.

Cạnh tranh giữa những “thiên đường” nghỉ dưỡng

.

Tân Tổng giám đốc Furama Resort, một người đã 10 năm nay gắn bó với khu nghỉ dưỡng xinh đẹp này rất tự tin khi nói về những “hàng xóm” mới - những resort cao cấp đang hình thành bên cạnh mình - rằng “buôn có bạn, bán có phường”. Cùng nhau quảng bá, cùng có nhiều khách sạn lắm “sao” thì du khách sẽ được biết nhiều hơn về một thiên đường du lịch của Việt Nam hiện đang sở hữu một bãi biển đẹp nhất hành tinh!

Khi có “hàng xóm” cao cấp

Furama resort là một trong những khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Đà Nẵng cũng như dọc vùng biển miền Trung. Dấu ấn kinh doanh cùng danh tiếng của nó về sự cao cấp, sang trọng, hướng đến dòng khách nhà giàu đã đẩy vị thế của những bãi biển cát vàng từ Huế vào đến Hội An, và đi xa hơn là Vũng Rô, Mũi Né... lên đến đẳng cấp quốc tế. Khi hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào miền Trung, biến nơi đây thành một thiên đường du lịch. Sự định hình của hàng loạt khu resort dọc các bãi biển từ Mỹ Khê vào đến Hội An mới bắt đầu khoảng 5 năm trở lại đây, với sự có mặt của Sandy Beach, Palm Garden, The Nam Hải... Khu nghỉ dưỡng nào cũng đã tạo dựng được cho mình một danh tiếng nhất định, có dòng khách ổn định từ các nước Mỹ, châu Âu.

Furama resort hài hòa giữa thiên nhiên.

Nhưng thay vì lo lắng bởi sự cạnh tranh của các resort, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama lại cho rằng, đây là một cơ hội thuận lợi để Furama khẳng định thế mạnh của mình trong chăm sóc khách hàng và cạnh tranh để phục vụ tốt hơn. “Tăng cơ hội cạnh tranh cũng đồng nghĩa với việc thôi thúc các resort tìm ra cái mới lạ, cái độc đáo của riêng mình để phục vụ khách hàng”, ông Vinh nhấn mạnh. Mỗi người khách khi chọn các resort ở đây để nghỉ ngơi sẽ cảm thấy như được trở về mái ấm gia đình của mình, là nơi bình yên nhất, ấm áp nhất, bởi đi đâu cũng được nhìn thấy những nụ cười chân thành chào đón, được chăm sóc bằng những bữa ăn hợp khẩu vị hay giấc ngủ yên lành có tiếng sóng biển vỗ về.

Hay quan tâm đến khách bằng cách tạo cho họ sự riêng tư nhưng hòa hợp, những dịch vụ chăm sóc tuyệt vời bằng giá cả phải chăng, không quá đắt đỏ là những thế mạnh mà Furama đã giữ và đạt được trong suốt quá trình kinh doanh 10 năm qua. Furama đang xây dựng một nhà hàng Ý và sắp tới sẽ có thêm một khu nhà hàng và khu giải trí mang đậm phong cách Nhật Bản. Ông Vinh khẳng định rằng lượng khách quen thuộc trong vòng 10 năm qua là cơ hội tốt để nơi đây tiếp tục giữ vị trí là khu resort có những nguồn khách ổn định.

Từ năm 2010 đến 2012 sẽ có thêm khoảng 10 khu resort hình thành từ Đà Nẵng đến Hội An, du khách sẽ được biết đến nhiều hơn một vùng biển miền Trung hiền hòa và xinh đẹp khi các resort sẽ cùng quảng bá về một điểm đến; hay khi cùng quảng bá đến một thị trường nhất định thì lượng khách ở đó sẽ được biết đến nhiều hơn do độ lan tỏa sâu hơn về một thiên đường nghỉ dưỡng. Lúc này quan điểm kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường” sẽ phát huy hết lợi thế của nó. Ông Huỳnh Tấn Vinh nhắc đến khu du lịch Mũi Né, Phú Quốc và xa hơn nữa là Bali, Phukhet và cho rằng các bãi biển ở Đà Nẵng về vẻ đẹp, địa thế không hề thua kém những khu du lịch trên, nhưng chưa trở thành điểm đến nổi tiếng do tính đơn thân của một vài điểm nghỉ dưỡng. Nên khi có một loạt resort mở ra, dọc suốt chiều dài đường biển sẽ được xem là địa điểm của các resort, du khách sẽ quan tâm đến nó nhiều hơn, đó là cơ hội kinh doanh. Từ đó các hãng hàng không cũng sẽ quan tâm đến Đà Nẵng nhiều hơn để tiếp tục mở các đường bay trực tiếp sau hai đường bay thẳng đến Singapore và Đài Bắc, sắp tới sẽ có đường bay đến Osaka (Nhật Bản).

Tăng dịch vụ để giữ khách

Trong sự ảnh hưởng chung của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, ngành du lịch bị ảnh hưởng nhiều do lượng khách giảm rất lớn. Không còn những đoàn khách là tỷ phú về thời gian và tiền bạc như trước để có thể tham quan, nghỉ ngơi và mua sắm dài ngày. Người đi du lịch cân nhắc hơn, lựa chọn những điểm đến hợp sở thích hơn và ít đi xa hơn trước. Nhìn chung, nhiều khách sạn trung và cao cấp của Việt Nam có lượng khách giảm đến 25-30%. Còn tại Furama Resort Đà Nẵng, ước tính lượng khách giảm từ 10-14%.

Và những lãnh đạo của khu du lịch này cho rằng số lượng khách quốc tế giảm trong chừng mực như vậy nên khách sạn vẫn có thể kiểm soát tình hình kinh doanh để có lợi nhuận không giảm lớn so với các năm trước. Nhưng bù lại, lượng khách trong nước đến khu nghỉ dưỡng 5 sao này lưu trú lại tăng lên đến 40%. Những năm trước số khách người Việt không vượt quá 15%, nhưng năm nay tăng gần gấp 3 lần đã chứng tỏ thị trường khách nội địa với những lựa chọn nơi nghỉ ngơi cao cấp là vấn đề tiềm năng của bất kỳ nhà kinh doanh du lịch nào.

Và trong chiến lược kinh doanh thời khủng hoảng, thay vì giảm giá có thể khiến khách hàng nảy sinh tâm lý e ngại chất lượng phục vụ giảm sút, Furama resort đã tăng các dịch vụ chăm sóc khách hàng lên như tặng thêm ngày nghỉ, tặng vé spa... Bên cạnh đó, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiến hành chuyển hướng kinh doanh sang những thị trường gần như ASEAN, Australia, Nhật và khách trong nước. Với cung hội nghị được xem là lớn nhất Việt Nam, Furama còn hướng đến dòng khách MICE, như sắp tới nơi đây sẽ tổ chức hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN.

Furama hiện đang mở rộng về phía nam với 135 biệt thự có diện tích từ 300-1.000m2. Những người sở hữu biệt thự có thể giao lại cho Furama kinh doanh trong thời gian họ không ở đó. Đây là một hình thức kinh doanh khá mới mẻ ở Việt Nam, hai bên cùng chia sẻ lợi nhuận. Furama sẽ có thêm hàng trăm phòng nghỉ ngoài 200 phòng hiện có, không phải lo lắng khi có những đoàn khách hàng trăm người; còn người chủ các biệt thự sẽ có người giúp quản lý và tăng lợi nhuận từ ngôi nhà của mình.

Sau khủng hoảng, nhiều cơ hội kinh doanh mở ra mà nếu biết nắm bắt thời cơ, sẽ mang lại nhiều điều kiện tốt hơn để phát triển...

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.