.

Cà-phê ruộng

Về làng ngoại ô, cách Đà Nẵng chừng 15 km, ngồi ở quán cà- phê của chị Nờm, nhìn ra cánh đồng Rộc là một cái thú mà tôi có được mỗi cuối tuần. Vợ chồng chị Nờm từng làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp, rồi bỏ lên Tây Nguyên làm ăn một thời gian, nay về lại đầu xóm này mở quán cà-phê, vì “đi đâu cũng không bằng ở đây, nơi chôn nhau cắt rốn của mình!”. Có lần chị nói với tôi như vậy. Tôi đùa: “Chỉ riêng cái tên của chị thôi cũng cho thấy không đi đâu được vì chị là gió Nồm (hay gió Nờm như cách nói của dân làng). Gió thì đi đâu cũng quay lại chỗ cũ thôi!”. Chị cười: “Thôi cậu uống cà-phê đi kẻo nguội!”

Cà-phê chị Nờm pha phải nói là ngon nhất ở khu vực này nhờ kinh nghiệm mấy năm làm ăn ở Ban Mê Thuột. Uống một cốc cà phê đen nóng vào buổi sáng còn hơi sương và nhìn ra cánh đồng Rộc chỉ cách chỗ ngồi vỏn vẹn 5 thước tây thì không thú nào bằng. Ngồi đó mà hít cho đầy cái mùi thơm của lúa rạ những ngày gặt là hơn uống mấy thang thuốc bổ. Ngồi đó mà nhìn thấy lúa lớn lên, đẻ nhánh, ngậm đòng hoặc nghe mùi bùn thoang thoảng những hôm các chị nông dân xắn quần tới bắp đùi bắt đầu ra dọn bờ, làm đất hay gieo sạ, thì mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc sinh sôi của đời: sự nối tiếp miên viễn...

Ngồi trong quán cà-phê nhìn qua bên kia cánh đồng Rộc còn có những dãy bạch đàn xanh tốt luôn nhộn nhịp những đàn cò về tụ hội. Cái màu trắng luôn nhấp nhô, xao động đó tạo ra một thiên nhiên sinh động không thể đẹp hơn, hấp dẫn hơn cho mọi ánh mắt trong, vào lúc bắt đầu một ngày mới...

Anh Kim có hai sào rưỡi ruộng trong cánh đồng ấy. Thằng Hạ bạn học ngày xưa cũng có gần hai sào. Chị Phận, vợ thằng Khanh hớt tóc có sào rưỡi... Giá như có ai nhượng lại, chắc tôi sẽ mua vài sào để có dịp cùng lội xuống bùn, cấy gặt như họ. Ít ra cũng có những buổi mai sương mờ ra thăm lúa, học lại những kinh nghiệm cấy trồng và kiến thức thời tiết của nhà nông, hít thở được cái không khí trong lành thôn dã, rồi vào quán chị Nờm gọi một ly cà- phê đen. Vừa uống vừa gật gù tự tán dương những kết quả lao động của mình, rồi miên man nhớ lại những câu chuyện cổ tích về hạt lúa Việt Nam. Lại liên tưởng đến chuyện lúa chạy về kho trong những ống tre trong chuyện cổ Cơtu với một chi tiết thú vị: Lúa vừa đi vừa nói chuyện! Chừng ấy thôi trong bắt đầu một “nhật tân”, mới nghĩ tới thôi đã thấy sướng rân rồi!

Có người nói đùa rằng, anh Kim mỗi ngày ra thăm lúa đến mấy lần khiến lúa “mắc tịt” không chịu lớn. Anh ấy chỉ cười và không nói gì. Nhưng để ly cà-phê xuống, anh lại lẳng lặng bước ra con đường đất dẫn ra cánh đồng, đứng như trồng ngay trên bờ ruộng của mình. Hôm sau cũng vậy. Hình như trong huyết quản của người nông dân này đã có sẵn mối luyến ái không tách lìa được với cây lúa mà anh không giải thích được với ai thì phải. Những ngày lúa vừa ngậm sữa lên đòng, tôi phát hiện ra anh dậy sớm hơn và cứ đi quanh đám ruộng đến mấy vòng mới vào gọi cà-phê. Những ngày nước lụt vừa rút, anh một mình lội chân không xuống ruộng, xem bùn non đóng dày mấy phân và ước lượng sự tốt xấu của cây lúa mùa tới...

Cánh đồng Rộc nằm ngay trước cổng ngôi đình làng. Phóng một đường thẳng từ cổng tam quan đình, vắt ngang cánh đồng theo hướng đông-tây là đến một đỉnh núi xa mờ trên dãy Trường Sơn. Các cụ già trong làng bảo ông bà, tổ tiên ngày xưa đã chọn một thế phong thủy không thể tốt hơn là để mong cho dân làng no đủ, giàu sang về sau. Nhưng thằng Hạ bạn tôi thì chỉ có chiếc xe ba gác đi bỏ mối nước đá mỗi ngày và non hai sào ruộng. Anh Kim cũng chỉ chừng đó ruộng lại còn nhận luôn chức hội trưởng bảo thọ của thôn, bận rộn quanh năm suốt tháng. Cánh đồng mỗi ngày một thu hẹp lại vì các dự án nhà ở; mỗi ngày còn lại nhận thêm không biết bao nhiêu mét khối nước thải từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm gần đó. Vì vậy, năng suất lúa cứ giảm dần. Những năm có lụt lội về sớm, mỗi sào chỉ còn thu được vài chục ang lúa. Nhiều người trong làng, nhất là đám trai trẻ phải tìm thêm công việc khác để cải thiện cuộc sống.

Hôm qua, Khanh và tôi ngồi quán chị Nờm nhìn ra, thấy Phận - vợ hắn, đang sạ lúa vụ đông xuân, hắn mới kể: Tui què quặt từ hồi chiến tranh nên chỉ có thể ngồi hớt tóc và “chịu trách nhiệm” dự mấy đám cưới, đám giỗ, đám ma trong làng. Mấy đám ruộng đều giao cho bà Phận lo hết. Bà ấy sạ lúa đều tay nhất làng, nhưng quan trọng hơn là nếu không có mấy sào lúa ruộng Rộc ni, chắc bả sẽ mau già lắm vì cứ phải quanh quẩn với đứa cháu ngoại và đàn gà trong một không gian chật hẹp trong kia...

Ngẫm kỹ lời nói của Khanh, tôi hiểu ra cái quán cà-phê của chị Nờm cứ đông khách vào những buổi sáng là có lý do. Không chỉ do cà-phê ngon. Không chỉ quán chị ở ngay đầu làng thuận lợi cho việc đi lại. Chính cánh đồng Rộc nhỏ nhoi trước mặt quán là một ưu thế không ai cạnh tranh được. Vì nó có cánh đồng này như lá phổi còn lại của làng. Mà nếu cánh đồng này mất đi vì một lý do nào đó, làng sẽ không là làng nữa...

Trương Điện Thắng

;
.
.
.
.
.