.
Câu chuyện đầu năm

Văn hóa phải thực sự là nền tảng

Lâu lâu lại nghe những cô gái trẻ ở các tỉnh miền Tây bị đem cho mấy người Hàn Quốc, Đài Loan coi mặt, để rồi sau đó, bước vào những ngày lênh đênh chìm nổi xứ người, may mắn thì làm vợ, còn lại là làm tôi đòi, bị kỳ thị, bạo hành. Chuyện vẫn cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Có phải, những chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ, những khẩu hiệu cao đẹp bình đẳng giới còn ở đâu đó xa xôi không soi rọi vào cuộc đời bất hạnh của nhiều chị em?

Trong những cơn bão lũ cuối năm 2009, ở tỉnh Quảng Nam có chuyện: Một nhóm người đi đào vàng trái phép bị cô lập trên một cồn cát giữa dòng nước lũ. Tính mạng của họ ngàn cân treo sợi tóc. Chủ tịch huyện Nam Giang đứng ngay bên bờ con sông đang gào thét, cầu cứu lực lượng cứu hộ. Các chiến sĩ không quân ngồi trên trực thăng quần lượn với bao mưu tính, đã đưa được họ đến nơi an toàn, chu cấp lương thực, giúp đỡ về quê. Cũng ở Quảng Nam, một nhóm người khác, cũng đi đào vàng, họ xấu số bị lở núi chôn vùi ở khu vực Nước Vin thuộc huyện Bắc Trà My. Bí thư tỉnh và cả biết bao lực lượng quân đội cùng với xe máy vật lộn ngày đêm cố tìm và tìm được đầy đủ thi hài của họ đưa về an táng tại quê nhà.

Chúng ta thường nghe nói những tai nạn sập lò, chết người ở các bãi vàng và cả những cảnh bài bạc, hút chích ở nơi người ta đến đem sức lao động và cả sinh mệnh với hy vọng đổi đời. Số người đổi được cuộc đời chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn những người chết mất xác hoặc lê tấm thân tàn với AIDS về nhà thì nhiều lắm.

Xuất khẩu lao động được xác định là một chương trình, mục tiêu để xóa đói giảm nghèo, có thể nói là để đổi đời, thoát nghèo nhanh và bền vững. Chính phủ còn dành ngân sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo để học chữ, học nghề, và các chi phí làm các thủ tục xuất cảnh. Có những người đã thực sự đổi đời, có tiền gửi về cho gia đình. Nhưng có rất nhiều người sau ít ngày làm việc, họ bị đẩy ra vỉa hè, đuổi về nước, trắng tay, ôm nợ lớn. Rồi thân phận những người Việt đang chui nhủi trong những cánh rừng mùa lạnh năm nay, họ sống bất hợp pháp ở miền Bắc nước Pháp chờ cơ hội để nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh cũng đang nhức nhối người Việt ở quê nhà.

Dù đồng thuận với kết luận về những thành tựu của chương trình giải quyết việc làm thì chúng ta cũng không thể yên lòng là vấn đề số 1 này được cơ bản giải quyết khi hằng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt với những cảnh đời bất hạnh đầy bi kịch.

Chúng ta không thể trách cứ ông Bí thư, ông Chủ tịch xã ở tỉnh X. khi họ nói rằng: “Ở nhà không có việc gì làm kiếm được tiền, họ có báo cáo là đi làm ăn xa... còn họ đi đâu làm gì, chúng tôi làm sao mà biết được...”. Nhưng từ đáy lòng mình hẳn các ông cũng có nhiều day dứt, lo lắng khi phải tiếp nhận hàng chục thi hài công dân của mình chết vì sập hầm, lở núi. Cũng vậy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã có hàng chục chị em xuất ngoại lấy chồng Hàn, chồng Đài cũng có thể nói rằng “Chúng tôi đã hết lòng và hết cách nhưng đây là chuyện đời tư, chuyện tự do của mỗi người. Biết làm thế nào ?”.

Nhắc lại những mẩu chuyện trên để nói một điều: Việc làm có thể là vấn đề số 1 trong các vấn đề xã hội, mà lĩnh vực các vấn đề xã hội thì vô cùng phức tạp, cần một cách tiếp cận khoa học thực tiễn. Nếu không sẽ vênh với thực tiễn đang diễn ra muôn màu muôn vẻ.

Vấn đề xã hội là vấn đề của mọi người và của mỗi người, mỗi người lại có một cuộc đời, số phận riêng của mình. Cùng với chương trình mục tiêu có tính chiến lược bao quát những giải pháp ở tầm vĩ mô, cần hết sức coi trọng, khuyến khích những sáng kiến xử lý từng trường hợp cụ thể, đương nhiên ý nghĩa là ở chỗ có thể học tập và vận dụng từng trường hợp cụ thể ấy để giải quyết, xử lý các tình huống khác.

Cũng phải tính đến cách kiểm tra để đánh giá vấn đề, việc quản lý lao động của ta còn ở trình độ thấp nên nắm được chính xác thực trạng còn rất khó, nên có kiểm tra bằng những câu hỏi có tính phản biện và sự điều tra độc lập. Ví dụ: Người nghèo có phải vẫn cắn răng vay nặng lãi, cơ chế cho vay có phù hợp với thực tiễn và ngân hàng hoạt động có thực sự vì người nghèo không? Có bao nhiêu học sinh cấp I, II bỏ học và trong số đó bao nhiêu em đổ về thành thị xin ăn dưới mọi hình thức và trở thành nạn nhân của sự chăn dắt?

Quản lý xã hội tất nhiên chủ yếu phải bằng pháp luật. Hiện nay, có tình trạng hành lang pháp lý có nhiều khoảng trống khiến việc quản lý không có hiệu quả. Ví dụ: Để chấm dứt nạn đào vàng chúng ta gần như chỉ có biện pháp là truy quét và triệt phá các hầm lò. Nhưng sau đó, mọi việc lại tái diễn, có cách nào làm tốt hơn, bảo đảm kết quả bền vững hơn không? Các tú bà thời nay nếu là chủ chứa mại dâm thì khi phát hiện và đủ chứng cớ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn các tú bà môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì chỉ bị xử phạt hành chính, khá nhẹ, không đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận từ việc môi giới thì khá cao...

Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta khuyến khích, tôn vinh mọi người làm giàu hợp pháp, làm giàu cho mình, cho cộng đồng và cho đất nước. Nhưng hình như chúng ta chưa nói rõ, chưa đề cập đúng mức đạo lý “đói cho sạch, rách cho thơm”, chưa có sự cảnh báo cần thiết về những rủi ro, bất trắc, nguy hiểm cho những ai muốn làm giàu nhanh, muốn đổi đời.

Tôi nhớ lại hồi chống Mỹ có câu:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Bao giờ xong việc nước non
Anh về đã có Mỹ con anh bồng

Nhưng, vẫn tràn ngập những câu ca dao sáng ngời đạo lý

Ta về ta ở vườn ta
Ôm cây cột cháy cũng là thơm danh
Đói lòng ăn mấy trái sung
Còn hơn vào trại tập trung An Hòa

Lúc ấy, chúng tôi nói với dân: Đói cho sạch, rách cho thơm. Dân hiểu đạo lý ấy cũng rất bình thường vì đó là truyền thống, là văn hóa của dân tộc.

Đồng chí Hoàng Văn Lai, Trưởng ban An ninh Quảng Đà viết trong thư gửi một nhà kinh doanh ở vùng giải phóng chạy vào thành phố có câu:

Ở với lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan

Đồng chí Hồ Nghinh còn dẫn cả một câu thơ chữ Hán:

Lung kê hữu thực oa thang cận
Dã hạc vô lương thiên địa khoan

(Con gà ở trong lồng đầy thức ăn nhưng nồi nước sôi ở bên. Con hạc tuy không có gì ăn nhưng đang tung bay trên bầu trời cao rộng)

Có một điều khi tôi đặt câu hỏi “Vì sao miền Trung là vùng nghèo khổ vào loại nhất nước, mà vấn nạn lấy chồng Hàn, chồng Đài không phổ biến và nghiêm trọng như ở một số vùng khác?”, thì nhận được câu trả lời “vì ở đây có chất, có cái nền văn hóa khác với những nơi ấy. Từng con người và cả cộng đồng không chấp nhận đổi đời bằng cách ấy”.

Thì ra cái gọi là văn hóa vốn là mơ hồ trừu tượng ấy lại có tác động mạnh đến như vậy. Mong rằng đây là một kiến giải đúng.

Và kiến giải này đặt cho chúng ta vấn đề phải làm thế nào để văn hóa phải thực sự là nền tảng tinh thần và động lực phát triển của xã hội, để mỗi người dân đều có sức đề kháng, sức phòng vệ có ý chí và bản lĩnh trong mọi hoạt động của mình dù đó là người đi đào vàng, đi xuất khẩu lao động hay đi lấy chồng Hàn.

Nguyễn Đình An

;
.
.
.
.
.