.

Đãi chữ tìm vàng

.

Trải qua hàng nghìn năm, chữ Hán và chữ Nôm đã được người Việt sử dụng trong sáng tác trước thuật, ghi chép công văn, tài liệu trên giấy, chạm khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ... Đó là nguồn tư liệu rất có giá trị để tìm hiểu quá khứ dân tộc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhiều và nằm rải rác

GS Trần Quốc Vượng khảo sát một bia ký ở chùa Quan Thánh làng Lỗ Giáng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. (Ảnh chụp năm 2003). 

Ở xã Phước Lý, tổng Hòa An, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là khu vực Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, từ lâu nổi tiếng các đời thầy thuốc gia truyền, dân gian gọi là “Thầy Phước Lý”. Nghề này do ông tổ Nguyễn Văn Hóa mang từ Thanh Hóa vào, truyền đến đời thứ tám hiện nay là ông Nguyễn Đình Phùng. Điều gì đã khiến cho các thế hệ “Thầy Phước Lý” lưu giữ được tinh hoa của nghề gia truyền lâu đến vậy?

Ông Phùng hiện giữ gần 10 bộ thư tịch cổ chép về nghề phục dược bằng chữ Hán, chữ Nôm, trong đó, bộ sách “Tam đại tứ gia” (ba đời, bốn nhà làm thuốc) ghi chép những kinh nghiệm chữa bệnh qua các đời làm thầy thuốc. Có nhiều phương thuật thuộc loại “bí truyền”, chỉ trong gia đình mới biết như chữa cuống họng mắc xương cá, bong gân...

Ngoài ra, còn có bộ Điền thổ của xã Phước Lý được lập ngày 10 tháng 4 năm Bảo Đại thứ bảy (1932), trong đó có đóng dấu triện Lý trưởng hình chữ nhật với các hàng chữ P. QUANG NAM (P là viết tắt chữ province, tiếng Pháp, nghĩa là tỉnh - NV), D. HOA VINH (D = district = huyện). Ông Phùng giải thích: Hòa Vang là tên gọi trại về sau này, tên chữ ban đầu viết 和荣,đọc là Hòa Vinh. Xưa hơn nữa là tờ đơn xin đi lính của một ông chú trong họ của ông Phùng, lập ngày 20 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi hai (1781, đời vua Lê Hiển Tông). Theo lệ của nhà nước phong kiến lúc đó, người nào đi lính đều được cấp 3 sào ruộng. Ông này (dân gian gọi là Bếp Tâm) cũng được cấp 3 sào ruộng và lưu truyền đến nay được bốn đời.

Cũng liên quan đến tổng Hòa An xưa, ông Lê Văn Tất ở thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, hiện giữ được đơn của Chánh tổng Phan Tiến Hạc xin xuống làm... phó tổng, viết ngày 6 tháng 12 năm Tự Đức thứ ba mươi bốn (1881), vì không kham nổi chức chánh tổng. Trong đơn có đến 3 trang, mỗi trang có 8 dấu triện và chữ ký của các lý trưởng trong vùng. Ông nội ông Tất thời vua Thành Thái làm lý trưởng làng Vân Dương nên để lại nhiều thư tịch Hán Nôm.

Ở Đà Nẵng, không hiếm các trường hợp tài liệu Hán Nôm nằm ở cộng đồng dân cư như các ông Nguyễn Đình Phùng, Lê Văn Tất. Theo khảo sát chưa đầy đủ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 239 trang tư liệu về câu đối, liễn đối, hoành phi; 42 bản văn tế cúng từ các bản Hán văn; hơn một nghìn trang địa bạ; 2 bộ hương ước và khoán ước; 14 văn bia chữ Hán - Nôm và hàng trăm trang gia phả, tộc phả… Tất cả hiện nằm rải rác trong các chùa chiền, đình làng, nhà thờ tộc, miếu cổ, mộ cổ, tư gia...

Thời gian và chân lý

Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng), tuy so với các địa phương phía Bắc thì di sản Hán Nôm ở Đà Nẵng không “giàu” bằng, cả về trữ lượng lẫn niên đại, nhưng Đà Nẵng vẫn có cái riêng, tiêu biểu cho vùng đất được hình thành ở giai đoạn sau này của quốc gia Đại Việt, đó là sự ảnh hưởng, đan xen văn hóa Việt – Chăm. “Giải mã” di sản Hán Nôm sẽ giúp thế hệ hôm nay nhìn nhận một cách khách quan, chân thực, đúng đắn hơn về truyền thống, quan niệm, tư tưởng qua các chiều kích lịch sử, giúp xác định lại niên đại lịch sử một cách chính xác hơn.

Di sản Hán Nôm cất giấu những giá trị lịch sử - văn hóa mà không phải ai cũng nhận biết được.
Đơn cử như việc phát hiện hai ngôi mộ và hai tấm bia cổ của vợ chồng người họ Lê ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Trong một lần đi điền dã đến đây, qua nội dung văn bia, GS Trần Quốc Vượng cho biết ông họ Lê giữ chức Câu kê – một chức quan phụ trách việc thu thuế dưới thời Chúa Nguyễn. Bia lập năm Mậu Dần (1638), cho thấy trước đó vùng đất này đã sầm uất cảnh trên bến dưới thuyền, là một trong những điểm thông thương nối Đà Nẵng với cảng thị Hội An qua sông Cổ Cò, chúa đã cử quan Câu kê thu thuế.

Người viết bài này đã được ông Trần Phước Đồng ở làng Phước Thuận (Hòa Nhơn, Hòa Vang) cho xem qua các thư tịch cổ còn giữ được ở làng. Ngoài 14 sắc phong triều Nguyễn (chưa kể 7 tờ bị giặc Pháp lấy mất), làng còn giữ hơn 17 tập sách cổ, trong đó có bộ Đinh, bộ Điền thời Thái Đức (1778 - 1793, Nguyễn Văn Nhạc nhà Tây Sơn), Khoán ước thời Gia Long; đặc biệt, bộ Điền của tộc Trần hậu hiền có ấn chỉ niên hiệu Thái Đức.

Di sản Hán Nôm quả là một kho vàng mà chỉ những ai biết cách “khai quật” mới có thể tìm ra ở đó giá trị đích thực từ những con chữ tượng hình. Từ năm 1997 đến năm 2004, ông Hồ Tấn Tuấn đã nhiều lần rong ruổi cùng với Nhà Hán học – Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng, GS Trần Quốc Vượng đi khảo tả, “giải mã” các văn bia, thư tịch Hán Nôm ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, hai “cây cổ thụ” này đã ra đi vĩnh viễn và vẫn chưa có người tâm huyết tiếp tục công việc dở dang ở phía trước.

Các tư nhân như ông Phùng, ông Tất nói trên vẫn biết tài liệu cổ mình đang giữ là vô giá, nhưng sức của các ông chỉ lõm bõm chữ được chữ mất. Lo lắng “ông làm thầy, cháu đốt sách”, ông Phùng cho đứa cháu nội ra Hà Nội học ở Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam - nơi dạy y văn bằng chữ Hán Nôm. Còn ông Tất thì đang mày mò tra từng chữ trên từ điển Hán Việt để tự mình đãi chữ tìm vàng.

Văn bia Văn chỉ La Châu (Hòa Khương, Hòa Vang) đổ vỡ, nằm lăn lóc giữa chốn hoang tàn; bia Đập Quan chơ vơ dưới gốc cổ thụ bên sông Cổ Cò; bia làng La Bông, xã Hòa Tiến, nằm trong ngôi miếu cổ... Sau mỗi mùa bão lũ, lại có thêm một số thư tịch Hán Nôm phải “đội nón ra đi”. Khi sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra nóng hổi, các địa phương, tộc họ mới phát hiện ra nhiều thư tịch cổ chứng minh chủ quyền hai quần đảo này thuộc về Việt Nam. Nếu thế hệ hôm nay biết đãi chữ tìm vàng sớm hơn thì chân lý không phải đến bây giờ mới được phát lộ, và biết đâu ta đã không vô tình hủy hoại nhiều thư tịch có giá trị hơn nữa?

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.