
.
.
.
.
.