.

CỬA SỔ TRI THỨC

Eureka!

* Nhà bác học Archimède đã la lên “Eureka!” khi bất ngờ tìm ra sức đẩy của nước hay nguyên tắc đòn bẩy? Ông là người Hy Lạp hay Ai Cập? (Trần Văn Ánh, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Archimède (còn được viết là Archimedes, phiên âm tiếng Việt là Ác-si-mét) sinh năm 287 trước CN ở Syracuse thuộc Hy Lạp cổ, nay là nước Ý. Ông là nhà vật lý, nhà toán học, kỹ sư lỗi lạc thời Hy Lạp cổ. Theo truyền thuyết, câu nói nổi tiếng “Eureka” được ông phát ngôn khi bất ngờ tìm ra sức đẩy của nước, còn gọi sức đẩy Archimède.

Một hôm, vua Hiéron của xứ Syracuse, vì nghi ngờ người thợ kim hoàn đã pha thêm bạc để lấy bớt vàng khi y được vua giao làm chiếc vương miện, đã hỏi ý kiến Archimède liệu y có thể làm được điều mà vua nghi ngờ chăng?! Bị hỏi bất ngờ, nhà bác học xin khất lại và sẽ tấu trình sau.

Archimède lo lắng ngày đêm, nghĩ mãi mà vẫn chưa có lời giải cho bài toán hóc búa đó. Một hôm, ông vào phòng tắm ngâm người trong hồ nước và bỗng phát hiện ra một điều lý thú: khi ông dìm càng sâu trong nước thì thân thể mình càng nhẹ hơn, tựa như có một lực nào đó đẩy nó từ dưới lên. Một phát kiến mới lóe sáng lên trong đầu, ông vụt đứng dậy, quên cả mặc quần áo, chạy thẳng ra phố và mừng rỡ reo lên “Eureka! Eureka!” (Tìm ra rồi! Tìm ra rồi!).

Từ kết luận lực đẩy của nước tương đương với trọng lượng của khối nước mà vật chiếm chỗ và có chiều ngược với chiều trọng lực, ông đã đưa ra “Định luật Archimède”. Định luật này đã giúp ông chứng minh được rằng người thợ kim hoàn đã gian lận khi làm vương miện cho vua.

Như đã nói ở trên, Archimède là người Hy Lạp cổ. Ông từng theo học với Euclide (một bậc thầy về toán học, thiên văn học) ở Alexandriae - trung tâm kinh tế-văn hóa của Ai Cập cổ và sáng chế ra chiếc máy bơm dùng để tưới tiêu nước cho đồng ruộng Ai Cập. Có lẽ vì thế mà một số người nghĩ rằng ông là người Ai Cập.

Năm 212 trước CN, Archimède bị tên lính La Mã giết chết trong khi đang say mê tìm con số giải đáp cho một bài toán và không nghe thấy câu hỏi của kẻ thù đang đứng bên cạnh. Ông đã để lại cho nhân loại nhiều phát minh quan trọng, trong đó có định luật đòn bẩy với câu nói nổi tiếng “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng quả đất lên”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.