.
Cửa sổ văn nghệ

Hát nhép

Bên ngoài, người ta còn bàn cãi ồn ào chứ trong nghề tổ chức biểu diễn, nhất là tổ chức biểu diễn các “Life show” có truyền hình trực tiếp, việc hát nhép là chuyện đương nhiên. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra trò “hát nhép” (trước gọi là “hát đớp” nhưng có lẽ từ “hát đớp” nó tùng tục thế nào ấy, anh chị em giới nhạc không thích) nhưng từ khi có nó, người biểu diễn khỏe re còn người nghe thì tha hồ mà vỗ tay, tung hoa, thưởng tiền. Hát nhép có nghĩa là bài hát và nhạc đệm được thu âm trước trong phòng thu.

Đến tiết mục của mình, ca sĩ chỉ phải ra sân khấu làm động tác giả (điệu bộ, khẩu hình) theo tiếng hát mình đã thu sẵn đang được giàn loa công suất lớn phát ra. Từ khi có hát nhép, không bao giờ còn chuyện giọng hát trồi sụt qua các đêm diễn, không có chuyện “gãy”, không có chuyện “không khớp”, không có chuyện “phô”. Nghĩa là một trăm lần như một, trăm lần giọng hát đều có chất lượng như nhau, mọi suất diễn đều thành công, mọi chương trình truyền hình trực tiếp đều an toàn nếu như giàn âm thanh điện tử không trục trặc gì, bởi dù một trăm lần diễn giọng hát ấy, phần nhạc đệm ấy vẫn từ một đĩa từ phát ra theo lập trình vô cảm, còn ca sĩ chỉ cần có mặt, không cần lao động nghệ thuật. Thế là nghệ sĩ (có trường hợp vài chục triệu một suất diễn) trở thành người làm hàng giả, người lợi dụng tình cảm của khán giả để hành nghề.

Tôi đã xấu hổ như một kẻ làm điều khuất tất bị bắt quả tang khi một khán giả ngồi cạnh đã vỗ tay, đã hò reo khi thần tượng của mình ra sân khấu và đã khóc khi ca sĩ ấy bước vào hậu trường. Tôi chính là tòng phạm của cô ta trong cú lừa này. Buổi chiều tổng duyệt, mà tôi tham gia duyệt chương trình, cô ta còn ở TP. Hồ Chí Minh nhưng tiết mục của cô đã thu đĩa vẫn được phát để tốp múa minh họa khớp động tác và truyền hình căn giờ. Còn bây giờ, điều mà khán giả nọ khóc sướt mướt chỉ là những động tác vờ vĩnh của cô. Cái giá của 5 phút vờ vĩnh ấy là 20 triệu đồng thù lao, chưa kể tiền vé máy bay, khách sạn. Hàng giả như thế thật là siêu hàng giả, phi nghệ thuật ra, khó có thứ hàng giả nào dễ làm và lợi nhuận cao như thế.

Nhưng hát nhép vẫn cứ tồn tại và ngày càng ít bị lên án hơn. Người ta lấy sự “an toàn” của chương trình truyền hình trực tiếp, lấy việc tiện lợi, lấy việc đỡ tốn tiền thuê giàn nhạc và cả việc phải chiều ca sĩ để biện hộ cho hiện tượng làm hàng giả này trong nghệ thuật. Nhưng điều đó sẽ dẫn ca nhạc tới đâu khi hầu hết các tiết mục trong đêm nhạc, trên truyền hình đều là nhép? Nền ca nhạc sẽ tới đâu khi nhạc “đạo” của nước ngoài, lời “nhái” của nước ngoài, tên giả tên nước ngoài và hát là hát nhép? Biết đâu đấy theo gương thanh nhạc, giàn nhạc giao hưởng cũng sẽ đến lúc múa may theo đĩa, còn chúng ta thì đứng lên, vỗ tay nồng nhiệt kéo dài?

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.