Lâm Yên là địa danh xưa, nếu tính theo địa giới hành chính ngày nay thì làng Lâm Yên là cả ba thôn Ấp Nam, Ấp Trung và Ấp Bắc, thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Thế nhưng, nghề làm trống chỉ thật sự tồn tại ở Ấp Nam với những người họ Phan gắn bó cùng nghề.
Làng trống Lâm Yên đã vắng dần những thợ trẻ. (Ảnh: VTL) |
Nghề làm trống không nặng nhọc, song đòi hỏi phải khéo léo và chịu khó. Công đoạn được coi là quan trọng bậc nhất của nghề này là bào da hay còn gọi là khoan da, chính nó ảnh hưởng đến độ bền và âm thanh của trống. Người thợ chọn da của các con trâu có tuổi, căng ra phơi khô, sau đó đưa đi ngâm nước. Sau đó, da được khoan để loại bỏ những phần thừa, chỉ giữ lại một độ dày thích hợp cho việc bịt trống. Đây được xem là việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của nghề.
Rồi các công đoạn ghép dăm, bịt da, đóng đinh, gia công, bào nhẵn, sơn phết… để tạo ra chiếc trống sử dụng được là cả quá trình khép kín, kéo dài. Trống thì nhiều nơi trong cả nước làm được, nhưng nói đến chất lượng, quy mô cũng như tính huyết thống trong làng nghề thì trống làng này vẫn thuộc hạng nhất nhì. Trống nơi đây chủ yếu được làm từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch, những tháng còn lại làm ít hơn, bởi da trâu và dăm mít không khô được. Các lễ hội dân gian, tế xuân thu nhị kỳ, mùa tựu trường, tết Trung thu… làng nghề tất bật nhất, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó.
Nghề làm trống đã sinh ra nghề mới: Nghề buôn trống. Trong làng lúc đầu có ông Tào Niên, người cứ phải lặn lội đi bộ, gánh theo những chiếc trống lớn nhỏ tìm đến những chùa, nhà thờ tộc trong tỉnh để bán. Sau này có thêm các ông Huỳnh Tùy, Trần Yến, Hồ Lập… sử dụng các loại phương tiện giao thông đường dài để chở trống vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Không dừng lại ở đó, họ còn kèm các sản phẩm “bà con” như: chiêng, hồng chung, chuông, áo mão, hia, cờ… của làng đúc đồng Phước Kiều (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) để bán cho các chùa chiền. Thành ra sau này người ta truyền nhau câu “Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều”. Thế hệ trẻ sau này có các ông Võ Văn Chương, Nguyễn Cang, Lý Văn Chín… cũng theo nghề buôn trống, buôn mõ.
Theo chân người buôn trống, người làm trống ở Lâm Yên cũng Nam tiến, đưa các sản phẩm do mình làm ra vào các tỉnh phía Nam, thậm chí tận miền Tây xa tít để bán. Chính những nghề này đã giúp gia đình họ không chỉ cải thiện cuộc sống, mà còn dành dụm được tiền bạc cất nhà, mua sắm các loại tiện nghi, nuôi con ăn học.
Ở Ấp Nam, hiện nay hầu hết các hộ làm trống là người họ Phan. Chính những điều này cũng hình thành nên bản sắc riêng. Chỉ cần nhắc đến họ này, người dân nơi đây dễ liên tưởng ngay đến những người hay “khua chiêng gõ trống” suốt ngày, làm nên thứ âm thanh đặc trưng không thể lẫn so với những làng quê khác.
Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, khoa học làm thay con người những việc khó khăn. Nghề trống giờ đây khắp nơi có thể làm được, không còn mang tính gia truyền. Công đoạn khoan da vốn được coi “di sản gia tộc”, chỉ truyền cho con cháu, những người cùng trong họ tộc. Vậy nhưng giờ đây, công nghệ thuộc da phát triển, da trâu hay bò được các công ty làm sẵn, giá thành rẻ hơn nhiều, chỉ cần mua về bịt trống. Các loại dăm mít cũng không phải lặn lội lên tận các vùng cao tìm mua nữa. Giờ thì không phải người họ Phan cũng có thể dễ dàng làm được trống với sự giúp sức của công nghệ, không phải hì hục đục, đẽo, cưa, đóng… theo kiểu truyền thống như trước.
Lợi nhuận nghề làm trống ngày càng thấp, kéo theo nghề buôn trống cũng mai một dần. Những vị cao tuổi không còn đủ sức theo nghề, những người trẻ hơn thì cảm thấy lãi sau mỗi chuyến đi không cao, bởi chi phí bỏ ra nhiều. Thêm vào đó, cuộc sống người dân làng nghề phần lớn khá giả lên, nhờ con cái học hành thành đạt, đi khắp nơi làm việc rồi dành dụm gửi tiền về cho gia đình. Chính con cái cũng không muốn ba mẹ vất vả, cực nhọc với nghề. Đó là những lý do làm cho nghề trống ở vùng đất này ngày càng mai một dần.
Giờ đây, làng Lâm Yên thưa dần tiếng trống. Cả làng chỉ còn lại hai ông Phan Văn Mười, Phan Văn Lâm còn trụ lại với nghề, nhưng cũng thấy ngán ngẩm về đầu ra của sản phẩm. Họ còn gắn bó với nghề một phần vì kế sinh nhai, một phần vì cố níu giữ truyền thống của cha ông từ bao đời nay.
ĐỨC DŨNG